Thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, manh mún, chia cắt, lợi ích cục bộ để tập trung nguồn lực đầu tư các công trình, dự án lớn… tạo "quả đấm thép" cho đột phá hạ tầng của đất nước.
Mặc dù, các bộ, ngành, địa phương đã đạt được những kết quả tuyệt đối trong giải ngân vốn đầu tư công. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh rằng năm 2024, yêu cầu đầu tiên là phải xác định đầu tư công là ưu tiên hàng đầu để nhất quán trong công tác điều hành.
Để hiểu rõ hơn những khó khăn và thách thức, cũng như những giải pháp nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2024, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã chia sẻ với phóng viên TTXVN xung quanh nội dung này.
* Thưa Bộ trưởng, trong năm 2023, giải ngân vốn đầu tư công là một điểm sáng, nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Kinh nghiệm rút ra từ đây như thế nào?
- Năm 2023, giải ngân vốn đầu tư công dự kiến đạt 95% kế hoạch (năm 2022 là 91,42%), số tuyệt đối đạt gần 676.000 tỉ đồng, cao nhất từ trước đến nay, cao hơn khoảng 146.000 tỉ đồng so với năm trước đó.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Bài học kinh nghiệm rút ra là các bộ, ngành, địa phương điều hành đồng bộ, linh hoạt, quyết liệt, hiệu quả, kịp thời; phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo, lãnh đạo, tổ chức thực hiện dự án đầu tư công của bộ, cơ quan Trung ương, địa phương là điều kiện tiên quyết để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương nâng cao hơn nữa năng lực phân tích, lập kế hoạch, làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án, kịp thời, quyết liệt xử lý có hiệu quả các vấn đề, khó khăn vướng mắc phát sinh; làm việc nào dứt điểm việc đó, không để kéo dài, gây ách tắc, lãng phí nguồn lực.
Cùng với đó, các bộ, ngành, địa phương chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh phân cấp gắn với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi của cấp dưới và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực. Các đơn vị trực tiếp triển khai kế hoạch đầu tư công phải chủ động rà soát, thông tin kịp thời, chính xác về khó khăn, vướng mắc để các cơ quan quản lý có chính sách, giải pháp nhanh, mạnh, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Đồng thời, thực hiện tốt công tác truyền thông chính sách; duy trì, tăng cường, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan, các tổ chức chính trị - xã hội để tạo sự đồng thuận xã hội trong việc thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là các chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng thực hiện dự án đầu tư công.
Ngoài ra, các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường, đẩy mạnh cải cách thể chế, phân cấp, phân quyền, phân công, phân nhiệm, đôn đốc và tăng cường phối hợp; kiểm tra, thanh tra công vụ gắn với đánh giá, xếp loại cuối năm.
* Để thúc đẩy đầu tư công trong năm 2024, chúng ta cần những giải pháp như thế nào, thưa Bộ trưởng?
- Để thực hiện thành công kế hoạch đầu tư công năm 2024, đòi hỏi tinh thần đổi mới, quyết tâm chính trị cao, trách nhiệm hơn nữa của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương; trong đó, cần có giải pháp tổng thể.
Theo tôi, yêu cầu đầu tiên là phải xác định đầu tư công là ưu tiên hàng đầu để nhất quán trong công tác điều hành. Thực tế cho thấy, trong cùng một thể chế, chính sách pháp luật, có những bộ, ngành và địa phương giải ngân tốt, đó chính là sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của người đứng đầu.
Tiếp đến, giải pháp mang tính chất căn cơ cần thực hiện là rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động các dự án đầu tư công. Trước hết là sửa ngay các bất cập đã phát hiện trong thời gian qua nhằm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Về phía các bộ, ngành, địa phương, theo tôi, cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, nêu gương, phát huy vai trò của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện; thường xuyên rà soát, đôn đốc, kịp thời phát hiện và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh của từng dự án, nhất là các dự án trọng điểm; làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án, kiểm tra, rà soát từng dự án bố trí kế hoạch vốn năm 2024, đặc biệt là các dự án khởi công mới, lựa chọn dự án đủ thủ tục đầu tư, đáp ứng điều kiện bố trí vốn theo quy định, nâng cao tính sẵn sàng và tính khả thi, khả năng triển khai thực hiện dự án.
