Sự kiện tái lập tỉnh Phú Yên (ngày 1/7/1989) là cột mốc quan trọng mở ra thời kỳ phát triển mới cho vùng “đất Phú, trời Yên”. Qua 35 năm xây dựng, phát triển và hội nhập, Phú Yên đã từng bước vươn lên, khẳng định mình và nỗ lực bứt phá. Đồng hành cùng sự phát triển của tỉnh, ngành Thuế Phú Yên đã không ngừng lớn mạnh, đóng góp vào sự ổn định, phát triển KT-XH của tỉnh nhà.
Nỗ lực thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách
Thời gian đầu sau tái lập tỉnh, kinh tế Phú Yên ở mức thấp với xuất phát điểm là một tỉnh chủ yếu dựa vào nông nghiệp; công nghiệp, dịch vụ nhỏ lẻ nên công tác thu ngân sách gặp nhiều khó khăn. Với nỗ lực, phấn đấu không ngừng của tập thể công chức thuế, cùng sự chỉ đạo sát sao của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự phối hợp, hỗ trợ tích cực của các cấp, ngành trong tỉnh, ngành Thuế Phú Yên nhiều năm liền đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách; góp phần hoàn thành các mục tiêu, chiến lược phát triển KT-XH của tỉnh.
Cụ thể, số thu ngân sách qua các năm đều vượt mức dự toán giao, năm sau luôn cao hơn năm trước. Nếu số thu ngân sách năm 1990 - năm đầu tiên thành lập Cục Thuế tỉnh chỉ 15 tỉ đồng thì đến năm 2000 số thu đạt 272 tỉ đồng, tăng gấp 18 lần sau 10 năm thực hiện cải cách thuế bước 1.
Năm 2004 đánh dấu một bước ngoặt lớn đó là Cục Thuế Phú Yên chính thức gia nhập câu lạc bộ các đơn vị có số thu 500 tỉ đồng; đến năm 2010 số thu ngân sách của tỉnh đã vượt mức 1.000 tỉ đồng (đạt 1.130 tỉ đồng); đến năm 2019 số thu ngân sách của tỉnh là 6.938 tỉ đồng, tăng hơn 6 lần so với năm 2010.
Từ năm 2020 đến nay, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến sự phát triển KT-XH của cả nước nói chung và của tỉnh nói riêng, hoạt động sản xuất kinh doanh chịu tác động rất nặng nề; ngành Thuế vừa thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách, đảm bảo cân đối nguồn thu, vừa triển khai các chính sách về hỗ trợ người nộp thuế khắc phục khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Trong bối cảnh đó, ngành Thuế Phú Yên đã chủ động triển khai nhiệm vụ thu ngân sách hằng năm trên cơ sở phối hợp với các ngành, địa phương với quyết tâm chính trị cao nhất; đặc biệt là sự đồng thuận của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Cơ quan thuế các cấp đã theo dõi sát diễn biến tình hình KT-XH để dự báo, đánh giá tác động đến nguồn thu ngân sách, thực hiện quyết liệt các giải pháp quản lý thu thuế; đồng thời triển khai kịp thời các giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh, đảm bảo nguồn lực cho phát triển.
Trong điều kiện KT-XH gặp nhiều khó khăn, nguồn thu ngân sách bị sụt giảm đáng kể so với thời điểm trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra nhưng ngành Thuế luôn cố gắng hoàn thành vượt mức nhiệm vụ thu ngân sách (nguồn tổng thu trừ đất) trung ương giao hằng năm. Cụ thể, năm 2020 đạt 119,9%; năm 2021 đạt 107,2%; năm 2022 đạt 116,3% và năm 2023 đạt 110,3%.
Triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ người nộp thuế
Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, liên tục trong các năm từ 2020 đến nay, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp khắc phục khó khăn, ổn định đời sống, khôi phục sản xuất kinh doanh. Các chính sách hỗ trợ trong lĩnh vực thuế đã được ngành Thuế Phú Yên triển khai kịp thời, hiệu quả và phát huy tác dụng tích cực.
Đồ họa: VIỆT AN |
Ngành Thuế đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về thuế, chú trọng tuyên truyền những chính sách hỗ trợ về thuế, với phương châm luôn đồng hành cùng người nộp thuế, liên tục đổi mới và đa dạng các hình thức tuyên truyền - hỗ trợ, với mục tiêu mọi người dân, doanh nghiệp đều được tiếp cận các chính sách, sớm nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước, vượt qua khó khăn.
