Hiện nay là thời gian ngư dân sửa chữa tàu cá. Để đảm bảo an toàn cho tàu cá hoạt động ngoài biển khơi, các cơ sở và thợ sửa chữa tuân thủ đúng kỹ thuật, sửa chữa trong thời gian nhanh nhất để ngư dân vươn khơi, bám biển khai thác hải sản.
Mỗi năm làm nước ít nhất một lần
Mặc dù là mùa khai thác hải sản, nhưng hàng trăm tàu cá đang được sửa chữa tại các cơ sở sửa chữa tàu cá trên địa bàn tỉnh. Theo ngư dân, sau một thời gian vươn khơi bám biển, tàu cá phải được đưa lên bờ để kiểm tra máy móc, thiết bị và duy tu, bảo dưỡng thân, vỏ tàu; ngư dân gọi là làm nước. Hoạt động này thường diễn ra vào khoảng tháng 7-8 hàng năm.
Theo ngư dân Đào Duy Phong, chủ tàu cá PY96199TS ở phường Phú Đông (TP Tuy Hòa), mỗi năm tàu cá phải được đưa lên bờ để sửa chữa, làm nước ít nhất một lần. Nếu sửa chữa vào đầu vụ sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội để khai thác hải sản, còn sửa chữa vào cuối vụ thì có nguy cơ gặp mưa bão. Vì vậy, thời điểm này đưa tàu lên bờ để sửa chữa là phù hợp nhất, bởi cuối mùa biển, hải sản cũng giảm dần và phải tranh thủ trời còn nắng để sơn sửa lại tàu nhằm bảo đảm an toàn khi vươn khơi mùa biển động.
Các thợ sửa tàu thuyền sửa chữa phần vỏ tàu. Ảnh: ANH NGỌC |
“Từ đầu năm đến nay, gia đình tôi khai thác được 4 chuyến biển. Sau chuyến biển thứ 4, gia đình tôi quyết định đưa tàu lên bờ để làm nước, dự kiến khoảng 20 ngày là xong. Đợt sửa chữa này chủ yếu kiểm tra lại máy móc, trang thiết bị và sơn lại vỏ tàu, chi phí khoảng 50 triệu đồng”, ông Phong cho biết.
Đưa tàu lên sửa chữa tại khu vực gần cảng cá Đông Tác, ngư dân Huỳnh Tấn Thành, chủ tàu cá PY90829TS ở phường Phú Đông cho hay: Đợt này, tàu của tôi sửa chữa khá nhiều, tháo sửa cả máy chính và máy phụ, khắc phục một số vị trí vỏ tàu có dấu hiệu không an toàn… Tổng chi phí gần 100 triệu đồng. Mặc dù tốn nhiều tiền nhưng đảm bảo an toàn cho tàu cá. Có như vậy, ngư dân mới tự tin vươn khơi.
Theo ông Đào Duy Quý, một thợ sửa chữa tàu thuyền ở phường Phú Đông, thường một con tàu sửa chữa nhỏ mất khoảng 15-30 ngày, chi phí từ vài chục đến cả trăm triệu đồng, nhưng bù lại tàu cá sẽ đảm bảo an toàn và tuổi thọ của tàu cũng tăng lên. Để sửa chữa một con tàu, việc đầu tiên phải kéo tàu lên bờ, đưa vào các ụ (các chân trụ vững chắc) của khu vực sửa chữa. Tùy theo nhu cầu mà chủ tàu thuê các thợ sửa chữa cho phù hợp, như thợ máy, thợ sơn, làm nước…
“Muốn sơn sửa lại vỏ tàu, việc đầu tiên là dùng nước áp lực cao để làm sạch lớp hàu, hà bám trên vỏ tàu, sau đó dùng giấy nhám hoặc máy chà để chà lớp sơn cũ. Tiếp theo tiến hành tu bổ, xảm dăm tre, trít bột chai giữa các tấm ván gỗ của thân tàu. Trong các công đoạn làm nước thì công đoạn xảm, trít rất quan trọng, yêu cầu phải làm thật kỹ, nước mới không thấm vào bên trong tàu”, ông Quý nói.
Tuân thủ đúng kỹ thuật
Phú Yên có khoảng 1.925 tàu cá, trong đó có khoảng 655 tàu có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên chuyên khai thác hải sản vùng biển khơi. Hàng năm, nhu cầu cải hoán, sửa chữa tàu cá để đảm bảo vươn khơi an toàn của ngư dân là rất lớn. Đối với những tàu cá cải hoán (thay đổi công suất máy, thay đổi kích thước vỏ tàu… gọi là sửa chữa lớn) thì phải được cấp giấy phép và cải hoán tại các cơ sở đủ điều kiện. Còn đối với sửa chữa nhỏ, ngư dân có thể đưa tàu cá đến bất kỳ cơ sở nào trên địa bàn tỉnh để sửa chữa.
Thợ làm nước tàu thuyền đang thực hiện xảm dăm tre giữa các tấm ván gỗ của thân tàu. Ảnh: ANH NGỌC |
Ngư dân Huỳnh Tấn Thành cho biết: Tiền công của thợ làm nước, sửa chữa tàu cá hiện nay mỗi ngày là 500.000 đồng/người. Tuy nhiên, việc tìm được thợ sửa chữa có kinh nghiệm và tay nghề cao rất khó khăn. Chúng tôi thường phải đặt hàng các thợ quen trước 1-2 tháng để họ xếp lịch.
Theo ông Nguyễn Tấn Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải - Thương mại Hùng Thi, xí nghiệp đóng tàu của công ty ở phường Hòa Hiệp Nam (TX Đông Hòa) là cơ sở đủ điều kiện đóng mới, cải hoán tàu cá vỏ gỗ có chiều dài lớn nhất dưới 24m. Mỗi năm, xí nghiệp tiếp nhận hàng trăm tàu cá cải hoán, sửa chữa, trong đó có nhiều tàu cá công suất lớn. Hiện tại xí nghiệp có hàng chục tàu thuyền đang được sửa chữa. Đơn vị sẽ cử đội ngũ thợ lành nghề, tiến hành sửa chữa đảm bảo an toàn, đạt yêu cầu kỹ thuật và trong thời gian sớm nhất để ngư dân vươn khơi khai thác hải sản.
“Chi cục Thủy sản sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi và hướng dẫn ngư dân làm các thủ tục cải hoán, sửa chữa nhằm đảm bảo an toàn kỹ thuật cho tàu cá. Các cơ sở và thợ sửa chữa cần tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, sửa chữa trong thời gian nhanh nhất để ngư dân vươn khơi, khai thác hải sản… Tỉnh đang khuyến khích ngư dân tiếp tục đầu tư các trang thiết bị hỗ trợ khai thác với công nghệ hiện đại, từng bước đổi mới công nghệ khai thác và bảo quản sản phẩm sau khai thác đạt chất lượng nhằm tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm”, ông Đào Quang Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT) nói.
ANH NGỌC