Những ngày đầu năm, các đơn vị thi công dự án Đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021-2025 (dự án Cao tốc Bắc - Nam) tất bật triển khai những hạng mục đầu tiên. Chính quyền các địa phương có dự án đi qua dốc toàn lực để đẩy nhanh tiến độ bàn giao mặt bằng, giải ngân vốn kịp thời để đảm bảo tiến độ của dự án trọng điểm này.
Dự án Cao tốc Bắc - Nam đoạn qua địa phận tỉnh Phú Yên có tổng chiều dài hơn 90km, gồm 2 dự án thành phần: dự án thành phần đoạn Quy Nhơn - Chí Thạnh dài 42,07km; dự án thành phần đoạn Chí Thạnh - Vân Phong dài 48,052km. Trong giai đoạn phân kỳ hiện nay, tuyến đường được đầu tư với quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17m. Tổng mức đầu tư dự án trên 20.848 tỉ đồng.
Khẩn trương, tất bật
Trên công trường triển khai các gói thầu của 2 dự án thành phần thuộc dự án Cao tốc Bắc - Nam, không khí làm việc khẩn trương, tất bật. Theo Ban Quản lý dự án 7 (Bộ GT-VT) - chủ đầu tư dự án thành phần đoạn Chí Thạnh - Vân Phong, trong dịp tết Nguyên đán, các đơn vị thi công đăng ký làm việc xuyên tết. Khối lượng công việc gồm cào bóc lớp đất hữu cơ với chiều dài khoảng 500m trên tuyến chính; thi công 500m đường công vụ; giá trị các hạng mục thi công ước trên 11 tỉ đồng. Trong quý I/2023, liên doanh các nhà thầu sẽ tổ chức 4 mũi thi công, gồm: mũi thi công cầu Đà Rằng và cầu Bàn Thạch; mũi thi công đoạn tuyến từ Km34+240-Km43+920; mũi thi công đoạn tuyến từ Km24+00-Km34+240 và mũi thi công đoạn tuyến từ Km43+920-Km48+052.
Trong khi đó, tại dự án thành phần đoạn Quy Nhơn - Chí Thạnh, các đơn vị thi công cũng duy trì 2 mũi thi công làm việc xuyên tết. Cụ thể, tại vị trí Km35+200 (thuộc TX Sông Cầu), hàng trăm công nhân và hàng chục thiết bị xe máy của Công ty CP Xây dựng - Dịch vụ và Thương mại 68 đang cào bóc lớp đất hữu cơ; lấy mẫu đất thí nghiệm để thực hiện các bước thi công tiếp theo. Cách đó khoảng 2km, hơn 30 kỹ sư, công nhân đang tổ chức thi công mặt bằng bãi đúc dầm, lắp đặt trạm bê tông, thi công đường công vụ, nhà thí nghiệm để xây dựng cầu 9 nhịp với chiều dài hơn 300m. Đây là cây cầu lớn thứ hai thuộc dự án thành phần này.
Ông Lê Trọng Thiện, Giám đốc Liên doanh nhà thầu thi công Gói thầu 12-XL (gói thầu thi công xây dựng đoạn Km24+900-Km47+000, thuộc dự án thành phần đoạn Quy Nhơn - Chí Thạnh), cho biết: Ngay sau lễ khởi công, đơn vị đã chỉ đạo các nhà thầu huy động nhân lực, máy móc bắt tay ngay vào việc thi công. Trong dịp tết Nguyên đán, các nhà thầu đã tổ chức 2 mũi thi công xuyên tết. Đến nay, khối lượng thi công, dọn dẹp, phát quang, đào đất đạt 51.500m2. Các lán trại, phòng thí nghiệm hiện trường cũng đã hoàn thành. Ngoài ra, đơn vị cũng làm đường công vụ, san đất bãi đúc dầm phục vụ thi công cầu tại Km38+793. Từ mùng 6 tết, liên doanh các nhà thầu đã tổ chức 7 mũi thi công với gần 100 thiết bị xe, máy; 200 kỹ sư và công nhân thường xuyên làm việc trên công trường nhằm đảm bảo tiến độ công việc.
Cùng với khí thế làm việc nhộn nhịp của đơn vị thi công, công tác tư vấn giám sát cũng được các đơn vị triển khai, bám sát từ những hạng mục đầu tiên. Là một trong những đơn vị được giao giám sát Gói thầu 12-XL, Công ty CP Tư vấn thiết kế xây dựng công trình giao thông Miền Bắc đã bố trí 17 cán bộ, kỹ sư thực hiện nhiệm vụ giám sát sát sao ở tất cả hạng mục thi công.
Ông Trần Hoài Thanh, Tư vấn Giám sát trưởng tại Gói thầu 12-XL, cho biết: Xác định đây là công trình trọng điểm quốc gia, được Thủ tướng Chính phủ và Bộ GT-VT đặc biệt quan tâm nên công tác tư vấn, giám sát được tổ chức chặt chẽ ngay từ những bước đầu tiên. Trên công trường thi công hạng mục nào, đơn vị giám sát sẽ có mặt để hỗ trợ những vấn đề về kỹ thuật, đảm bảo chất lượng hạng mục đó. Công việc hiện nay chủ yếu là giám sát thí nghiệm nền đất; xây dựng kỹ thuật bê tông để làm dầm cầu... Đối với dự án này, nhờ được khởi công vào đúng mùa nắng, lại được lãnh đạo tỉnh và các địa phương có dự án đi qua tích cực hỗ trợ về giải phóng và bàn giao mặt bằng nên các mũi thi công đều đã được triển khai khá nhanh chóng và thuận lợi.
