Thời gian qua, nhiều gia đình ở huyện Đồng Xuân đầu tư, nhân rộng mô hình trồng cây ăn trái theo hướng hữu cơ, tạo ra các sản phẩm an toàn, bảo đảm phát triển nông nghiệp bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tiêu biểu trong đó có gia đình ông Nguyễn Ngọc Sơn ở thôn Tân Phú, xã Xuân Sơn Nam.
Hiện khu vườn trồng cây ăn trái của gia đình ông Sơn được công nhận là vườn mẫu nông thôn mới và trở thành điểm tham quan học tập kinh nghiệm của người dân trong vùng.
Trồng cây theo hướng hữu cơ
Theo lời kể của ông Nguyễn Ngọc Sơn, trước năm 1975, ông tham gia du kích xã Xuân Sơn, sau làm xã đội trưởng, rồi làm chính trị viên Đại đội 381 (Huyện đội Đồng Xuân). Năm 1979, ông Sơn chuyển ngành với quân hàm trung úy, kinh qua nhiều nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao, đến năm 2010, ông nghỉ hưu. Nhận thấy Đồng Xuân là huyện miền núi có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, nhưng muốn đem lại hiệu quả kinh tế thì phải am hiểu khí hậu, thổ nhưỡng cũng như đặc điểm từng loại cây trồng, ông đã tìm tòi, học hỏi trên các phương tiện thông tin đại chúng, sách báo và quyết định cải tạo, chuyển đổi vườn tạp lâu năm của gia đình thành vườn cây ăn trái.
Khởi đầu cho chuyển đổi mô hình này, năm 2019, ông Sơn cải tạo mảnh vườn rộng hơn 1,2ha, đầu tư lắp đặt hệ thống tưới nước tự động để trồng hơn 650 gốc cây các loại như: mít thái, cam, bưởi da xanh. Thay vì canh tác theo kiểu truyền thống, sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, ông Sơn mạnh dạn áp dụng phương pháp trồng hữu cơ, tuyệt đối không sử dụng thuốc trừ sâu; dùng túi ni lông bọc trái để chống sâu, rầy.
Ông Sơn bày tỏ: “Trồng loại cây nào cũng vậy, muốn phát triển tốt, cho năng suất cao, đạt hiệu quả kinh tế thì việc tạo được nền đất màu mỡ, nhiều dinh dưỡng, đầu tư cây giống chất lượng sẽ là điều kiện tiên quyết để thành công. Bởi vậy, khi mới bắt tay vào làm vườn, tôi đã chọn sản xuất theo hướng hữu cơ. Tôi nghĩ rằng, làm vườn thì suốt ngày quanh quẩn bắt sâu, nhổ cỏ, bón phân, nếu sử dụng thuốc hóa học thì chính mình và người thân phải chịu ảnh hưởng đầu tiên”.
Mô hình vườn mẫu nông thôn mới
Nhờ chăm sóc tốt, đúng quy trình kỹ thuật nên sau 3 năm canh tác, hiện nay vườn mít xen canh cam, bưởi của gia đình ông Sơn đã cho sản lượng mít trung bình hơn 16 tấn/năm, cam 1,45 tấn/năm, bưởi 1 tấn/năm, mang lại thu nhập trên 300 triệu đồng/năm. “Tôi chọn trồng theo hướng hữu cơ, sử dụng các loại phân chuồng, phân rơm, kèm với phân từ tro trấu… giúp đất có dinh dưỡng, tạo thêm độ ngọt cho trái. Bởi vậy, khi nghe mọi người khen ngon, tôi vui lắm, xem như mình phát triển đúng hướng”, ông Sơn phấn khởi nói.
Theo Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Sơn Nam Võ Thị Hoài Dân, trước đây vùng Tân Phú này, bà con chỉ biết trồng keo, trồng sắn nên đời sống kinh tế vô cùng khó khăn. Việc ông Sơn mạnh dạn đi đầu thử nghiệm trồng các loại cây ăn trái đã giúp cho bà con trong vùng có sự lựa chọn mới trong việc chuyển đổi cây trồng tại địa phương. “Mô hình vườn cây ăn trái của gia đình ông Sơn không chỉ mang nguồn thu nhập ổn định cho gia đình mà còn là mô hình vườn mẫu nông thôn mới của xã. Hiện mô hình này trở thành điểm tham quan học tập kinh nghiệm của người dân trong vùng”, bà Dân cho hay.
Ông Nguyễn Đức ở xã Xuân Lãnh cho biết: “Được biết mô hình trồng cây ăn trái của gia đình anh Sơn mang lại hiệu quả kinh tế cao, nên tôi đến học hỏi kinh nghiệm. Anh không những tận tình chia sẻ kinh nghiệm trồng trọt, mà còn đến tận nơi để hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, cách chọn cây giống… Chúng tôi rất biết ơn anh và cũng hy vọng việc trồng cây ăn trái theo hướng hữu cơ sẽ mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con ở huyện”.
Vườn mẫu nông thôn mới của ông Nguyễn Ngọc Sơn là một trong bốn vườn mẫu trên địa bàn huyện Đồng Xuân. Thời gian tới, Hội Nông dân huyện Đồng Xuân phối hợp cùng chính quyền địa phương vận động, hỗ trợ gia đình ông Sơn xây dựng sản phẩm bưởi da xanh và mít thái thành sản phẩm OCOP nhằm tìm kiếm các kênh tiêu thụ ổn định, nâng cao giá trị.
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đồng Xuân Nguyễn Văn Kim |
KHÁNH VY