Với ưu điểm dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, chi phí đầu tư thấp, có thể thu hoạch quanh năm…, mô hình trồng tre lấy măng của gia đình anh Lê Văn Hưng ở thôn Kim Sơn, xã An Thọ (huyện Tuy An) đã phát huy hiệu quả kinh tế.
Mạnh dạn chuyển đổi cây trồng
Chúng tôi đến tham quan vườn tre lấy măng của anh Lê Văn Hưng đang lúc gia đình anh chuẩn bị giao cho khách hàng đợt măng mới thu hoạch. Anh Hưng khoe hôm nay thu được khoảng 60kg. Nhìn những mụt măng to của vườn nhà anh, ai nấy đều thích thú.
Trao đổi với chúng tôi, thanh niên 33 tuổi này cho biết, lúc trước anh thường xuyên đi làm xa nhà. Vì vậy, anh luôn băn khoăn, muốn tìm cách làm ăn khác để ổn định cuộc sống, chăm lo vợ con. Trong thời gian ở nhà do dịch COVID-19, anh Hưng quyết tâm bám trụ mảnh đất quê nhà, không đi làm xa nữa. Thế là anh lên mạng tìm kiếm, học tập các mô hình trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả, cho thu nhập cao... Anh nhận thấy cây tre lấy măng dễ chăm sóc, nhanh thu hoạch, ít sâu bệnh. “Sẵn có đám đất sau nhà khoảng 1ha lâu nay trồng keo nhưng thu nhập thấp, tôi quyết định cải tạo sang trồng tre lấy măng để có thu nhập cao hơn”, anh Hưng nói.
Nghĩ là làm, anh Hưng bán keo, phát dọn, thuê xe về múc hố trồng, bón phân và đặt mua 600 cây tre giống Bát Độ, Mạnh Tông từ tỉnh Phú Thọ về trồng. Anh trồng tre mật độ 3,5mx5m với số lượng 450 cây/ha, số còn lại để dành trồng dặm và chia cho hàng xóm. Trồng tre xong, anh tiếp tục tìm hiểu cách thiết kế và lắp đặt hệ thống tưới tự chảy, đồng thời xây hồ chứa nước để thông qua hệ thống ống, nước sẽ tự chảy đến từng gốc măng. Nhờ hệ thống tưới tự động, vườn măng phát triển xanh tốt, tỉ lệ sống cao, sau hơn 1 năm đã cho thu hoạch lứa đầu tiên.
Anh Hưng phấn khởi nói: Măng mọc cao khoảng 3 tấc là thu hoạch. Mỗi ngày, gia đình tôi thu từ 30-40kg măng, những lúc rộ thu đến 60kg/ngày. Giá măng bán cho thương lái từ 15.000-20.000 đồng/kg; lúc trái mùa có thể bán với giá 25.000 đồng/kg. Với mức giá này, mỗi tháng gia đình tôi thu về hơn 10 triệu đồng.
Nhân rộng, phát triển thành sản phẩm OCOP
Nói về việc trồng tre lấy măng của gia đình, chị Lưu Thị Nhẫn, vợ anh Hưng cho biết: Trồng tre lấy măng có nhiều ưu điểm như không mất nhiều công chăm sóc, chi phí đầu tư không cao, thị trường ổn định, ít rủi ro nên không sợ thất thu. Vườn măng tre của gia đình tôi đang trong giai đoạn ổn định, mỗi năm đầu tư khoảng 80 bao phân bò ủ hoai và chỉ tốn công phát cỏ. Nhờ hệ thống tưới tự động nên có thể thu hoạch măng từ tháng 3-10 âm lịch, trong khi tre trong tự nhiên chỉ cho măng vào đầu mùa mưa.
Theo anh Hưng, giống tre Bát Độ, Mạnh Tông là các giống chịu hạn, dễ trồng, cho năng suất cao. Trong đó, giống Bát Độ cho măng nhiều hơn, mụt măng nặng 1,5-2kg; còn giống Mạnh Tông có mụt măng màu tím, chậm cho măng nhưng mỗi mụt nặng 2-3kg, chất lượng hơn. Riêng thân tre giống Mạnh Tông thẳng, cứng, cây cao, phù hợp để làm mỹ nghệ, đồ nội thất, khung chòi.
“Hiện tại, tôi nhân rộng thêm 0,5ha và học tập kỹ thuật chiết tre để cung cấp cho bà con nông dân có nhu cầu với giá 20.000 đồng/cây giống. Ngoài măng tươi, vợ chồng tôi còn chế biến thêm sản phẩm măng chua, măng khô để cung cấp cho người tiêu dùng và được thị trường đón nhận”, anh Hưng chia sẻ.
Ông Phạm Tấn Bình, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Thọ cho biết: Mô hình trồng tre lấy măng của gia đình anh Lê Văn Hưng được đánh giá là mô hình phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo có hiệu quả; là bước chuyển dịch cơ cấu cây trồng giúp hội viên nông dân vươn lên thoát nghèo. Vì vậy, lãnh đạo địa phương đã chỉ đạo cán bộ phụ trách phối hợp với Hội Nông dân xã An Thọ rà soát, nhân rộng mô hình; đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm, đăng ký tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP của huyện.
KHÁNH VY