Nhiều mặt hàng chủ lực tăng tốc, hoạt động thương mại của Việt Nam đã có tín hiệu khởi sắc trong tháng 8. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp tận dụng nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất-kinh doanh, đón đầu các cơ hội thị trường những tháng cuối năm.
Nhóm tỉ USD quay đầu hồi phục
Đại diện Bộ Công Thương cho biết trong tháng 8 xuất khẩu thu về khoảng 32,37 tỉ USD, tăng 7,7% so với tháng trước. Đây cũng là tháng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất trong một năm trở lại đây và đánh dấu tháng tăng trưởng thứ tư liên tiếp.
Về cơ cấu hàng hóa xuất khẩu, nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục là động lực chính cho tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa cả nước trong tháng 8 với kim ngạch ước đạt 27,68 tỉ USD, tăng 7,1% so với tháng trước và chiếm 85,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Trong nhóm hàng này, nhiều mặt hàng đã có dấu hiệu tích cực, trong đó, xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 8,7%, đạt 5,5 tỉ USD; hàng dệt may tăng 1%, đạt 3,3 tỉ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng 4,6%, đạt 3,7 tỉ USD; giày dép tăng 3,3%, đạt 1,85 tỉ USD còn điện thoại các loại và linh kiện tăng tới 16,8%, đạt 5,2 tỉ USD.
Cũng trong tháng 8, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản ước đạt 2,76 tỉ USD, tăng 6,5% so với tháng trước. Nguyên nhân là do kim ngạch xuất khẩu gạo tăng 60,6%; hạt tiêu tăng 5,4%; chè tăng 21,3%; sắn và sản phẩm từ sắn tăng 32,2%... Cùng đó, xuất khẩu của nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản tăng 14,9% nhờ kim ngạch xuất khẩu dầu thô tăng 107,2%.
Như vậy, sau 8 tháng, tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước ước đạt 227,71 tỉ USD, chỉ còn giảm 10% so với cùng kỳ năm trước (7 tháng giảm 10,6%).
Phân tích thêm nội dung này, đại diện Bộ Công Thương cho hay các ngành hàng đều gặp khó khăn về thị trường xuất khẩu do tổng cầu trên thế giới giảm, nhất là đối với hàng hóa tiêu dùng không thiết yếu, do vậy kim ngạch xuất khẩu trong 8 tháng vừa qua của Việt Nam sang hầu hết các thị trường chủ lực đều giảm. Đơn cử, xuất khẩu sang thị trường châu Á giảm 5,5%; thị trường châu Âu giảm 6,9%; thị trường châu Mỹ giảm 17,8%; châu Đại dương giảm 12%.
Mặt khác, giá hàng hóa xuất khẩu có xu hướng giảm trong 8 tháng năm 2023 cũng tác động đến kết quả chung của toàn ngành, trong đó giá một số hàng nông sản giảm mạnh ở mức hai con số, như hạt tiêu (giảm 26,5%), cao su (giảm 19,6%), phân bón các loại (giảm 35,4%), sắt thép các loại (giảm 24,8%), chất dẻo nguyên liệu (giảm 24,1%)…
Tuy vậy, giá nhiều mặt hàng tăng nhanh, như: Càphê, gạo, than đá... là tín hiệu cho các doanh nghiệp sẵn sàng đón đầu để tăng tốc.
Tận dụng cơ hội thị trường để bứt tốc
Ở chiều ngược lại, theo đại diện Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), nhập khẩu hàng hóa trong tháng 8 ước đạt 28,55 tỉ USD, tăng 5,7% so với tháng trước. Tính chung 8 tháng, kim ngạch nhập khẩu hàng hoá ước đạt 207,52 tỉ USD, giảm 16,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Do nhập khẩu giảm mạnh hơn so với xuất khẩu nên cán cân thương mại của Việt Nam trong tháng 8 tiếp tục xuất siêu khoảng 3,82 tỉ USD, nâng tổng xuất siêu trong 8 tháng năm 2023 là 20,19 tỉ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 5,26 tỉ USD).
Nhận định những tháng cuối năm, đại diện Bộ Công Thương cho biết hoạt động xuất nhập khẩu dự báo tiếp tục khởi sắc do được hỗ trợ bởi các yếu tố như lạm phát có xu hướng hạ nhiệt tại các nền kinh tế lớn như Mỹ, châu Âu… và tồn kho tại các nước cũng đang giảm dần.
Hơn nữa, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa cũng thường tăng cao vào dịp lễ hội cuối năm. Cộng hưởng với việc Trung Quốc, thị trường xuất khẩu hàng hóa hàng hóa lớn thứ hai của Việt Nam có động thái hạ lãi suất nhằm vực dậy nền kinh tế, giúp nhu cầu tiêu dùng và sản xuất của nước này cải thiện tích cực hơn trong thời gian tới.
Vì vậy, nhằm tận dụng cơ hội thị trường, tăng tốc hoạt động xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó trọng tâm là hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa phục hồi, phát triển sản xuất thông qua tạo thuận lợi hóa trong các thủ tục hành chính, tiếp cận tín dụng.
Bộ Công Thương cũng phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đàm phán với Trung Quốc mở cửa thêm thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng rau quả khác của Việt Nam như bưởi da xanh, dừa tươi, bơ, dứa, vú sữa, chanh, dưa lưới… Nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản có tính chất thời vụ; chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch.
Đáng chú ý, Triển lãm Viet Nam International Sourcing Expo 2023 do Bộ Công Thương tổ chức vào giữa tháng 9 tới đây tại Thành phố Hồ Chí Minh với 200 đoàn quốc tế đến từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ sẽ là cơ hội rất lớn giúp các doanh nghiệp tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường, gia tăng cơ hội xuất khẩu.
“Bộ Công Thương đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nhằm hỗ trợ sản xuất, kinh doanh trong nước, đa dạng hóa nguồn cung, đối tác, tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, tiếp tục giữ vững, củng cố vị thế tại các thị trường đã có các hiệp định thương mại tự do, phối hợp với các bộ, ngành liên quan hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với các rào cản thương mại, các biện pháp phòng vệ thương mại”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho hay.
Với các đối tác thương mại lớn, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng đại diện Văn phòng Xúc tiến Thương mại Việt Nam tại New York cho biết lĩnh vực cơ khí đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Mỹ, nhất là ngành sản xuất ôtô. Bên cạnh là nhà sản xuất lớn về cơ khí chế tạo, Mỹ cũng là nước có nhu cầu nhập khẩu đa dạng, các sản phẩm nhập khẩu là máy công nghiệp, máy bay dân dụng, máy tính, phụ kiện bán dẫn, máy móc nông nghiệp, ngành giấy…
“Hiện còn nhiều dư địa xuất khẩu sang thị trường Mỹ, do vậy, doanh nghiệp trong nước cần chủ động nguồn hàng, tuân thủ quy định từ thị trường và có các chứng chỉ về chất lượng đảm bảo tiêu chuẩn an toàn, tùy theo từng ngành, sản phẩm cụ thể. Mặt khác, doanh nghiệp cần sản xuất theo tiêu chuẩn bền vững, hài hòa tiêu chuẩn quốc tế; tham gia các hội chợ xúc tiến xuất khẩu”, ông Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Theo Vietnam+