Những ngày qua, lực lượng thú y phối hợp cùng các địa phương đồng loạt tổ chức tiêm phòng vắc xin đợt 1/2024 nhằm tạo miễn dịch quần thể cho đàn vật nuôi, góp phần phòng ngừa hiệu quả dịch bệnh trong thời điểm chuyển mùa.
Đồng loạt tiêm phòng
Thực hiện kế hoạch tiêm phòng vắc xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm đợt 1/2024, ngành Thú y và các địa phương đã đồng loạt tổ chức tiêm phòng cho vật nuôi. Đợt này, ngành Thú y tiêm vắc xin lở mồm long móng (LMLM), viêm da nổi cục và tụ huyết trùng cho đàn trâu, bò; tiêm vắc xin LMLM, tụ huyết trùng và dịch tả cho đàn heo; tiêm vắc xin LMLM cho dê, cừu. Đối với đàn gia cầm, lực lượng thú y sẽ tiêm các loại vắc xin phòng bệnh newcastle, cúm gia cầm, dịch tả vịt.
Sau hơn nửa tháng triển khai tiêm phòng, đến nay, TP Tuy Hòa đã tiêm hơn 1.300 liều vắc xin LMLM, chiếm 50% tổng đàn trong diện tiêm; tiêm khoảng 1.800 liều vắc xin viêm da nổi cục, chiếm tỉ lệ 68% và gần 900 liều vắc xin tụ huyết trùng, chiếm hơn 34%. Hiện lực lượng thú y các xã, phường đang tiếp tục triển khai tiêm phòng, phấn đấu tỉ lệ tiêm phòng các loại vắc xin đạt từ 80% trở lên.
Tương tự, những ngày qua, lực lượng thú y của huyện Đồng Xuân cũng tập trung công tác tiêm phòng. Theo Phó Trưởng trạm phụ trách Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Đồng Xuân Nguyễn Phương Thảo, tổng đàn trâu, bò trong diện tiêm phòng của huyện gần 14.000 con.
Đến nay, địa phương đã tiêm gần 2.400 liều vắc xin LMLM, 8.800 liều vắc xin viêm da nổi cục và khoảng 200 liều vắc xin tụ huyết trùng. Trạm đang tiếp tục bám sát, hỗ trợ cán bộ thú y các xã, thị trấn và lực lượng thú y cơ sở thực hiện tiêm phòng vắc xin, đảm bảo đạt được tỉ lệ tiêm phòng tối thiểu 80%.
Bà Trần Thị Hồng Lệ ở xã Xuân Quang 1 (huyện Đồng Xuân) cho biết: Gia đình tôi nuôi được 6 con bò. Vừa rồi chúng tôi đã đăng ký và được cán bộ thú y đến tận nhà để tiêm phòng vắc xin LMLM, viêm da nổi cục cho cả đàn. Sau khi tiêm, chúng tôi còn được hướng dẫn cách chăm sóc, theo dõi sức khỏe đàn bò; nếu có dấu hiệu bất thường phải báo cho cán bộ thú y để kịp thời can thiệp, xử lý.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, trong đợt này, toàn tỉnh có 106.245 con trâu, bò thuộc diện tiêm phòng. Tính đến nay, các địa phương đã tiêm được gần 7.000 liều vắc xin LMLM, hơn 51.000 liều vắc xin viêm da nổi cục và khoảng 2.000 liều vắc xin tụ huyết trùng. Hiện nay thời tiết nắng ráo, thuận lợi cho công tác tiêm phòng nên ngành Thú y phối hợp cùng các địa phương đẩy mạnh việc tiêm phòng, phấn đấu tiêm cho toàn bộ đàn vật nuôi trong diện tiêm và đảm bảo đợt tiêm phòng sẽ kết thúc đúng kế hoạch vào ngày 30/4.
Người dân cần chủ động
Ông Nguyễn Văn Lâm, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Theo kế hoạch tiêm phòng vắc xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm năm 2024 của UBND tỉnh, đợt này Nhà nước hỗ trợ miễn phí vắc xin LMLM, viêm da nổi cục cho các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, nhờ vậy công tác tiêm phòng khá thuận lợi. Đối với đàn gia cầm, tỉnh chỉ hỗ trợ vắc xin cúm gia cầm cho người chăn nuôi gia cầm ở huyện Phú Hòa và TX Đông Hòa.
Cũng theo ông Lâm, đối với các loại vắc xin không được hỗ trợ từ Nhà nước, người chăn nuôi phải tự mua tiêm thì tiến độ tiêm rất chậm. Người chăn nuôi vẫn còn rất chủ quan, trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước nên công tác vận động tiêm phòng gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, tiêm phòng vắc xin là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất trong phòng dịch. Đàn vật nuôi được tiêm phòng vắc xin đồng loạt sẽ tạo được miễn dịch chủ động với các loại dịch bệnh nguy hiểm, hạn chế phần lớn rủi ro cho người chăn nuôi. Vì vậy, người chăn nuôi cần tích cực hơn trong việc tiêm phòng vắc xin cho gia súc, gia cầm.
Bà Nguyễn Thị Tâm ở xã Hòa Thắng (huyện Phú Hòa) cho hay: Đợt này thời tiết chuyển mùa, ruồi, muỗi… sinh sôi nhiều nên tôi sợ bò nhiễm bệnh viêm da nổi cục. Vì vậy, gia đình đã tiêm vắc xin LMLM và viêm da nổi cục cho bò. Ngoài ra, tôi còn đăng ký tiêm thêm vắc xin tụ huyết trùng, vì đây là bệnh rất nguy hiểm, nếu bò nhiễm bệnh dễ chết, thiệt hại rất lớn. Chi phí tiêm chưa đến 200.000 đồng nhưng phòng bệnh được cho cả đàn bò.
Cùng với việc tiêm phòng vắc xin, để nâng cao hiệu quả phòng dịch, người chăn nuôi cần quan tâm đến việc vệ sinh môi trường, đảm bảo vật nuôi được cung cấp đầy đủ thức ăn nước uống, giúp vật nuôi có sức khỏe và sức đề kháng tốt nhất, hạn chế bị virus xâm nhập gây hại, giảm rủi ro cho người chăn nuôi.
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nguyễn Văn Lâm |
THỦY TIÊN