Bên cạnh đó, triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp khắc phục hạn chế, bất cập, chấn chỉnh khâu chuẩn bị đầu tư, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, 3 Chương trình Mục tiêu Quốc gia ngay từ đầu năm 2024.
Cùng với đó, tập trung đẩy nhanh tiến độ một số công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia. Thực hiện quyết liệt Nghị quyết của Quốc hội, tổ chức rà soát, lập và điều chỉnh, phê duyệt các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành; đồng thời, rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách và giải pháp thiết thực, hiệu quả đẩy mạnh phát triển các dự án kết cấu hạ tầng theo phương thức đối tác công tư…'
* Thưa Bộ trưởng, năm 2023 điểm nhấn kinh tế Việt Nam là đầu tư công. Ông có nhận xét gì về đầu tư công và giải ngân vốn đầu tư công tại Việt Nam năm 2023?
- Để đáp ứng yêu cầu phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, lượng vốn cần giải ngân trong năm 2023 là khá lớn. Ngoài số vốn kế hoạch năm 2023 đã được Quốc hội quyết nghị còn một lượng vốn bổ sung từ nguồn vốn thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Ngay từ đầu năm, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc để triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2023. Cụ thể, trong năm 2023 và trong suốt thời gian qua, chúng ta đã nỗ lực khắc phục bằng được tình trạng đầu tư dàn trải, manh mún, chia cắt, lợi ích cục bộ để tập trung nguồn lực đầu tư các công trình, dự án lớn, đường cao tốc, liên vùng, ven biển… các "quả đấm thép" cho đột phá hạ tầng của đất nước và các địa phương.
Cụ thể như cả nước đã giảm từ khoảng 60 chương trình mục tiêu giai đoạn 2011-2015 xuống 21 chương trình giai đoạn 2016-2020, đến nay chỉ còn 3 chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn 2021-2025; cắt giảm khoảng 12.000 dự án sử dụng ngân sách Trung ương trong giai đoạn 2016-2020 xuống dưới 5.000 dự án trong giai đoạn 2021-2025 để tập trung đầu tư trọng tâm, trọng điểm những dự án lớn, quan trọng, nền tảng kết cấu hạ tầng của nền kinh tế, quan tâm thực hiện mục tiêu đến năm 2025 có khoảng 3.000km đường cao tốc và đến năm 2030 có khoảng 5.000km.
Đặc biệt, đầu tư công đã phát huy vai trò dẫn dắt, thu hút các nguồn lực đầu tư từ các khu vực kinh tế ngoài nhà nước, tạo động lực tăng trưởng kinh tế. Giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 dự kiến đạt 95% kế hoạch (năm 2022 là 91,42%), cao nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và đầu ra cho nhiều ngành, lĩnh vực.
Cùng với đó, thể chế về đầu tư công tiếp tục được sửa đổi, bổ sung nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc mà thực tiễn đặt ra và tạo khung pháp lý cho những vấn đề mới, Quốc hội ban hành Nghị quyết về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Luật Đấu thầu năm 2023, Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh gồm 44 chính sách thuộc 7 lĩnh vực.
Chính phủ ban hành theo thẩm quyền các Nghị định hướng dẫn về hoạt động đầu tư công, tiếp tục triển khai rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến đầu tư công để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải phóng nguồn lực.
Đối với các chương trình mục tiêu quốc gia, các cơ quan Trung ương đã ban hành cơ bản đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật, hệ thống cơ chế chính sách khung để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Không những thế, năng lực hầu hết của các ngành sản xuất, dịch vụ và kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội được nâng lên, góp phần đáng kể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.
