Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên và Hội LHPN tỉnh vừa ký kết chương trình phối hợp nhằm tạo điều kiện cho phụ nữ trên địa bàn tỉnh tiếp cận dịch vụ tài chính ngân hàng, phục vụ sản xuất kinh doanh, cải thiện đời sống, góp phần nâng cao vị thế của người phụ nữ trong thời đại mới.
Dư nợ ủy thác qua hội phụ nữ chiếm gần 41%
Thời gian qua, tín dụng ủy thác qua các hội đoàn thể đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần đưa nguồn vốn hợp pháp đến các đối tượng khách hàng có nhu cầu thực tế, giúp họ có điều kiện phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao đời sống, nhất là đối với phụ nữ nghèo, khó khăn.
Trường hợp của chị Đặng Thị Hạ Quyên ở xã Hòa Thành, TX Đông Hòa là một ví dụ. Hiện cơ sở sản xuất bánh kẹo của gia đình chị đang giải quyết việc làm cho nhiều chị em trong vùng. Vào những dịp lễ tết, tại cơ sở của chị, nhân công còn phải tăng ca để đáp ứng kịp các đơn hàng cho khách. Nhìn cơ ngơi mà vợ chồng chị Quyên gầy dựng được như hôm nay, ít ai biết rằng trước đây, gia đình chị từng thuộc diện hộ nghèo của xã. “Thời điểm đó, giữa lúc gia đình bộn bề khó khăn, chúng tôi được cán bộ Hội LHPN xã Hòa Thành hướng dẫn làm hồ sơ vay vốn 50 triệu đồng từ chương trình hộ nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội. Có vốn, tôi như có phao cứu sinh, bắt đầu xây dựng cơ sở làm bánh kẹo và phát triển dần cho đến ngày nay”, chị Quyên chia sẻ.
Không riêng gia đình chị Quyên, thời gian qua, hàng ngàn hộ phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã được tiếp cận các nguồn vốn tín dụng để sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình. Tính đến cuối tháng 5/2023, tổng dư nợ các ngân hàng trên địa bàn tỉnh cho vay ủy thác qua các hội đoàn thể khoảng 5.543 tỉ đồng với 113.445 hộ vay; trong đó, dư nợ qua hội phụ nữ khoảng 2.268 tỉ đồng chiếm gần 41% tổng dư nợ cho vay ủy thác qua các hội đoàn thể, với hơn 50.100 hộ vay.
“Tạo điều kiện cho phụ nữ tiếp cận thuận lợi các nguồn vốn tín dụng phù hợp là chủ trương chung của Ngân hàng Nhà nước và Hội LHPN Việt Nam nhằm thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, thúc đẩy triển khai có hiệu quả các chính sách về tài chính toàn diện, tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, tín dụng chính sách xã hội và các nguồn tín dụng khác”, ông Đặng Hồng Lĩnh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên cho biết.
Nhiều hộ phụ nữ nghèo, khó khăn trên địa bàn tỉnh được vay vốn ngân hàng để sản xuất kinh doanh, cải thiện đời sống, thông qua nguồn vốn ủy thác do hội LHPN các cấp quản lý. Ảnh: LÊ HẢO |
Triển khai chương trình phối hợp giữa hai đơn vị
Mới đây, trên cơ sở chương trình phối hợp giữa Ngân hàng Nhà nước và Hội LHPN Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên và Hội LHPN tỉnh đã ký kết chương trình phối hợp giai đoạn 2023-2027. Mục đích nhằm nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa hai đơn vị trong việc thúc đẩy thực hiện mục tiêu bình đẳng giới cho phụ nữ trên lĩnh vực tài chính ngân hàng, vì sự tiến bộ của phụ nữ trong ngành Ngân hàng và tăng cường năng lực của các cấp hội trong thực hiện hoạt động tài chính vi mô.
Thực hiện chương trình phối hợp, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên và Hội LHPN tỉnh tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng và hội phụ nữ các cấp triển khai thỏa thuận ủy thác trong việc cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; cho vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác. Các bên liên quan cũng phối hợp tổ chức truyền thông để cán bộ, hội viên phụ nữ được tiếp cận vốn và nâng cao kiến thức, kỹ năng sử dụng các sản phẩm dịch vụ tài chính ngân hàng. Trong đó chú trọng truyền thông cho phụ nữ thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, phụ nữ hoàn cảnh khó khăn, phụ nữ sống ở vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ do phụ nữ làm chủ, HTX có phụ nữ tham gia quản lý, tổ hợp tác của phụ nữ…
Theo bà Lê Đào An Xuân, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, sau ký kết, Hội LHPN tỉnh mong muốn Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên thường xuyên trao đổi thông tin, hướng dẫn các tổ chức tín dụng và các cấp hội phụ nữ trên địa bàn triển khai chương trình phối hợp giữa hai đơn vị. Hội sẽ chỉ đạo các ban chuyên môn, các cấp hội thực hiện tốt chương trình phối hợp theo chức năng, nhiệm vụ; hướng dẫn hội phụ nữ các huyện, thị xã, thành phố bám sát nội dung chương trình để cụ thể hóa phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương...
“Với trách nhiệm của hai đơn vị trong việc triển khai chương trình phối hợp giai đoạn 2023-2027 cùng sự tham gia tích cực của hệ thống ngân hàng, tôi tin rằng thời gian tới, phụ nữ trên địa bàn tỉnh sẽ được tiếp cận nguồn vốn tín dụng với lãi suất hợp lý; được tham gia vay vốn các chương trình do Hội LHPN tỉnh quản lý; đồng thời được đào tạo nâng cao kiến thức, kỹ năng sử dụng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng, góp phần phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng cuộc sống”, ông Đặng Hồng Lĩnh khẳng định.
Thời gian qua, nguồn vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã hỗ trợ rất lớn cho phụ nữ trong phát triển kinh tế gia đình. Chương trình phối hợp giữa Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên và Hội LHPN tỉnh được ký kết tiếp tục mở ra cơ hội giúp chị em tiếp cận đa dạng nguồn vốn để sản xuất kinh doanh, cải thiện đời sống.
Bà Lê Đào An Xuân, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh |
LÊ HẢO