UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định 33/2024/QĐ-UBND về quy chế phối hợp quản lý nhà nước trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh.
Quy chế này có hiệu lực thi hành từ ngày 20/7/2024, được áp dụng đối với người tiêu dùng, tổ chức, cá nhân kinh doanh, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, Công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường Phú Yên, Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trên địa bàn tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Phú Yên và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của tỉnh.
Cụ thể, công tác phối hợp quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dựa trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, đơn vị, địa phương và yêu cầu về công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo từng thời điểm.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các cơ quan, đơn vị, địa phương có trách nhiệm chủ động tham gia vào công tác phối hợp nhằm đảm bảo công tác quản lý nhà nước được thực hiện chặt chẽ, hiệu quả, thống nhất, đồng bộ và không bị chồng chéo trong điều hành giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương quản lý.
Việc phối hợp trong hoạt động tiếp nhận, giải quyết các phản ánh, yêu cầu, khiếu nại của người tiêu dùng phải đảm bảo tuân thủ theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các quy định pháp luật khác có liên quan; bảo đảm an toàn thông tin trong quá trình gửi, nhận, lưu trữ dữ liệu về phản ánh, yêu cầu, khiếu nại của người tiêu dùng; đồng thời bảo đảm đúng thẩm quyền và thời gian giải quyết theo quy định.
Bên cạnh đó, quy chế này còn quy định rõ về nội dung phối hợp; phương thức phối hợp; yêu cầu của công tác phối hợp và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong công tác phối hợp quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
KHANG ANH