Cả nước đã đưa vào khai thác, sử dụng khoảng 1.900km đường bộ cao tốc. Các dự án cao tốc được sớm đưa vào khai thác đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế, du lịch, tạo động lực, không gian phát triển mới cho các địa phương; đồng thời, nhiều dự án về phòng, chống thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông, bờ biển, bảo vệ nguồn tài nguyên nước, ứng phó với biến đổi khí hậu tiếp tục được đẩy mạnh, một số dự án đi vào hoạt động, phát huy hiệu quả đầu tư.
Kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công được tăng cường, gắn trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công. Kết quả giải ngân vốn đầu tư công sẽ là căn cứ để bình xét, đánh giá, khen thưởng cán bộ, cũng như xử lý những trường hợp tổ chức, cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ giải ngân năm 2023 vì lý do chủ quan theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, công tác theo dõi, giám sát, đánh giá, thanh tra, kiểm tra được tăng cường, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong đầu tư công.
* Thưa Bộ trưởng, năm qua, đầu tư công trong lĩnh vực giao thông vận tải đã ghi nhiều dấu ấn. Theo ông, việc đầu tư công vào những công trình hạ tầng quan trọng như cao tốc, hàng không… đạt kết quả tốt sẽ đóng góp như như thế nào trong việc phát triển kinh tế, liên kết vùng?
- Có thể nói, điểm sáng trong thời gian qua là chúng ta đã cơ cấu lại đầu tư công, tập trung nguồn lực vào các công trình lớn, dự án giao thông trọng tâm, trọng điểm nhất là dự án đường cao tốc.
Trong giai đoạn 2016-2020 cũng như khi xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Bộ KH-ĐT đã tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bố trí nguồn lực vốn ngân sách Nhà nước tập trung cho ngành giao thông (riêng vốn ngân sách Trung ương bố trí cho ngành giao thông chiếm khoảng 53,4% tổng chi đầu tư ngân sách Trung ương); trong đó, riêng Bộ GTVT được bố trí vốn ngân sách Trung ương gần 300.000 tỉ đồng, cao nhất trong tất cả các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương.
Năm 2023, thực sự là năm có nhiều đột phá trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Đầu năm 2023 khởi công đồng loạt 12 dự án cao tốc Bắc-Nam, giữa năm khánh thành 9 dự án, cuối năm khánh thành đồng loạt 4 dự án ngành giao thông; đưa vào sử dụng trong năm 2023 là 475km đường bộ cao tốc, nâng tổng chiều dài đường cao tốc đưa vào khai thác đến nay là khoảng 1.900km.
Song song đó, khởi công 3 cao tốc trục Đông-Tây, 2 đường vành đai, cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang, nhà ga T3-Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành... Đưa vào khai thác cầu Mỹ Thuận 2, cầu Vĩnh Tuy 2 và nhiều công trình giao thông khác.
Việc hàng trăm kilomet đường cao tốc được hoàn thành đã kéo gần khoảng cách, thời gian, tạo ra tính liên kết vùng miền, địa phương, kết nối giữa các loại hình, phương thức giao thông, vận tải, tạo thuận lợi cho phương tiện giao thông, giảm chi phí logistics, tạo tiền đề tăng trưởng, phát triển kinh tế ở những địa phương, vùng miền mà đường cao tốc đi qua.
Hệ thống đường giao thông, đặc biệt là cao tốc tạo ra các không gian, hành lang phát triển kinh tế mới, giúp các địa phương phát triển kinh tế - xã hội, thu hút du lịch, thu hút nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ. Nhìn xa hơn, khi hệ thống cao tốc Bắc-Nam và các dự án giao thông trọng điểm hoàn thành sẽ tạo ra một mạng lưới giao thông, đường cao tốc khép kín, từ đó, nâng cao tính liên kết vùng của cả nước.
* Xin trân trọng cám ơn Bộ trưởng!
Theo TTXVN/Vietnam+