Trong bối cảnh các ngân hàng chạy đua tăng lãi suất huy động, tác động làm lãi suất cho vay tăng chóng mặt như hiện nay, việc một số ngân hàng công bố giảm lãi suất đầu ra có thể xem là một điểm sáng.
Ngày 28/11, HDBank công bố giảm lãi suất cho vay ở nhiều lĩnh vực kinh doanh. Cụ thể, từ ngày 1/11-31/12/2022, ngân hàng này giảm lãi suất cho khách hàng cá nhân vay sản xuất kinh doanh và kinh tế nông nghiệp nông thôn với mức giảm 0,5-3,5%/năm. Đối với khách hàng doanh nghiệp, HDBank giảm lãi suất từ 0,5-2,5%/năm với khách hàng thuộc các lĩnh vực xuất nhập khẩu; tại các khu chế xuất - khu công nghiệp; nông nghiệp; giao thông vận tải; khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ; siêu nhỏ; công nghiệp chế biến, chế tạo, du lịch, giáo dục - đào tạo; dịch vụ thông tin; lưu trú ăn uống.
Theo ước tính của HDBank, toàn quốc sẽ có hơn 43.000 khách hàng cá nhân, doanh nghiệp được giảm lãi suất, với tổng số tiền lãi được giảm lên tới 120 tỉ đồng.
Trước đó, Vietcombank là ngân hàng đầu tiên thông báo giảm lãi suất 1%/năm đối với các khoản vay VND dành cho các khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân hiện hữu. Chương trình được triển khai từ ngày 1/11-31/12/2022; không áp dụng với các khoản vay chứng khoán, vay kinh doanh bất động sản, vay cầm cố giấy tờ có giá...
Theo đại diện Vietcombank, hoạt động điều chỉnh lãi suất cho vay thể hiện cam kết của ngân hàng này trong việc chủ động, tiên phong thực hiện các chính sách điều hành của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, nỗ lực vì mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế đất nước.
Tại hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp do Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên tổ chức mới đây, đại diện các doanh nghiệp cho biết lãi vay chiếm một phần không nhỏ trong chi phí tài chính của doanh nghiệp. Do đó, các đơn vị sản xuất, kinh doanh luôn mong ngân hàng hạ lãi suất cho vay để giảm bớt áp lực tài chính. “Chúng tôi vay vốn làm ăn nên lãi suất giảm được đồng nào đỡ đồng nấy, nhất là trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn sau một thời gian dài ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19”, chủ một doanh nghiệp tư nhân ở xã An Mỹ, huyện Tuy An nói.
Trong năm 2020 và 2021, để chia sẻ khó khăn với người dân, doanh nghiệp do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhiều ngân hàng đã thực hiện các chính sách giảm lãi suất cho vay, miễn giảm phí dịch vụ dành cho khách hàng tổ chức và cá nhân. Còn năm nay, trong bối cảnh kinh tế vĩ mô chịu nhiều tác động bất lợi, Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành, các ngân hàng thương mại chạy đua tăng lãi suất huy động kéo theo lãi suất cho vay tăng cao, tạo gánh nặng không nhỏ cho người vay vốn. Vì vậy, việc một số ngân hàng tiên phong áp dụng chính sách giảm lãi suất cho vay là hoạt động ý nghĩa.
Trong Chỉ thị 15/2022/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong tình hình mới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động để phấn đấu giảm lãi suất cho vay, chia sẻ khó khăn với người dân, doanh nghiệp; hướng tín dụng vào các ngành nghề, lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro…
Ngân hàng cũng là doanh nghiệp, kinh doanh sản phẩm đặc thù và đương nhiên hướng đến lợi nhuận. Tuy nhiên, trong thời điểm khó khăn, việc các ngân hàng tiết giảm tối đa chi phí, điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, chỉ tiêu lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay là điều cần thiết. Quan trọng hơn, việc giảm lãi suất đừng chỉ là hành động đơn lẻ của 1-2 ngân hàng mà nên là xu hướng của cả ngành Ngân hàng nhằm góp phần ổn định thị trường, giúp nền kinh tế từng bước phục hồi, phát triển sau đại dịch.
LÊ HẢO