Sau nhiều năm thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững (PTBV), Phú Yên đã có những nỗ lực trong xóa đói, giảm nghèo, ứng phó với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, để đảm bảo thực hiện 17 mục tiêu PTBV, song song với những cơ hội, tỉnh còn nhiều thách thức, phải tổng lực triển khai các giải pháp để hoàn thành mục tiêu đề ra.
Nhiều khó khăn
Theo Ban Chỉ đạo PTBV tỉnh, những năm đầu triển khai Kế hoạch hành động của tỉnh thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự PTBV tại Quyết định 1273/QĐ-UBND ngày 21/6/2018, tỉnh có được nhiều thuận lợi từ kết quả đạt được của nền kinh tế - xã hội làm xuất phát điểm tốt để thực hiện các mục tiêu. Các ngành, địa phương chủ động thúc đẩy thực hiện kế hoạch hành động thông qua các chính sách, kế hoạch, chương trình, nhiệm vụ do đơn vị triển khai. Đến năm 2020-2021, dịch COVID-19 bùng phát và ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế - xã hội, nhiều mục tiêu PTBV sụt giảm.
Điển hình nhất là mục tiêu 3 về bảo đảm cuộc sống khỏe mạnh và tăng cường phúc lợi cho mọi người ở mọi lứa tuổi. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 100 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, 100% trạm y tế xã triển khai khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, việc giãn cách xã hội cũng như các biện pháp phong tỏa trong thời kỳ dịch bệnh giai đoạn 2020-2021 đã làm gián đoạn việc tìm đến các dịch vụ y tế hỗ trợ. Năm 2021, số lần khám bệnh tại các bệnh viện, trung tâm y tế, các trạm y tế xã giảm 18% so với cùng kỳ năm 2020.
Song song với đó, dịch COVID-19 cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thực hiện mục tiêu số 8: Đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững, toàn diện, liên tục; tạo việc làm đầy đủ, năng suất và việc làm tốt cho mọi người. Theo ông Đặng Kim Ba, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT, trong 2 năm 2020-2021, tốc độ tăng GRDP của tỉnh sụt giảm đáng kể, tỉ lệ thất nghiệp và lao động thiếu việc làm tăng cao. UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch hành động nhằm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh trong điều kiện thích ứng an toàn với dịch COVID-19 giai đoạn 2022-2025.
Huy động mọi nguồn lực
Hiện Phú Yên trên đà phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Mặc dù phải đối mặt với hàng loạt thách thức nhưng các ngành, địa phương không ngừng nỗ lực, quyết biến thách thức thành cơ hội, huy động sức mạnh của mọi nguồn lực để tiến tới đạt được những mục tiêu PTBV đã đặt ra.
Theo ông Trần Xuân Túc, Giám đốc Sở Xây dựng, để phát triển đô thị, nông thôn bền vững, trong quá trình quản lý, sở luôn lồng ghép triển khai các cơ chế, chính sách trong công tác thẩm định đồ án quy hoạch xây dựng, phát huy vai trò các đô thị lớn, thu hút nguồn lực phát triển phù hợp với tiềm năng, lợi thế địa phương. Bên cạnh đó, khi thẩm định các chủ trương đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng, cơ quan quản lý luôn ưu tiên thẩm định các thiết bị, dây chuyền sản xuất tiên tiến, tự động hóa cao, sử dụng tiết kiệm nhiên liệu, ít tác động môi trường.
Nói về thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững, ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết: Phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững về kinh tế - xã hội - môi trường là yếu tố then chốt để giữ sự ổn định và phát triển nền kinh tế. Chính vì thế, ngành Nông nghiệp Phú Yên đang triển khai nhiều giải pháp, xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa dựa trên lợi thế của địa phương; theo hướng hiện đại có năng suất, chất lượng, bền vững và có sức cạnh tranh cao. Trong đó, ngành chú trọng phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái có hiệu quả cao, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh.
Theo ông Võ Đình Tiến, Giám đốc Sở KH-ĐT, các mục tiêu PTBV đang là mối quan tâm lớn của cộng đồng quốc tế và cả nước, do đó tỉnh có thêm sự hỗ trợ về động lực và nguồn lực thúc đẩy thực hiện. Hệ thống các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong các lĩnh vực liên quan đến PTBV không ngừng được hoàn thiện, tạo cơ sở pháp lý, huy động nguồn lực trong và ngoài nước phục vụ việc triển khai Chương trình nghị sự 2030. Để huy động được nguồn lực cho PTBV, tỉnh đang từng bước tạo ra sân chơi bình đẳng và khuyến khích áp dụng các nguyên tắc quản trị doanh nghiệp hiệu quả ở cả hai khu vực tư nhân và Nhà nước trong một nền kinh tế thị trường lành mạnh. Kế hoạch đầu tư công có sự lồng ghép với các mục tiêu PTBV để bảo đảm nguồn vốn được phân bổ có trọng tâm và tập trung hơn. Bên cạnh nguồn lực tài chính, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ cũng được chú trọng.
NHƯ THANH