Sinh ra và lớn lên trên vùng đất Phú Lợi, xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân, anh La O Đoàn, 46 tuổi, người dân tộc Chăm luôn mong muốn có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, La O Đoàn luôn chủ động tìm tòi, học cách làm ăn để phát triển kinh tế, làm giàu cho chính mình.
Linh hoạt trong phát triển kinh tế
Như bao thanh niên khác trong làng, La O Đoàn cưới vợ và lập nghiệp gần như từ đôi bàn tay trắng. Vốn tính tình siêng năng, chịu khó, sau khi làm xong việc ruộng rẫy, anh lại dắt con bò lớn đi cày thuê cho các gia đình khác trong thôn. Một người một bò, anh bám ruộng, bám rẫy từ mờ sáng đến tận tối khuya.
Tiền kiếm được, anh để dành mua thêm đất rẫy, sắm sửa vật dụng trong nhà. Đến nay, gia đình La O Đoàn sở hữu hơn 4ha đất rẫy, hơn 1,5 sào lúa nước 2 vụ. Với đất đai hiện có, La O Đoàn luôn tìm tòi những hướng đi mới; khi thì trồng sắn, khi lại chuyển sang trồng mía, trồng keo. Mảnh đất không bao giờ ngơi nghỉ, năm nào cũng cho gia đình La O Đoàn nguồn thu từ 150-180 triệu đồng.
Không kém cạnh chồng, chị La O Thị Thia, vợ La O Đoàn cũng ở nhà đầu tư nuôi đàn heo, bò sinh sản. Được chăm lo kỹ, đàn gia súc đều đặn mang lại thu nhập vài chục triệu đồng mỗi năm. Ngoài ra, chị La O Thị Thia còn mở thêm một cửa hàng tạp hóa bán cho người dân trong thôn.
Với nguồn vốn tích cóp được, năm 2018, La O Đoàn vay mượn thêm tiền mua 1 máy cày trị giá gần 200 triệu đồng để làm dịch vụ cày thuê. Vào mùa vụ, mỗi ngày La O Đoàn đều bám ruộng, cày liên tục 3-4 sào đất cho thu nhập 1,2-1,6 triệu đồng. Thời điểm này, toàn thôn chỉ có 2 gia đình có máy cày, phục vụ cho tất cả người dân trong thôn và một số thôn, xã lân cận.
“Trước đây, sau khi làm xong việc đồng áng, tôi vẫn đi cày thuê cho người dân trong thôn. Nhưng cày bằng bò rất chậm, năng suất kém mà lại rất vất vả, có khi làm cả ngày chẳng được bao nhiêu. Từ ngày mua máy cày, công việc trở nên nhẹ nhàng và hiệu quả hơn; nguồn thu nhập cũng vì thế mà tăng lên đáng kể”, anh La O Đoàn vui vẻ nói.
Ý thức tự lực vươn lên
Là người đồng bào DTTS, lại không may mắn được học hành đầy đủ, nhưng anh La O Đoàn có tư tưởng rất tiến bộ. Anh không muốn dựa dẫm, trông chờ vào các chính sách của Nhà nước cũng như các gói trợ cấp. Thay vào đó, anh luôn tự thân vận động, không ngừng học hỏi vươn lên để thay đổi cuộc sống.
La O Đoàn là một nông dân tiêu biểu, gương mẫu với tinh thần cầu tiến, chịu khó, không trông chờ, ỷ lại vào các chương trình hỗ trợ của Nhà nước. Từ khó khổ, anh cùng với gia đình đã cần mẫn làm ăn, đầu tư máy móc vào sản xuất và kinh doanh dịch vụ, với tổng doanh thu trên 250 triệu đồng/năm.
Ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Phú Mỡ |
Anh La O Đoàn tâm sự: Là người đồng bào DTTS bản địa, tôi thấy cuộc sống người dân địa phương còn rất khó khăn. Khi mới cưới nhau, vợ chồng tôi cũng sống trong căn nhà tạm bợ, chật hẹp và thiếu thốn đủ đường. Sau một thời gian chăm chỉ làm ăn, tích lũy, chúng tôi không chỉ xây được nhà, mà còn mua được máy cày, kinh tế gia đình ngày càng ổn định. Bản thân tôi nhận thấy, nếu muốn thoát nghèo thì tự bản thân mình phải cố gắng làm việc, nỗ lực vươn lên từng ngày.
Không chỉ cố gắng làm ăn, La O Đoàn cũng nhận thức rõ, có được học hành thì cuộc sống mới đỡ vất vả, mới có thể vươn lên làm giàu. Do vậy, anh luôn động viên các con chăm chỉ học tập, rèn luyện để có tương lai tốt đẹp hơn. Hiện 2 con gái của La O Đoàn, một đứa đã tốt nghiệp đại học, có việc làm ổn định; một đứa đang học lớp 12. Bản thân anh cũng không ngừng tìm tòi, học hỏi những kiến thức mới nhằm áp dụng vào cuộc sống cũng như hoạt động sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Phú Mỡ cho biết: La O Đoàn là một nông dân tiêu biểu, gương mẫu với tinh thần cầu tiến, chịu khó, không trông chờ, ỷ lại vào các chương trình hỗ trợ của Nhà nước. Từ khó khổ, anh cùng với gia đình cần mẫn làm ăn, đầu tư máy móc vào sản xuất và kinh doanh dịch vụ, với tổng doanh thu trên 250 triệu đồng/năm. La O Đoàn vinh dự là một trong những cá nhân tiêu biểu đại diện cộng đồng người dân tộc Chăm của xã Phú Mỡ tham dự Đại hội đại biểu các DTTS huyện Đồng Xuân lần thứ IV năm 2024.
NGÔ XUÂN