Thứ Ba, 01/10/2024 00:22 SA
Chàng trai say mê với những sáng kiến
Thứ Tư, 19/04/2006 08:14 SA

Sau ca trực đêm không một phút chợp mắt ở tổng đài, sáng hôm sau anh hẹn tiếp tôi tại nhà riêng ở 513 đường Trần Hưng Đạo (TP Tuy Hoà). Ấn tượng đầu tiên của tôi khi gặp anh là một khuôn mặt trẻ măng không hề có biểu hiện mệt mỏi. Sau cặp kính cận, mắt anh  săm soi tỉ mỉ vào mớ bòng bong các thiết bị viễn thông (điện thoại để bàn, điện thoại cầm tay) đã “quá đát” để tìm ra bệnh. Anh bảo: “Nhà đi vắng cả rồi, mình lôi mấy thứ này ra… Trần Sơn Hải “làm bạn” cho đỡ buồn…!”.

 

Đó là kỹ sư trẻ Trần Sơn Hải, 29 tuổi đời, 1 tuổi Đảng, hiện đang công tác tại  tổ chuyển mạch, Đài viễn thông Trung tâm. Anh đang sở hữu 4 sáng kiến kỹ thuật và được mệnh danh là “cây sáng kiến” ở Bưu điện Phú Yên hiện nay.

 

5 NĂM: 4 SÁNG KIẾN

 

060419-Hai.jpg
Nghiên cứu là niềm say mê lớn nhất của Trần Sơn Hải - Ảnh: Quang Thuần
Cầm tấm bằng tốt nghiệp hệ chính qui ngành điện – viễn thông của trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh, Trần Sơn Hải trở về công tác tại Đài viễn thông Trung tâm từ năm 2000. Ngay từ đầu anh em kỹ sư trong tổ chuyển mạch giao ngay những công việc tương đối hóc búa để “thử sức” Trần Sơn Hải. Anh cho biết: “Hồi học ở trường, giờ thực hành tương đối ít, không có điều kiện tiếp cận với các loại thiết bị, công nghệ mới nên khi vào từng công việc cụ thể luôn cảm thấy lúng túng. May nhờ các anh em trong tổ mà trực tiếp là kỹ sư Bùi Viết Ấn (Phó Giám đốc Công ty Điện báo – Điện thoại) lúc bấy giờ là tổ trưởng tổ chuyển mạch tận tình dìu dắt nên mình nhanh chóng nắm được các nguyên lý vận hành của từng loại thiết bị. Từ đó mình mày mò và tìm ra những ưu, nhược điểm của toàn hệ thống tổng đài và sáng kiến để khắc phục”.

 

Tính đến thời điểm này, sau hơn 5 năm công tác, Trần Sơn Hải đã có 4 sáng kiến kỹ thuật cấp cơ sở được Hội đồng sáng kiến Bưu điện tỉnh đánh giá cao vì đã góp phần tăng năng suất lao động và giảm chi phí kinh doanh cho đơn vị. Sáng kiến đầu tiên mà Trần Sơn Hải “tập tò” làm là “Hộp đo đường dây thuê bao giao tiếp thông qua hệ thống máy vi tính” trên tổng đài FETEX vào năm 2001. Khi đó, nhân viên trực ca nhận tin máy báo hỏng phải nhập vào máy vi tính sau đó sẽ có số cáp và gắn que đo vào số cáp tương ứng để đo, nhận diện tình trạng máy hỏng. Công việc này tốn nhiều thời gian và công sức. Sáng kiến của Hải đã giảm bớt thời gian vì hộp đo đường dây thuê bao điện thoại cố định đã được giao tiếp với hệ thống máy vi tính tổng đài để nhận báo tình trạng máy hỏng và đưa ra số cáp của máy hỏng. Nhân viên trực ca chỉ cần gắn vào số cáp tương ứng và bấm nút đo thì chương trình sẽ đo và nhập kết quả vào hệ thống máy vi tính báo hỏng, in phiếu cho công nhân dây máy đi sửa. Năm 2002, Trần Sơn Hải tiếp tục cho “ra lò” một sáng kiến làm ngạc nhiên mọi người với đề tài “Hộp hiển thị số cho tổng đài FETEX” cho phép thuê bao của khách hàng giao tiếp với tổng đài để nhận diện số máy gọi đến. “Tuy nhiên, đến năm 2004, do nhu cầu cấp thiết về phát triển và quản lý thuê bao trên toàn hệ thống mạng, thực hiện tốt hơn công tác chăm sóc khách hàng nên Tổng Công ty Bưu chính – Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã quyết định đầu tư lắp đặt cho Bưu điện Phú Yên một tổng đài HOST – E10 dung lượng 30.500 số (thuê bao). Thế là bao tâm huyết đầu tư vào hai sáng kiến trên đành phải “xếp xó” vì hệ thống tổng đài mới đã có sẵn chức năng trên” – Hải kể.

