Nhờ đổi mới, nâng cao chất lượng phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế có hiệu quả, hàng ngàn hộ nông dân ở huyện miền núi Đồng Xuân đã có cơ hội thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Đây là đơn vị tiêu biểu xuất sắc trong công tác hội và phong trào nông dân năm 2023 vừa được Hội Nông dân tỉnh biểu dương, khen thưởng.
Tiếp sức cùng nông dân
Theo ông Nguyễn Văn Kim, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đồng Xuân, toàn huyện có 9.032 hội viên đang sinh hoạt tại 11 cơ sở hội. Để công tác hội và các phong trào thi đua đạt kết quả thiết thực, hội đã phối hợp với các ban ngành liên quan nắm bắt tình hình sản xuất và đời sống hội viên; đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn cho hội viên, nông dân về các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước liên quan đến nông nghiệp, nông thôn để định hướng cho nông dân chuyển dịch cơ cấu sản xuất; tiếp cận, ứng dụng các quy trình kỹ thuật, công nghệ, giống mới để đầu tư phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, hội đã đứng ra kết nối các hộ dân với các chương trình vay vốn, tạo điều kiện cho hội viên đầu tư vào sản xuất kinh doanh, vươn lên làm giàu.
“Bằng hình thức cho vay theo phương án sản xuất kinh doanh đề xuất từ nhóm hộ ở cơ sở, kết hợp xây dựng các mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp theo từng đối tượng cây trồng, vật nuôi, đến nay, thông qua Ngân hàng NN&PTNT và Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, hội đã tín chấp cho 5.307 hộ vay với tổng số vốn hơn 357 tỉ đồng; xây dựng, phát triển Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện hơn 2,7 tỉ đồng và đã giải ngân 10 dự án, hỗ trợ cho 88 hộ vay để phát triển sản xuất...”, ông Kim cho biết.
Trước đây, gia đình chị Trần Thị Phương Tịnh ở xã Đa Lộc thuộc diện hộ nghèo, phụ nữ đơn thân, chưa có nhà ở và việc làm ổn định. Năm 2020, chị Tịnh được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi với số tiền 50 triệu đồng để mua 2 con bò cái sinh sản về nuôi. Nhờ được hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi, sau 3 năm vay vốn, chị Tịnh đã gầy được đàn bò gần 10 con, tính theo giá thị trường khoảng 200 triệu đồng.
Chị Tịnh chia sẻ: “Lúc trước gia đình quá khó khăn, nếu không có sự giúp đỡ từ các cấp hội, cũng như nguồn vốn vay ngân hàng, không biết đến khi nào gia đình tôi mới thoát nghèo”.
Tương tự, ông Nguyễn Sáu ở xã Xuân Phước đã vươn lên thoát nghèo cũng nhờ sự hỗ trợ của hội. Ông Sáu cho hay: Được hướng dẫn để áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tôi đã áp dụng mô hình 3 giảm 3 tăng vào canh tác 7 sào ruộng của gia đình. Phương pháp sạ hàng, sạ thưa trong sản xuất giúp giảm được 1/3 lượng giống gieo sạ, hạn chế tối đa lượng thuốc trừ sâu và phân đạm nên ông tiết kiệm đáng kể một khoản chi phí sản xuất.
Không những vậy, năng suất lúa còn tăng cao, bình quân khoảng 400kg/sào, cao hơn lúc trước 70-100kg/sào, chất lượng gạo cũng tăng, mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội. Ngoài ra, tôi còn tiếp cận được nguồn vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh để phát triển chăn nuôi heo thịt, giúp gia đình có thu nhập gần 300 triệu đồng.
Góp sức xây dựng nông thôn mới
Về các xã ở huyện miền núi Đồng Xuân những ngày đầu năm 2024, đi trên những con đường bê tông thẳng tắp chạy vào các thôn, buôn, chúng tôi mới cảm nhận được sự thay đổi của cuộc sống người dân nơi đây. Đến nay, toàn huyện có 6/10 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) và 1 xã đạt chuẩn NTM nâng cao.
Phấn khởi khi địa phương sắp về đích NTM nâng cao, ông Nguyễn Ánh Tuấn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Phước, cho hay: Thực hiện chương trình bê tông hóa giao thông nông thôn, hiện các tuyến đường nối liền đến các thôn đều bê tông trải rộng, người dân đi lại, vận chuyển nông sản thuận tiện hơn trước. Bây giờ đời sống bà con nông dân trong xã ngày một nâng lên, nhiều hội viên đã có tiền tỉ nhờ chuyển đổi cây trồng vật nuôi để phát triển sản xuất; hiện thu nhập bình quân đầu người đạt 56 triệu đồng/năm…
Có được kết quả này, Hội Nông dân xã đã làm tốt vai trò đồng hành cùng nông dân trong việc tuyên truyền, vận động hội viên.
Tại xã Xuân Quang 1, mô hình liên kết trồng ớt chỉ thiên xuất khẩu theo quy trình sản xuất hữu cơ, đã giúp bà con nông dân ở địa phương có nguồn thu nhập ổn định, sau mỗi vụ thu hoạch lãi khoảng 200 triệu đồng/ha.
Ông Nguyễn Quang Quyền, Chủ tịch UBND xã Xuân Quang 1 cho hay: Địa phương rất vui mừng khi mô hình liên kết trồng ớt chỉ thiên xuất khẩu đã được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu, giúp địa phương đạt tiêu chí 13 trong xây dựng NTM.
“Phát huy vai trò trong xây dựng NTM, thời gian tới, huyện hội tiếp tục quan tâm công tác xây dựng, củng cố tổ chức hội vững mạnh; xây dựng kế hoạch với những giải pháp đồng bộ, có tính khả thi cao để duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM, NTM nâng cao một cách thực chất và bền vững; tiến đến xây dựng xã NTM kiểu mẫu.
Đồng thời tổ chức các hoạt động tuyên truyền giáo dục khơi dậy truyền thống cách mạng của giai cấp nông dân, phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, vượt khó, tích cực lao động sản xuất, khẳng định vị trí, vai trò của nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng NTM”, ông Nguyễn Văn Kim, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đồng Xuân khẳng định.
Năm 2023, toàn huyện có 4.037/9.032 hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp; có 5 sản phẩm OCOP 3 sao và 5 vườn mẫu NTM được công nhận; xây dựng 10 mô hình tham gia bảo vệ môi trường; giúp 6 hộ hội viên nông dân vươn lên thoát nghèo… |
NGỌC HÂN