Những năm qua, nhờ sự hỗ trợ từ nhiều phía, các chủ thể đã xây dựng được hàng chục sản phẩm đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh. Trong năm 2023, tỉnh tiếp tục hỗ trợ các chủ thể thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) theo hướng tập trung nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm nông nghiệp đặc trưng.
Nỗ lực phát triển sản phẩm
Theo Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Nguyễn Đức Thắng, năm 2022, Phú Yên có 52 sản phẩm được công nhận OCOP cấp tỉnh, trong đó có 7 sản phẩm đạt 4 sao và 45 sản phẩm đạt 3 sao. Ngoài các sản phẩm đã được công nhận hạng sao, có 44 sản phẩm khác gửi hồ sơ về Hội đồng OCOP tỉnh đề nghị thẩm định. Nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh đã và đang phát triển thị trường tốt như: gạo, nước mắm, bò một nắng, trà…
“Không dừng lại ở đó, ngành Nông nghiệp đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục rà soát, lựa chọn các sản phẩm tiềm năng, bao gồm sản phẩm nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ, du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng, thảo dược, mỹ phẩm của địa phương mình đăng ký tham gia Chương trình OCOP giai đoạn 2022-2025 và sản phẩm tham gia, đánh giá trong năm 2023”, ông Thắng cho hay.
Theo ông Nguyễn Văn Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy An, đến nay, địa phương có 8 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Tuy An tiếp tục rà soát các sản phẩm tiềm năng (gạo lúa đỏ An Hiệp, cá cơm xuất khẩu An Chấn, nấm bào ngư An Lĩnh, chiếu cói An Cư, rượu vang sim An Xuân, nước mắm Yến…) để hướng dẫn các chủ thể tham gia Chương trình OCOP.
“Việc triển khai Chương trình OCOP trên địa bàn góp phần phát triển kinh tế - xã hội của huyện, nhất là xây dựng huyện nông thôn mới. Để thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững, huyện tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tầm quan trọng và ý nghĩa của Chương trình OCOP. Đối với các sản phẩm lựa chọn tham gia OCOP, huyện phối hợp với các cơ quan chuyên môn hướng dẫn, xây dựng dữ liệu sản phẩm, hỗ trợ quảng bá, xúc tiến thương mại, hoàn thiện hồ sơ, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí và những yêu cầu khắt khe mà OCOP đưa ra...”, ông Hoàng cho biết.
Tham gia chương trình OCOP, 4 sản phẩm (bánh đồng tiền gắn hạt dinh dưỡng, thanh gạo lứt ngũ cốc, thanh gạo lứt chà bông và ngũ cốc hạt granola) của Công ty TNHH Hoàng Kiều (huyện Tuy An) được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2022. Sau khi có chứng nhận, các sản phẩm của doanh nghiệp này đã tạo niềm tin cho khách hàng, chất lượng sản phẩm được khẳng định; có mặt tại nhiều điểm kinh doanh, buôn bán, các chuỗi siêu thị. Ông Huỳnh Văn Hoàng, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Kiều chia sẻ: “Chương trình OCOP thực sự là cơ hội tốt để quảng bá nông sản địa phương. Kể từ khi các sản phẩm của công ty chúng tôi được chứng nhận OCOP, việc sản xuất, kinh doanh có nhiều thuận lợi hơn trước với số lượng khách hàng ngày một tăng, mang lại doanh thu hơn 500 triệu đồng/năm”.
Nâng hạng sao
Đại diện Sở NN-PTNT cho biết, Phú Yên hiện có hàng trăm sản phẩm có giá trị kinh tế, thương mại cao, có thể phát triển thành các sản phẩm OCOP. Trên cơ sở đánh giá lợi ích của việc tham gia Chương trình OCOP, tỉnh đã triển khai chương trình; ban hành xây dựng bộ tiêu chí đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP; các huyện, thành phố khảo sát, lựa chọn các sản phẩm nông sản đặc trưng, có lợi thế để đưa vào kế hoạch chung của tỉnh.
Giai đoạn 2022-2025, Phú Yên phấn đấu mỗi năm có ít nhất 18 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên (mỗi địa phương ít nhất đạt 2 sản phẩm) và đến cuối năm 2025 toàn tỉnh có ít nhất 90 sản phẩm OCOP; đồng thời rà soát các sản phẩm đủ điều kiện trình Hội đồng OCOP trung ương đánh giá, phân hạng sản phẩm cấp quốc gia 5 sao (riêng năm 2023, phấn đấu có ít nhất 36 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP của tỉnh đạt từ 3 sao trở lên).
Ông Nguyễn Đức Thắng cho biết: Năm 2023, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền trong cán bộ, Nhân dân, đặc biệt là các HTX có ý thức trong việc đăng ký xây dựng các sản phẩm tham gia chương trình. Đồng thời hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là các sản phẩm chủ lực địa phương, đạt chứng nhận OCOP sẽ được hỗ trợ đưa lên trang thương mại điện tử của tỉnh (http://phuyentrade.gov.vn) và các kênh mua bán trực tuyến khác để quảng bá, phát triển thị trường tiêu thụ.
Khẳng định vai trò của Chương trình OCOP, ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT nhấn mạnh, Chương trình OCOP là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, là tiền đề thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, nông thôn song lại mang đặc trưng rất riêng. Việc xây dựng sản phẩm OCOP giúp gắn kết, phát huy sức mạnh cộng đồng, thiết thực nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống người dân; góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững.
“Phú Yên còn nhiều tiềm năng, cơ hội phát triển sản phẩm OCOP. Do vậy, thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương cần quan tâm mở rộng số lượng, cơ cấu sản phẩm. Các huyện, thành phố nên xây dựng danh mục cụ thể, từ đó có hành động, định hướng rõ ràng để thực hiện”, ông Tùng khẳng định.
Để có thêm nhiều sản phẩm OCOP có chất lượng, các đơn vị, địa phương liên quan phải chủ động khảo sát toàn bộ sản phẩm. Từ đó xác định rõ sản phẩm, nhóm sản phẩm có lợi thế của địa phương để tư vấn giúp các chủ thể mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng, đáp ứng tiêu chí của Chương trình OCOP. Riêng đối với các sản phẩm đã được công nhận là sản phẩm OCOP, cần tiếp tục đổi mới mẫu mã, nâng cao chất lượng để nâng hạng sao.
Đồng chí Lê Tấn Hổ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh |
NGỌC HÂN