Đây là nhiệm vụ quan trọng được Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh (BCĐ 389 tỉnh) tiếp tục đẩy mạnh triển khai trong năm 2024 trên tất cả lĩnh vực. Báo Phú Yên ghi lại một số ý kiến của đại diện các đơn vị chức năng, địa phương tại Hội nghị tổng kết công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2023 vừa được BCĐ 389 tỉnh tổ chức.
ĐỒNG CHÍ HỒ THỊ NGUYÊN THẢO, ỦY VIÊN BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY, PHÓ CHỦ TỊCH UBND TỈNH, TRƯỞNG BCĐ 389 TỈNH: Làm tốt công tác tham mưu, phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị
Triển khai thực hiện nhiệm vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, trong năm qua, BCĐ 389 tỉnh, các đơn vị thành viên, địa phương đã bám sát chỉ đạo, triển khai thực hiện các nhiệm vụ về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm, giữ ổn định trật tự thị trường, nâng cao vai trò quản lý của Nhà nước, không để xảy ra vụ việc ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng.
Tuy nhiên, các đơn vị cần tiếp tục triển khai những nội dung, giải pháp trọng tâm để quản lý, kiểm soát, xử lý vi phạm trên tất cả lĩnh vực, nhất là lĩnh vực hàng hóa, khoáng sản, vật liệu xây dựng, phân bón…; tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân; làm tốt công tác tham mưu, phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị.
Các đơn vị chức năng, đặc biệt là các đơn vị thành viên BCĐ 389 tỉnh cần tập trung đấu tranh chống gian lận, buôn lậu, tăng cường giám sát, thanh tra đo lường chất lượng, lĩnh vực giá...; chú trọng tổ chức thanh, kiểm tra chuyên đề.
Các địa phương cần thành lập các tổ công tác để phối hợp với ngành chức năng thực hiện nhiệm vụ tại cơ sở. Ngành Thuế tăng cường quản lý, giám sát việc kê khai thuế, quyết toán thuế, hoàn thuế nhằm chống các hành vi gian lận, thất thu thuế, chiếm đoạt tiền thuế từ ngân sách nhà nước.
ÔNG HUỲNH TRANG, CỤC TRƯỞNG CỤC QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG PHÚ YÊN, PHÓ TRƯỞNG BCĐ 389 TỈNH: Kiểm tra bám sát thực tế và khen thưởng sát người, sát việc
Là cơ quan thường trực BCĐ 389 tỉnh, Cục Quản lý thị trường Phú Yên luôn bám sát chỉ đạo, kế hoạch, nhiệm vụ cấp trên và tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường. Đơn vị cũng chủ động triển khai có trọng tâm, trọng điểm, bám sát tình hình thực tế tại các địa phương nên đã kịp thời phát hiện, xử lý những trường hợp vi phạm về gian lận thương mại.
Trong năm 2023, đơn vị đã tổ chức kiểm tra 1.281 vụ, xử lý 1.216 vụ, thu phạt vi phạm hành chính gần 6,5 tỉ đồng, tiêu hủy trên 20 tấn hàng hóa trị giá hơn 7,8 tỉ đồng, bán hàng hóa tịch thu hơn 5,1 tỉ đồng.
Trong quản lý, kiểm soát, công tác phối hợp giữa các đơn vị rất quan trọng, vậy nên các cơ quan chức năng phải bố trí thành viên, cán bộ có thẩm quyền lập biên bản xử lý.
Cơ quan thường trực cũng đề xuất UBND tỉnh, BCĐ khen thưởng kịp thời những cơ quan, lực lượng, cá nhân có thành tích trong đấu tranh, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả nhằm động viên, ghi nhận những đóng góp của các đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ.
Công tác này tiếp tục được thực hiện, nhất là khen thưởng sát người, sát việc, kể cả tổ chức, người dân đã cung cấp thông tin, hỗ trợ các lực lượng triển khai nhiệm vụ.
