Bò lai sind ở Sông Cầu hiện chiếm tỉ lệ thấp so với tổng đàn. Huyện đang tìm cách nâng cao tỉ lệ này nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân.
Theo thống kê của Hội Nông dân huyện Sông Cầu, toàn huyện có 13.600 con bò, bò lai sind chiếm chưa đến 40% tổng đàn, trong khi ở các huyện khác như Phú Hòa, Đồng Xuân, bò lai chiếm 72% tổng đàn. Ông Võ Ngọc Minh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Sông Cầu giải thích: “Trước đây, do giá bò xuống thấp, nuôi không có lãi nên nhiều nông dân bán bò. Nay họ có nhu cầu nuôi lại thì bò giống khan hiếm, khó tìm được bò đực giống nhảy trực tiếp”.
Nguyên nhân khác là một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến việc sind hóa đàn bò. Xã Xuân Thọ 2 là địa phương có đàn bò đông nhất, với 2.350 con nhưng việc lai tạo vẫn chậm. Từ đầu năm đến nay, Xuân Thọ 2 chỉ lai tạo được 174 con, trong khi chỉ tiêu giao 360 con. Theo ông Lê Văn Tùng, một nông dân ở thôn Hảo Danh, việc lai tạo đang gặp khó khăn. Nhà ông có bò cái nền, song tìm được bò đực giống để lai tạo rất khó.
Được biết ngay từ đầu năm, huyện Sông Cầu đã dành khoản kinh phí gần 25 triệu đồng để hỗ trợ nông dân nuôi bò thụ tinh nhân tạo. Đến nay, 100/480 con bò cái có chửa và sinh bê con, riêng số bò cái nền nhảy trực tiếp còn thấp. Tỉ lệ bò được sind hóa ở Sông Cầu mới chỉ chiếm 39,8% so với chỉ tiêu, tức 696/1.980 con. Hội Nông dân đã phối hợp với Phòng Kinh tế huyện họp bàn biện pháp đẩy nhanh việc lai tạo đàn bò và thành lập đoàn đi về các xã để nắm tình hình, tìm cách tháo gỡ vướng mắc.
Trên thị trường hiện nay, giá bò đang ở mức cao. Nông dân đang đầu tư vào việc gây nuôi vì hiện nuôi bò có lãi hơn so với các năm trước. Một con bò lai sind cao 1m giá khoảng 6-7 triệu đồng, tăng hơn năm ngoái 2-3 triệu đồng. Bò lai sind tăng trưởng nhanh, người nuôi có lãi hơn so với nuôi bò vàng. Từ nay đến cuối năm, Hội Nông dân huyện Sông Cầu đưa chương trình lai tạo đàn bò làm trọng tâm, vận động hội viên sind hóa đàn bò để tăng thu nhập.
LÊ TRÂM