Tính đến nay, ngành Thuế Phú Yên đã giải quyết giảm thuế, gia hạn nộp thuế cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh với tổng số tiền lên đến hơn 2.000 tỉ đồng và hiện nay đang tiếp tục triển khai miễn, giảm, gia hạn nộp thuế, phí, tiền thuê đất trong năm 2024 theo các nghị định của Chính phủ.
Sự nỗ lực của ngành Thuế Phú Yên trong việc triển khai các chính sách hỗ trợ của Nhà nước trên lĩnh vực thuế nhận được nhiều phản hồi tích cực từ các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, người dân và doanh nghiệp; giúp người nộp thuế từng bước khắc phục khó khăn, ổn định đời sống, khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh.
Đẩy mạnh chuyển đổi số gắn với cải cách hành chính thuế
Thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, ngành Thuế Phú Yên luôn tích cực, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin gắn với cải cách thủ tục hành chính thuế, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trong lĩnh vực thuế với mục tiêu “lấy người nộp thuế làm trung tâm phục vụ”.
Theo đó, tất cả giao dịch về thuế từ đăng ký thuế, kê khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế, miễn, giảm, gia hạn thuế… của người nộp thuế với cơ quan thuế đều được thực hiện bằng phương thức điện tử. Ngành Thuế cũng chú trọng mở rộng các hình thức tuyên truyền, hỗ trợ, trao đổi thông tin bằng phương thức điện tử giúp người nộp thuế tiếp cận chính sách pháp luật thuế nhanh và hiệu quả.
Thời gian đến, để việc triển khai dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực thuế duy trì tốt, đạt hiệu quả cao, ngành Thuế tiếp tục tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, duy trì hệ thống thuế điện tử thông suốt 24/7, hỗ trợ người khai thuế, nộp thuế qua hệ thống thuế điện tử; hỗ trợ người nộp thuế xuất hóa đơn điện tử, hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền; đẩy mạnh triển khai ứng dụng thuế điện tử trên thiết bị di động (eTax Mobile), tạo môi trường thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước.
Bên cạnh đó, ngành Thuế phối hợp tốt với các sở, ban ngành tập trung tháo gỡ, giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển ổn định, thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới và khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo cơ sở để tăng thu cho ngân sách nhà nước.
Ngày nay cùng với cả nước, tỉnh Phú Yên đang bước vào thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH, phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Cùng với cán bộ, Nhân dân cả tỉnh, ngành Thuế Phú Yên không ngừng cố gắng trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất đạo đức tốt, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng để tổ chức quản lý hiệu quả nguồn thu ngân sách hằng năm, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển KT-XH tỉnh nhà.
Sau khi tỉnh Phú Yên tái lập, hệ thống thu ngân sách của tỉnh gồm có: Chi cục Thuế công thương nghiệp quản lý thu thuế từ hoạt động công thương nghiệp ngoài quốc doanh, Bộ phận Thu quốc doanh quản lý thu khối doanh nghiệp quốc doanh và Ban Thuế nông nghiệp quản lý thu thuế nông nghiệp. Đến ngày 1/10/1990, Cục Thuế Phú Yên được thành lập trên cơ sở hợp nhất 3 tổ chức thu này để thực hiện chức năng thống nhất quản lý thu thuế trên địa bàn tỉnh.
Lúc đó, Cục Thuế gồm 7 phòng và 7 chi cục thuế với đội ngũ công chức 271 người, trong đó có đến 65% chưa qua đào tạo chuyên môn nghiệp vụ. Cơ quan Cục Thuế và các chi cục thuế đều chưa có trụ sở; phương tiện làm việc, phục vụ công tác đều thiếu thốn. Song song với việc sắp xếp tổ chức bộ máy, để đáp ứng nhiệm vụ quản lý thu thuế ngày càng văn minh, hiện đại, ngành Thuế Phú Yên chú trọng công tác đào tạo và đào tạo lại cán bộ. Đến nay, hầu hết công chức của ngành có trình độ đại học và trên đại học; từng bước được trang bị phương tiện làm việc hiện đại, áp dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý thuế, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế. |
PHẠM HOÀI TRUNG
Cục trưởng Cục Thuế Phú Yên