Chiều 2/12, tại hội trường UBND tỉnh, Bộ NN-PTNT và UBND tỉnh tổ chức hội nghị Nhiệm vụ và giải pháp phát triển rong biển để đánh giá tình hình phát triển ngành Rong biển thời gian qua và bàn giải pháp phát triển trong thời gian tới nhằm góp phần thực hiện Đề án Phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển.
Chủ trì hội nghị có đồng chí Lê Tấn Hổ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phú Yên; Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến; Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) Trần Đình Luân,
Tham dự hội nghị có đại diện các bộ Công an, TN-MT; các đơn vị thuộc Bộ NN-PTNT; lãnh đạo UBND tỉnh, Sở NN-PTNT, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thủy sản của một số tỉnh, thành phố ven biển; các viện, trường, hội, hiệp hội và các chuyên gia về rong biển; lãnh đạo các sở, ngành và địa phương ven biển ở Phú Yên…
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lê Tấn Hổ phát biểu chào mừng hội nghị. Ảnh: ANH NGỌC |
Phát biểu chào mừng hội nghị, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lê Tấn Hổ cho biết, trong cơ cấu kinh tế thủy sản của tỉnh, nuôi trồng chiếm khoảng 56% về giá trị sản xuất. Rong biển là loài thủy đặc sản của địa phương, sản lượng khai thác tự nhiên hàng năm khoảng 300 tấn, chủ yếu là rong câu, rong mứt. Thời gian gần đây, một số diện tích nuôi thủy sản kém hiệu quả đã được chuyển đổi sang trồng rong nho. Phú Yên đã định hướng phát triển đến năm 2030 trồng rong nho khoảng 380ha tại một số vùng đầm, vịnh, vùng biển mở nhằm cải thiện môi trường, tạo thu nhập ổn định cho ngư dân. Tỉnh Phú Yên vui mừng được Bộ NN-PTNT chọn để tổ chức hội nghị Nhiệm vụ và giải pháp phát triển rong biển với sự tham dự của các bộ, ngành trung ương, các tỉnh ven biển. Hy vọng hội nghị sẽ chia sẻ những kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi trồng rong biển… qua đó tìm được các giải pháp để phát triển nghề nuôi trồng rong biển bền vững.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu kết luận tại hội nghị. Ảnh: ANH NGỌC |
Theo Tổng cục Thủy sản, ở Việt Nam ghi nhận được 827 loài, thuộc 4 ngành là rong lam (88 loài), rong đỏ (412 loài), rong nâu (147 loài) và rong lục (180 loài). Diện tích có tiềm năng cho trồng rong biển ở Việt Nam khoảng 900.000ha, nhưng việc trồng rong ở nước ta còn sơ khai. Diện tích trồng rong biển giai đoạn 2005-2019 khoảng 10.150ha, sản lượng khoảng 120.000 tấn tươi. Trong đó, diện tích trồng rong câu khoảng 8.200ha, chiếm tỉ lệ cao nhất trong ngành trồng rong biển ở Việt Nam. Tiếp theo là rong sụn khoảng 1.550ha, hiện đang trồng nhiều ở các tỉnh Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định. Nhiều địa phương đã xây dựng và triển khai thành công mô hình trồng rong biến kết hợp với nuôi thủy sản. Năm 2019, Việt Nam xuất khẩu khoảng 2.840 tấn rong biển, trị giá khoảng 4,5 triệu USD…
Tuy nhiên, chất lượng giống rong đang ngày một suy giảm do giống gốc hầu hết là nhập ngoại. Diện tích trồng rong biển ven bờ ngày càng bị thu hẹp do khu vực này ưu tiên quy hoạch cho du lịch. Các quy chuẩn, tiêu chuẩn, tài liệu hướng dẫn kỹ thuật liên quan đến rong biển còn hạn chế. Công nghệ thu hoạch, bảo quản và xử lý sản phẩm sau thu hoạch còn thô sơ nên chất lượng và sinh khối của rong chưa cao và chưa ổn định. Môi trường vùng biển ven bờ bị suy giám, ô nhiễm…
Các đại biểu tham gia thảo luận tại hội nghị. Ảnh: ANH NGỌC |
Tại hội nghị, các đại biểu tham dự đã trình bày một số tham luận về tiềm năng thị trường và giải pháp phát triển công nghệ chế biến, tiêu thụ rong biển; kết quả nghiên cứu về phát triển rong biển; kết quả nghiên cứu và giải pháp kỹ thuật nuôi trồng rong biển; kết quả nghiên cứu và sản xuất giống rong biển chất lượng cao; các sản phẩm chiết xuất từ rong biển; một số mô hình trồng rong biển và kết hợp nuôi thủy sản; giải pháp phát triển rong biển bền vững; kết quả sản xuất, kinh doanh… Các đại biểu đã thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến về những tồn tại, hạn chế trong sản xuất, kinh doanh ngành rong biển, đồng thời đưa ra một số giải pháp phát triển trong thời gian tới…
Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến giao Tổng cục Thủy sản xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể phân công nhiệm vụ phát triển ngành rong biển trong thời gian tới đối với các cơ quan chuyên môn, tham mưu để Bộ NN-PTNT ban hành, triển khai thực hiện. Xây dựng, ban hành các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kỹ thuật, quy trình sản xuất cụ thể đối với hoạt động sản xuất, chất lượng sản phẩm rong biển để làm cơ sở quản lý và tổ chức sản xuất, kinh doanh. Nghiên cứu ứng dụng và phát triển các công nghệ mới trong trồng, chế biến, chiết xuất các vi chất từ sản phẩm rong biển nhằm tạo sản giá trị gia tăng, giảm thiểu thất thoát sau thu hoạch, nâng cao hiệu quả sản xuất và thích ứng với biến đổi khí hậu. Bộ NN-PTNT đề nghị các địa phương ven biển quan tâm chỉ đạo và triển khai thực hiện nhiệm vụ, giải pháp nuôi trồng thủy sản nói chung và phát triển ngành rong biển nói riêng phát triển bền vững.
ANH NGỌC