Các đơn vị tư vấn, giám sát cùng các đơn vị thi công bám sát công trình ngay từ những ngày đầu ra quân. Ảnh: NGÔ XUÂN |
Đẩy nhanh tiến độ bàn giao mặt bằng, giải ngân vốn
Theo Sở GT-VT, hiện tất cả 6 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh có dự án Cao tốc Bắc - Nam đi qua đã triển khai tốt công tác bàn giao mặt bằng. Lũy kế bàn giao mặt bằng toàn tỉnh được 68,01/90,12km, đạt 75,47%. Riêng huyện Tây Hòa đã bàn giao mặt bằng được 4,05km, đạt 93,31%, TP Tuy Hòa bàn giao 7,46km, đạt 91,84%…
Công tác bàn giao mặt bằng các gói thầu xây lắp cũng đảm bảo tiến độ cho các đơn vị thi công. Cụ thể, đối với Gói thầu XL-02 (từ Km24-Km48+050 qua các huyện Phú Hòa, Tây Hòa và TX Đông Hòa, thuộc dự án thành phần đoạn Chí Thạnh - Vân Phong) đã bàn giao 19,65km, đạt 81,71%. Gói thầu 12-XL (từ Km24+900-Km47+00 qua TX Sông Cầu, thuộc dự án thành phần đoạn Quy Nhơn - Chí Thạnh) đã bàn giao 17km, đạt 76,92%. Đối với 2 gói thầu dự kiến khởi công trong quý I/2023 là gói thầu XL-01 (Km00-Km24 qua huyện Tuy An và TP Tuy Hòa, thuộc dự án thành phần đoạn Chí Thạnh - Vân Phong) cũng đã bàn giao 18,62km, đạt 77,60%. Gói thầu số 13-XL (Km47+00-Km66+965,91 qua TX Sông Cầu và huyện Tuy An, thuộc dự án thành phần đoạn Quy Nhơn - Chí Thạnh) cũng đã bàn giao 12,74km/19,97km, đạt 63,79%.
Công tác giải ngân vốn cũng đang được các đơn vị, địa phương đẩy mạnh; tỉ lệ giải ngân vốn năm 2022 của 2 dự án thành phần đạt 71,64%. Trong đó, TX Sông Cầu và huyện Tuy An đã giải ngân hết 40,854 tỉ đồng thuộc dự án thành phần đoạn Quy Nhơn - Chí Thạnh, đạt 100%. Đối với dự án thành phần đoạn Chí Thạnh - Vân Phong, các địa phương đã giải ngân gần 399 tỉ đồng, đạt 62,6%. Với các địa phương chưa giải ngân hết nguồn vốn năm 2022, UBND tỉnh đã yêu cầu tổng hợp, báo cáo để đề xuất chuyển giao nguồn vốn sang năm 2023 nhằm tiếp tục triển khai thực hiện.
Theo Sở GT-VT, năm 2023, Bộ GT-VT đã phân bổ kế hoạch vốn cho dự án thành phần đoạn Quy Nhơn - Chí Thạnh 417,893 tỉ đồng; dự án thành phần đoạn Chí Thạnh - Vân Phong 916,593 tỉ đồng. Bộ GT-VT yêu cầu các địa phương đẩy nhanh giải ngân nhằm đáp ứng tiến độ triển khai dự án.
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lê Tấn Hổ cho biết: Trong thời gian chuẩn bị công tác khởi công, Phú Yên triển khai khá chậm so với cả nước. Tuy nhiên, đến thời điểm này thì các địa phương đang dần đi vào guồng, giải quyết công việc khá thuận lợi và hiệu quả cao. Tỉ lệ bàn giao mặt bằng và giải ngân vốn cơ bản đảm bảo tiến độ, đáp ứng được yêu cầu của chủ đầu tư và đúng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
“Trong thời gian đến, đề nghị các địa phương có dự án đi qua phải triển khai các trình tự, thủ tục công tác giải phóng mặt bằng, di dời tái định cư phù hợp; có phương án tạm cư để người dân sớm ổn định nơi ở, đảm bảo mặt bằng triển khai dự án. Các địa phương cần chủ động phối hợp với các đơn vị chủ quản hệ thống hạ tầng kỹ thuật để tổ chức di dời công trình điện, nước, hệ thống viễn thông… trong phạm vi giải phóng mặt bằng của dự án”, đồng chí Lê Tấn Hổ nhấn mạnh.
Việc triển khai các trình tự, thủ tục thực hiện công tác giải phóng mặt bằng cần phải được thực hiện nhanh chóng nhưng phải đảm bảo đầy đủ thủ tục và đúng luật, đúng quy trình. Yêu cầu mỗi địa phương có dự án đi qua cần chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể để thường xuyên theo dõi, đôn đốc các công việc, đảm bảo mục tiêu bàn giao 100% mặt bằng cho các chủ đầu tư trước 30/6/2023.
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lê Tấn Hổ |
NGÔ XUÂN