Theo Ban Quản lý Khu kinh tế Cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, hiện tại 5 cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn là Cửa khẩu Chi Ma, Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị, Cửa khẩu Tân Thanh, Cửa khẩu Cốc Nam và Cửa khẩu Ga đường sắt Quốc tế Đồng Đăng đang duy trì ổn định hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa với trên 1.000 phương tiện xuất nhập khẩu thông quan mỗi ngày.
Đặc biệt, từ tháng 5/2023 đến nay, hiệu suất thông quan tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và Cửa khẩu Tân Thanh tăng cao bởi hiện đang vào chính vụ thu hoạch một số loại nông sản trái cây tươi trong nước có nhu cầu xuất khẩu.
Qua thống kê của lực lượng chức năng cửa khẩu, trung bình mỗi ngày có khoảng 350-400 phương tiện chở mặt hàng hoa quả tươi các loại lên khu vực cửa khẩu của tỉnh để xuất khẩu.
Một tin vui từ Cửa khẩu Cốc Nam đó là đầu tháng 7/2023, Cục Thương mại thị Bằng Tường (Trung Quốc) đã đồng ý về việc khôi phục lại hoạt động xuất, nhập khẩu mặt hàng thủy, hải sản qua cặp cửa khẩu Cốc Nam (Việt Nam) - Lũng Nghịu (Trung Quốc) sau gần 3 năm tạm dừng.
Điều này sẽ góp phần giúp cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tại cửa khẩu Cốc Nam sôi động hơn, khi mà trước đây, mặt hàng thủy, hải sản là một trong những mặt hàng chủ lực xuất khẩu qua Cửa khẩu Cốc Nam với trung bình sản lượng đạt 20 tấn/ngày.
Theo Phó Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn Hoàng Khánh Duy, để khắc phục tình trạng ùn ứ phương tiện chờ xuất khẩu, Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn đã phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Lạng Sơn, Công an tỉnh thực hiện sắp xếp phương tiện trong khu vực cửa khẩu theo hướng tận dụng tối đa hạ tầng cửa khẩu; lên phương án điều tiết phương tiện chở hàng chờ xuất khẩu qua Cửa khẩu Hữu Nghị vào Khu phi thuế quan để dừng đỗ.
Đồng thời các ngành chức năng Lạng Sơn gửi Thư công tác tới thị Bằng Tường, Ban Bảo thuế (Trung Quốc) để đề nghị phối hợp kéo dài thời gian thông quan tại cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan; phối hợp cùng tạo điều kiện cho mặt hàng sầu riêng xuất khẩu qua cặp cửa khẩu Tân Thanh (Việt Nam) - Pò Chài (Trung Quốc) để giảm tải cho cặp cửa khẩu quốc tế của hai bên…
Ngoài ra, để phương tiện chở hoa quả tươi được thông quan sớm và nhanh chóng, các lực lượng tại cửa khẩu của Lạng Sơn cũng đang triển khai phương án phân chia làm thủ tục xuất khẩu cho 3 xe chở hoa quả xong thì mới thực hiện xuất khẩu một xe nhóm mặt hàng khác.
Cùng với đó, lực lượng biên phòng, hải quan đều tăng cường cán bộ, bố trí kéo dài thời gian làm việc đến 22-23 giờ, thực hiện thông quan cả thứ 7 và Chủ nhật. Điều này giúp nâng hiệu suất thông quan, nâng số lượng xe chở hoa quả tươi có thể thông quan ngay trong ngày.
Tính từ đầu tháng 5/2023 đến đầu tháng 7/2023, tổng số phương tiện vận chuyển hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được thông quan qua các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn là trên 67.600 phương tiện; trong đó số phương tiện có hàng xuất khẩu là trên 31.800 phương tiện.
Ông Trần Văn Anh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Ga đường sắt quốc tế Đồng Đăng, tỉnh Lạng Sơn, đề xuất nếu Bộ NN&PTNT Việt Nam và Bộ Nông nghiệp Trung Quốc ký được Nghị định thư về giao nhận hàng hóa xuất khẩu bằng đường sắt qua cửa khẩu Ga Đồng Đăng sẽ rất thuận lợi để hàng hóa được thông quan, vì khi đó số lượng hàng được thông quan sẽ rất lớn.
Hiện tại, hàng hóa xuất nhập khẩu qua đây vẫn đang tồn tại vướng mắc về việc giao nhận hàng hóa; nếu giải quyết được những vấn đề liên quan tới giao nhận hàng đôi bên thì sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho việc xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc bằng đường sắt.
Từ đầu năm 2023 đến hết tháng 6/2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn ước thực hiện trên 2,285 tỉ USD (đạt 60,1% kế hoạch, tăng 101,1% so với cùng kỳ); trong đó xuất khẩu 1.280 triệu USD (đạt 98,5% kế hoạch, tăng 322,4%), nhập khẩu 1.005 triệu USD (đạt 40,2% kế hoạch, tăng 20,6%).
Theo TTXVN/Vietnam+