Hiện thuế giá trị gia tăng (VAT) giảm 2%, mức lương cơ sở tăng 20,8% nhưng chưa cải thiện mức tiêu dùng của người dân. Trong điều kiện kinh tế còn khó khăn, các nhà cung cấp, phân phối, bán lẻ hàng hóa cần điều chỉnh giá cả hàng hóa để kích cầu tiêu dùng, tạo điều kiện cho người dân mua sắm với giá ưu đãi.
Mức tiêu dùng giảm
Theo các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trên địa bàn, từ đầu năm đến nay, nhu cầu tiêu dùng của người dân giảm đáng kể, ảnh hưởng đến mức tiêu thụ hàng hóa tại các điểm bán. Ông Đặng Trường Giang, chủ siêu thị G’Mart Sông Hinh cho biết: Siêu thị cung cấp khoảng 10.000 mặt hàng các loại. Những tháng qua, nhu cầu tiêu dùng của người dân giảm nhiều so với năm ngoái. Tại các siêu thị G’mart Sông Hinh và Tuy An, sản phẩm bán ra giảm 30% so với cùng kỳ.
Còn theo bà Nguyễn Thị Thảo, chủ cửa hàng tạp hóa Xuân Thảo (phường 4, TP Tuy Hòa), mức tiêu dùng của người dân đã giảm rõ rệt, nhất là trong mấy tháng gần đây. Ở cửa hàng chúng tôi, các loại đồ dùng, nước giải khát, bánh kẹo giảm lượng tiêu thụ 40-50%. Phần lớn người dân chỉ tập trung mua sắm thực phẩm cần thiết, ngay cả sữa bột, sữa hộp pha sẵn - một trong những thực phẩm cần thiết cho trẻ em cũng giảm lượng mua.
Ở các chợ truyền thống, sức mua cũng không khả quan. Các lều, sạp cố định kinh doanh những mặt hàng quần áo, vải, bánh kẹo, đồ uống, thiết bị, đồ dùng ế ẩm nhiều tháng nay. Bà Trần Thị Tuyết, tiểu thương hàng đồ dùng chợ Tuy Hòa phàn nàn: Năm ngoái, dù có bán ế, bình quân 2 tháng tôi nhập hàng 1 lần. Năm nay đã hơn 6 tháng, tôi chỉ nhập hàng 1 lần với lượng hàng giảm so với trước.
Nhiều người cho rằng, mức lương cơ sở tăng 20,8% từ ngày 1/7 và thuế VAT giảm 2% sẽ góp phần cải thiện đời sống của người dân, nhưng thực tế không ít người vẫn chật vật tính toán chi tiêu. Chị Lê Thị Tuyến (xã Bình Kiến, TP Tuy Hòa) cho hay: Mức lương cơ sở tăng, lương hàng tháng tôi nhận được tăng khoảng 900.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, nhận thấy tình hình kinh tế còn khó khăn và chưa biết sắp tới sẽ thế nào, gia đình tôi vẫn phải tính toán chi tiêu.
Chia sẻ áp lực chi tiêu
Theo tiểu thương tại các chợ truyền thống, thuế VAT giảm không tác động nhiều đến giá hàng hóa bán lẻ, vì vấn đề tăng, giảm giá các mặt hàng phần lớn tùy thuộc vào nguồn cung, nhu cầu tiêu thụ. Hiện nay, giá một số mặt hàng có xu hướng tăng. Đơn cử, do hạn chế về nguồn cung nên heo hơi trên thị trường hiện nay có giá 65.000-66.000 đồng/kg, kéo giá thịt heo thương phẩm dao động từ 120.000-150.000 đồng/kg (tùy loại), tăng 15.000-20.000 đồng/kg so với 2-3 tháng trước. Các loại rau xanh cũng bị ảnh hưởng bởi thời tiết nắng nóng nên sản lượng giảm, giá bán tăng 3.000-5.000 đồng/kg; trứng gia cầm tăng 2.000-3.000 đồng/chục… “Giá cả hàng hóa thường bị tác động bởi yếu tố mùa vụ và nguồn cung. Trong khi người dân hạn chế chi tiêu, các loại hàng hóa, thực phẩm có giá tăng sẽ ít người mua, kể cả thực phẩm cần thiết trong các bữa ăn hàng ngày”, bà Trần Thị Lệ, tiểu thương hàng thực phẩm chợ Tuy Hòa nói.
Triển khai các giải pháp kích cầu tiêu dùng, bình ổn giá cả hàng hóa, Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường Phú Yên đã chỉ đạo các lực lượng, bộ phận chuyên môn tăng cường nắm bắt thông tin thị trường, giá cả hàng hóa; đồng thời theo dõi, giám sát hoạt động kinh doanh của người dân tại các chợ, điểm bán. Các đơn vị cũng tuyên truyền, đề nghị các cơ sở kinh doanh, tư thương thực hiện đúng quy định, tránh gian lận thương mại; có chính sách điều chỉnh giá và tiếp tục thực hiện các chương trình bình ổn giá, khuyến mại nhằm tạo cơ hội, điều kiện để người tiêu dùng mua sắm thực phẩm, hàng hóa với giá ưu đãi.
Ông Đặng Trường Giang, chủ siêu thị G’Mart Sông Hinh cũng cho biết: Do nhu cầu tiêu dùng giảm, nên các nhà cung cấp, phân phối gặp khó khăn, hàng tồn kho nhiều. Để kích cầu tiêu dùng, các nhà cung cấp đã áp dụng chính sách giảm sâu đối với nhiều mặt hàng, trong đó giảm 20% đơn giá đối với mặt hàng thực phẩm tươi sống, chế biến sẵn, đồ dùng gia đình... Mong rằng, hoạt động giảm giá hàng hóa của các nhà cung cấp sẽ giúp người dân có thể mua sắm tiết kiệm hơn trong giai đoạn khó khăn hiện nay.
Theo bà Huỳnh Thị Trúc Ly, Tổ trưởng marketting của siêu thị Co.opmart Tuy Hòa, hưởng ứng chủ trương hỗ trợ phục hồi và phát triển nhanh hoạt động sản xuất kinh doanh, chia sẻ áp lực chi tiêu với người tiêu dùng, hơn 800 điểm bán trên toàn hệ thống Saigon Co.op đều có chính sách giảm giá và đồng loạt giảm giá đối với các ngành hàng hóa phẩm, thực phẩm công nghệ, tươi sống, thời trang, may mặc, đồ dùng… Tại siêu thị Co.opmart Tuy Hòa, các mặt hàng này đã áp dụng giảm giá từ 22-62%, trong đó có 2% cộng gộp từ việc giảm thuế VAT. Cùng với chính sách giảm giá hàng hóa, siêu thị còn thực hiện thêm các chương trình khuyến mãi, tổ chức nhiều hoạt động mua sắm thiết thực để người tiêu dùng có thể mua được sản phẩm chất lượng, giá phải chăng.
Theo các ngành chức năng, việc giảm thuế VAT 2% đối với hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% theo Nghị định 44 của Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 1/7/2023) sẽ góp phần giúp người tiêu dùng mua sắm tiết kiệm, giảm áp lực chi tiêu, giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh. |
KHANG ANH