Thứ Hai, 17/06/2024 23:58 CH
Tây Hòa đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ
Thứ Sáu, 04/11/2022 11:00 SA

Cán bộ, hội viên nông dân huyện Tây Hòa tham quan mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, thân thiện với môi trường ở xã An Nghiệp (huyện Tuy An). Ảnh: NGỌC HÂN

Những năm gần đây, huyện Tây Hòa đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ. Từ đó nhân rộng các mô hình sản xuất lúa, cây ăn trái, rau màu theo hướng hữu cơ, VietGAP để tạo ra sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm, thân thiện với môi trường.

 

Mô hình tiên phong

 

Theo ông Nguyễn Dũng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tây Hòa, trong điều kiện giá vật tư nông nghiệp tăng mạnh, nhất là phân bón, người nông dân không có lãi. Việc chuyển đổi sang sản xuất theo hướng hữu cơ, thân thiện với môi trường gần như là một giải pháp hữu hiệu, trước mắt để giảm giá thành sản xuất, kế đến là hướng phát triển bền vững trong sản xuất nông nghiệp đang được địa phương đẩy mạnh.

 

“Mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ này đã được áp dụng trên cánh đồng các xã Hòa Mỹ Tây, Hòa Phong, Hòa Phú, Hòa Bình 1. Hiện nông dân quen dần với việc sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, thân thiện với môi trường thay cho lối canh tác truyền thống. Mô hình này được xem như là một hướng mới giúp người trồng lúa có được thu nhập cao, đầu ra sản phẩm ổn định”, ông Dũng cho hay.

 

HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Phong (HTX Hòa Phong) là một trong những đơn vị đi đầu, đồng thời đang là điểm sáng trong việc sản xuất lúa sạch theo hướng hữu cơ. Theo ông Trần Ngọc Cư, Phó Giám đốc HTX Hòa Phong, trước đây việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân hóa học ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường, tính hiệu quả kinh tế không cao, còn về sản xuất lúa thì người dân vẫn theo phương thức truyền thống. Đây là trăn trở của ban giám đốc cùng các thành viên HTX trong nhiều năm gắn bó với cây lúa tại xã Hòa Phong. Bởi tất cả hướng tới việc sản xuất bền vững, giảm tác hại đến môi trường.

 

“Từ khi HTX vận động các thành viên thực hiện mô hình theo đúng quy trình thâm canh lúa hướng hữu cơ, ứng dụng tiến bộ về giống, phân bón phù hợp, trong thời gian lúa sinh trưởng ít bị sâu bệnh hại, năng suất bình quân đạt 80 tạ/ha/vụ (tăng gần 2 tạ/ha so với lúa canh tác truyền thống). Vì vậy, HTX đang tính toán quy hoạch 200ha để làm lúa hữu cơ, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân trong vụ tới”, ông Cư nói.

 

Ông Lê Văn Vinh ở xã Hòa Mỹ Tây chia sẻ: “Trước đây, khi sử dụng phân hóa học, lúa thường nhiễm bệnh đạo ôn lá, đồng thời chi phí sản xuất tăng, do giá phân vô cơ cùng các loại thuốc bảo vệ thực vật tăng. Từ khi sử dụng phân hữu cơ, lúa có màu xanh rất đẹp, bộ rễ dài và trắng. Việc sử dụng phân hữu cơ còn giúp giảm thiểu chi phí so với sử dụng phân bón hóa học trước đây. Chúng tôi càng vui hơn khi được HTX bao tiêu toàn bộ sản phẩm lúa tươi, sau khi trừ chi phí, cho lợi nhuận bình quân 26-38 triệu đồng/ha, cao hơn sản xuất đại trà theo cách truyền thống từ 8-20 triệu đồng/ha”, ông Vinh phấn khởi nói.

 

Liên kết mở rộng sản xuất

 

Thực tế trong sản xuất nông nghiệp, nhiều nông dân cũng thấy rõ, nếu sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật, phân vô cơ mà không bổ sung phân bón hữu cơ sẽ gây nhiều tác hại. Ngược lại, với tư duy và cách làm mới, việc dùng phân hữu cơ sẽ khiến đất tăng độ màu mỡ, phì nhiêu, tăng chất khoáng và vi sinh vật hữu hiệu cho đất, có tác dụng cải tạo đất rất tốt, nhất là đối với các loại đất đã và đang bị suy thoái. Về lâu dài cũng sẽ giúp khả năng chống chịu sâu bệnh của cây trồng tốt hơn.

 

Ông Trần Văn Trinh, Giám đốc HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Bình 1, chia sẻ: “Nhiều năm trước, người dân địa phương vẫn chưa mạnh dạn thay đổi lối sản xuất, nên lúa bị đánh đồng là có dư lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Lúa bị mất giá trị, việc tiêu thụ cũng bị hạn chế. Từ khi sản xuất lúa theo quy trình an toàn, các thành viên HTX tại địa phương dần nhận thức được việc thay đổi cách dùng phân, thuốc chính là giúp cho họ có nhiều sản phẩm chất lượng hơn, dần dần chuyển đổi sang mô hình trồng sạch, an toàn. Mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ triển khai tại địa phương đã đáp ứng được nhu cầu của người dân, mở ra một hướng canh tác bền vững”.

 

Theo ông Nguyễn Dũng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tây Hòa, nhằm tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, huyện đang phối hợp với Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An phát triển việc hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm lúa, gạo chất lượng cao đạt tiêu chuẩn theo hướng hữu cơ; đồng thời đôn đốc các xã, thị trấn, các HTX thực hiện các dự án liên kết sản xuất.

 

“Ngoài cây lúa, Tây Hòa đang tiếp tục nhân rộng các mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ các loại cây trồng khác như: bắp sinh khối, mía, sắn, nha đam. Theo kế hoạch, địa phương sẽ thực hiện dự án liên kết sản xuất, năm 2023 với diện tích là 1.500ha, năm 2024 diện tích 3.000ha, định hướng phát triển đến năm 2025 từ 5.000ha đến 5.500ha/vụ (đạt khoảng 80% tổng diện tích lúa 2 vụ)”, ông Dũng cho hay. 

 

Để mở đường cho nông nghiệp hữu cơ phát triển, huyện đã xây dựng quy hoạch sản xuất vùng nông nghiệp nói chung, liên kết các doanh nghiệp để nhân rộng sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ nói riêng và huy động nguồn lực đầu tư hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất. Bên cạnh đó thường xuyên đào tạo, tập huấn kỹ thuật, phương thức tổ chức sản xuất cho cán bộ quản lý và người lao động trực tiếp; tổ chức cho hộ dân tham quan học tập kinh nghiệm từ mô hình sản xuất hữu cơ đạt hiệu quả cao trong và ngoài tỉnh.

 

Ông Mai Ne, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Hòa

 

NGỌC HÂN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek