Các quốc gia giàu có nhất trên thế giới phải khẩn trương chuẩn bị cho tác động của cuộc cách mạng trí tuệ nhân tạo (AI) đang diễn ra sôi động có thể làm thay đổi tình hình việc làm, tạo ra những việc làm mới trong khi khiến một số việc làm trở nên lỗi thời.
Khuyến cáo trên được Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đưa ra ngày 11/7.
Sự phát triển nhanh chóng của AI, với những công cụ có thể sáng tạo văn bản, hình ảnh và thậm chí có thể vượt qua các cuộc kiểm tra y tế, đã làm dấy lên những quan ngại rằng công nghệ này có thể thay thế nhiều thành phần trong lực lượng lao động thông qua những quy trình tự động hóa.
Trong Báo cáo triển vọng việc làm 2023, OECD cho biết đến nay, có rất ít bằng chứng cho thấy AI có thể gây tác động tiêu cực đáng kể đến thị trường việc làm.
Dù AI vẫn còn chưa được ứng dụng nhiều nhưng sự tiến bộ nhanh chóng, chi phí ngày càng giảm và lực lượng lao động có kỹ năng vận hành AI ngày càng đông cho thấy các nền kinh tế OECD có thể đang cận kề cuộc cách mạng AI.
Theo OECD, dù có nhiều lợi ích tiềm năng nhưng AI cũng gây ra những nguy cơ đáng kể cần được quan tâm sớm.
Tổ chức quốc tế có 38 nền kinh tế thành viên, từ Úc đến Anh, Đức, Canada, Nhật Bản và Mỹ cho rằng cần tập hợp thêm nhiều dữ liệu về tình hình phát triển AI và ứng dụng công nghệ này trong lực lượng lao động, trong đó có các thông tin như việc làm nào sẽ thay đổi, được tạo ra hay mất đi và những kỹ năng cần thiết cho quá trình chuyển đổi.
Theo Giám đốc phụ trách vấn đề việc làm, lao động và các vấn đề xã hội của OECD, Stefano Scarpetta, việc ứng dụng AI nhìn chung đang diễn ra chủ yếu ở các công ty lớn vẫn đang thử nghiệm công nghệ mới. Nhiều công ty do dự khi phải thay thế nhân viên.
Tuy nhiên, việc ứng dụng AI có thể khiến người lao động phải làm việc trong môi trường tự động hóa gấp gáp hơn và cảm thấy bị vắt kiệt sức lực.
Theo OECD, những công việc có nguy cơ cao nhất bị thay thế khi AI được ứng dụng chiếm 27% số đầu việc. Việc sử dụng AI cũng gây ra một số thách thức đạo đức nghiêm trọng liên quan vấn đề bảo vệ và bảo mật dữ liệu, minh bạch và giải trình, phân biệt và thiên vị, quy trình đưa ra quyết định tự động và quy trách nhiệm.
Ông Scarpetta kêu gọi hành động ngay lập tức để đảm bảo AI được sử dụng một cách có trách nhiệm và đáng tin cậy trong lực lượng lao động. Hay nói cách khác, cần đảm bảo lực lượng lao động và người sử dụng lao động tận dụng được mọi lợi ích mà AI mang lại khi ứng dụng công nghệ này, đặc biệt thông qua đào tạo và đối thoại xã hội.
Theo TTXVN/Vietnam+