ÔNG LÊ ĐỨC THỌ, PHÓ TRƯỞNG PHÒNG CẢNH SÁT KINH TẾ (CÔNG AN TỈNH): Thường xuyên trao đổi, chia sẻ thông tin
Năm 2023, ngoài việc tổ chức kiểm tra, phát hiện mới 104 vụ việc vi phạm về khoáng sản, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản, hàng cấm..., lực lượng Công an tỉnh còn triển khai bài bản, quyết liệt công tác đấu tranh, chống buôn lậu, gian lận thương mại; mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm. Nổi bật như việc phá thành công chuyên án sản xuất, buôn bán dầu nhớt trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận.
Hiện nay, tình trạng hàng giả, kém chất lượng trên địa bàn còn tồn tại với số lượng rất lớn, do đó cần sự đấu tranh quyết liệt, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm pháp luật. Lực lượng công an tiếp tục chủ động phối hợp các địa phương, bám sát chỉ đạo cấp trên để ngăn chặn có hiệu quả.
Các đơn vị thành viên theo dõi, nắm chắc tình hình, nhận diện chính xác thủ đoạn, phương thức hoạt động của các đối tượng vi phạm buôn bán, vận chuyển hàng hóa; thường xuyên phối hợp, trao đổi, chia sẻ thông tin, tài liệu giữa các lực lượng có liên quan trong phối hợp kiểm tra, xử lý các vụ việc có hàng hóa vi phạm số lượng lớn, tính chất vi phạm phức tạp, được dư luận quan tâm, góp phần đảm bảo an toàn, an ninh trên địa bàn.
ÔNG NGUYỄN THANH TUẤN, GIÁM ĐỐC SỞ CÔNG THƯƠNG: Nâng cao nhận thức cho người dân, doanh nghiệp
Quán triệt, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, UBND tỉnh, Sở Công Thương đã chủ động nắm bắt tình hình diễn biến thị trường, thường xuyên cập nhật các cơ chế chính sách hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, tổ chức làm việc với các doanh nghiệp để nắm tình hình và báo cáo, đề xuất UBND tỉnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.
Thanh tra sở phối hợp cùng các lực lượng chức năng tăng cường thanh, kiểm tra, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tích trữ hàng hóa, hay vi phạm về điều kiện an toàn thực phẩm, nhằm cải thiện môi trường sản xuất, kinh doanh, bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Đề xuất của sở là các đơn vị cùng phối hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức cho người dân, doanh nghiệp để họ thấy trách nhiệm của mình trong việc tham gia chống buôn lậu, gian lận thương mại; đồng thời phối hợp kiểm soát hoạt động mua bán trực tuyến trên facebook, zalo, các khâu vận chuyển hàng hóa, kinh doanh xăng dầu, kể cả việc bán lẻ xăng dầu thông qua hóa đơn điện tử tại các cửa hàng, điểm bán.
ÔNG MAI NE, PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC UBND HUYỆN TÂY HÒA: Huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị
Tại địa phương, hoạt động mua bán hàng hóa, xăng dầu… diễn ra xuyên suốt, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Năm 2023, địa phương đã xử phạt nhiều trường hợp gian lận, mua bán hàng hóa kém chất lượng… Huyện đang nỗ lực quản lý, kiểm soát các lĩnh vực như an toàn thực phẩm, khai thác khoáng sản, nông sản, môi trường… để người dân an tâm sử dụng hàng hóa.
Huyện cũng sẽ chỉ đạo, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả thuộc lĩnh vực quản lý; quán triệt, phổ biến đến cán bộ, công chức trên địa bàn nắm rõ văn bản chỉ đạo của cấp trên và thực hiện các chế độ thông tin, báo cáo để phục vụ kịp thời cho công tác chỉ đạo, điều hành.
Trong điều kiện cán bộ, lực lượng chuyên trách tại địa phương không nhiều, việc địa phương nỗ lực phối hợp với các ngành chức năng xây dựng kế hoạch, lộ trình triển khai quản lý, kiểm soát, xử lý nhằm đảm bảo ổn định tình hình thị trường, sản xuất, thương mại trên địa bàn huyện.
KHANG ANH (ghi)