Sau hơn 12 năm nỗ lực xây dựng, mới đây, xã miền núi Sông Hinh (huyện Sông Hinh) được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đây là kết quả nỗ lực, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và sự đồng thuận của người dân.
Về đích từ xuất phát điểm thấp
Là xã vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, với xuất phát điểm thấp, tỉ lệ hộ nghèo cao, kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, tình trạng sản xuất tự phát khá phổ biến, chuyển dịch cơ cấu sản xuất còn chậm, thiếu sự đồng đều giữa các thôn... là những rào cản, thách thức lớn đối với mục tiêu xây dựng nông thôn mới (NTM) của xã Sông Hinh.
Theo ông Nay Y Sét, Chủ tịch UBND xã Sông Hinh, nhận thức sâu sắc điều đó, trên cơ sở phân tích, đánh giá tình hình, điều kiện thực tế, dưới sự chỉ đạo sát sao, quan tâm, tạo điều kiện của các cấp, ngành, xã đã chủ động xây dựng các giải pháp cụ thể về xây dựng NTM với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hướng đến mục tiêu đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, xóa đói, giảm nghèo; huy động nội lực, tranh thủ ngoại lực...
Ông Sét cho biết: Hằng năm, xã ban hành các nghị quyết, văn bản để chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các tiêu chí phù hợp với từng thôn. Các thành viên ban chỉ đạo phối hợp cùng các đoàn thể chính trị trực tiếp xuống thôn mình phụ trách chỉ đạo, tuyên truyền để Nhân dân, đoàn viên, hội viên hiểu rõ việc thực hiện chương trình xây dựng NTM, từ đó phát huy vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng, kết hợp cùng nguồn lực chương trình xây dựng NTM từ ngân sách nhà nước, nguồn vốn huy động được để thực hiện.
Bên cạnh đó, để phát triển, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, xã Sông Hinh đặc biệt quan tâm ứng dụng tiến bộ KH-CN, kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, giúp nâng cao chất lượng hàng hóa, năng suất lao động và hiệu quả kinh tế. Địa phương đã phối hợp cùng các ngành chức năng triển khai nhiều mô hình sản xuất hiệu quả đến với người dân như: mô hình lúa năng suất chất lượng cao, mô hình cây ăn trái, sắn phủ bạt, bò phối giống, chăn nuôi heo đen…
Gia đình ông Nay Y Thu ở buôn Kít, trước đây gặp nhiều khó khăn, hằng năm đến mùa giáp hạt thường xuyên bị thiếu đói. Được hướng dẫn kỹ thuật thâm canh khoa học, tiếp cận giống lúa mới và có nước tưới từ công trình trạm bơm thủy lợi, ruộng lúa của gia đình Nay Y Thu luôn tươi tốt, được mùa. Đến nay, không những thoát cảnh đói giáp hạt mà gia đình ông còn được ăn cơm gạo ngon.
“Bà con đồng bào DTTS ở đây rất phấn khởi khi địa phương quan tâm đầu tư, chuyển đổi từ lúa rẫy sang lúa năng suất chất lượng cao, đồng thời thay đổi tập quán sản xuất. Nhiều giống lúa mới được bà con trồng thành công, cho năng suất hơn 420kg/ sào”, ông Nay Y Thu bày tỏ.
Vùng quê khởi sắc
Về xã Sông Hinh, dưới ánh nắng chói chang của tháng 5, đi trên những con đường bê tông sạch đẹp, rợp cây xanh dẫn vào tận thôn buôn, chúng ta sẽ cảm nhận được sức sống mới ở xã NTM này. Theo Bí thư Đảng ủy xã Sông Hinh Ksor Y Sơn, đến nay địa phương đã hoàn thành chương trình xây dựng NTM hoàn toàn dựa vào nội lực và ý thức của người dân, không chạy theo thành tích.
“Khó khăn nhất đối với xã Sông Hinh trước đây là thu nhập bình quân đầu người thấp và tỉ lệ hộ nghèo rất cao. Khi thực hiện chương trình xây dựng NTM, địa phương tập trung tuyên truyền, vận động về nội dung, mục tiêu, ý nghĩa của chương trình đến từng hộ dân. Xã cũng đã thành lập, kiện toàn ban chỉ đạo thực hiện chương trình xây dựng NTM từ xã đến thôn; tập trung huy động nguồn lực tại chỗ, đẩy mạnh các phong trào thi đua xây dựng NTM… Đến nay, xã Sông Hinh đạt 19/19 tiêu chí NTM”, ông Ksor Y Sơn chia sẻ.
Phấn khởi khi xã Sông Hinh được công nhận xã NTM, ông H’Vương, Trưởng thôn Ea Ngao cho biết: Trước đây, Nhân dân thôn Ea Ngao nói riêng và toàn xã nói chung vẫn còn nhiều khó khăn. Đường đất đá lồi lõm, nhấp nhô; bụi bay vào mùa nắng, lầy lội vào mùa mưa; điện, đường, trường, trạm chưa được đầu tư bài bản. Những con đường trong thôn ban đêm không có ánh sáng, không đảm bảo về an ninh trật tự. Để thực hiện đạt những mục tiêu góp phần chung vào công cuộc xây dựng NTM, được sự chỉ đạo, hướng dẫn và hỗ trợ của các cấp, xã Sông Hinh đã tháo gỡ khó khăn, cơ bản hoàn thành kế hoạch đề ra.
Bà Trần Thị Vinh ở thôn Bình Yên vui mừng nói: “Từ khi Nhà nước triển khai chương trình bê tông hóa giao thông nông thôn, bà con trong thôn vui mừng hưởng ứng. Đến nay, các tuyến đường liên thôn đều được bê tông phẳng lỳ chạy từ đầu thôn đến cuối xóm, giúp người dân đi lại thuận tiện. Ngoài ra, xã có điểm phục vụ dịch vụ viễn thông, internet; có đài truyền thanh và hệ thống loa đến các thôn, giúp bà con kịp thời nắm bắt thông tin, chính sách…”.
Đến nay, 100% tuyến đường xã và đường từ trung tâm xã đến đường huyện được nhựa hóa, bê tông hóa; 5/5 thôn, buôn đều có nhà văn hóa và các dịch vụ viễn thông, internet; thu nhập bình quân đầu người đạt 47,44 triệu đồng/người/năm; tỉ lệ hộ nghèo đa chiều giảm xuống còn 4,05%.
|
NGỌC HÂN