 

Không dừng lại ở đó, bởi theo Hải nghĩ, dù thiết bị mới rất hiện đại nhưng do sản xuất ở ngoài nước nên vẫn có một số nhược điểm gây khó khăn cho nhân viên trong quá trình quản lý và vận hành. Và thực tế đã cho thấy, hệ thống tổng đài HOST – E10 này có 2 nhược điểm lớn, nếu không khắc phục ngay thì rất dễ xảy ra sự cố làm ảnh hưởng lớn đến chất lượng các dịch vụ và uy tín của ngành. Thứ nhất, tổng đài không có hệ thống cảnh báo sự cố bằng loa, bản tin cảnh báo bằng tiếng Pháp. Thứ hai, tổng đài mới có sẵn hệ thống đo đường dây thuê bao bằng vi tính, thế nhưng các công đoạn làm vẫn còn manh mún phân tán ở các trạm vệ tinh đặt tại các huyện dẫn đến việc theo dõi máy hỏng gặp khó khăn. Có ít nhiều kinh nghiệm từ những sáng kiến trước, trong hai năm 2004 và 2005, Trần Sơn Hải bắt tay ngay vào làm luôn 2 đề tài sáng kiến, kết quả là đã khắc phục được 2 nhược điểm trên của tổng đài trước sự thán phục của nhiều kỹ sư trong ngành. Theo Hải, trong số 4 đề tài sáng kiến đã làm, anh tâm đắc nhất là sáng kiến “Hệ thống quản lý cảnh báo tập trung”. Vì đề tài này cho phép nhân viên trực ca giao tiếp trực tiếp với tổng đài HOST – E10 để nhận các bản tin cảnh báo, sau đó phân tích và đưa ra bản tin bằng tiếng Việt, đặc biệt là có cả hệ thống chuông cảnh báo khi có sự cố cho nhân viên ca trực biết, tạo điều kiện thuận lợi hơn trong công tác vận hành và bảo dưỡng. Trước đó, chưa một kỹ sư nào trong tổ chuyển mạch nghĩ đến điều này, vì không ai biết tiếng Pháp. Hiện sáng kiến này đã áp dụng và đang phát huy hiệu quả.

 

CHÀNG TRAI NHIỀU KHÁT VỌNG

 

060419-kttd.jpg
Cùng đồng sự kiểm tra tồng đài - Ảnh: Quang Thuần
Trần Sơn Hải đang cùng một số cộng sự nghiên cứu 2 đề tài sáng kiến kỹ thuật cấp cơ sở. Ngoài sáng kiến “Hệ thống hoá thông tin giữa ba tổng đài” sẽ được xét duyệt trong đợt sơ kết thi đua 6 tháng đầu năm, Sơn cùng kỹ sư Ngô Quang Dũng ở tổ viba nội tỉnh (thuộc đài viễn thông Trung tâm) gấp rút hoàn thành đề tài “Hộp thư thông báo thông tin cáp máy” để trình “làng” vào cuối năm nay. “Hiện công việc nghiên cứu đã hoàn thành trên 90% khối lượng công việc, chúng ta đang thử nghiệm lại cho chắc ăn” – Hải tiết lộ. Đề tài sáng kiến kỹ thuật này  nhằm đơn giản hoá quá trình sửa chữa cáp hỏng thông qua một hộp thư thông báo. Khi công nhân dây máy đang sửa chữa một hộp cáp ngoại vi trên tuyến đường nào đó, muốn biết dây cáp này là thuê bao số mấy, ở tuyến dây nào, tình trạng máy hỏng, đề tài sáng kiến này cho phép nhân viên dây cáp có ngay kết quả tra cứu chỉ trong vòng 5 phút để có biện pháp sửa chữa kịp thời, giải quyết tình trạng ứ đọng thuê bao cố định của khách hàng bị hỏng trên phạm vi toàn tỉnh.

 

Đó là hai sáng kiến “ăn chắc” trong năm 2006. Hải có những dự định gì? Hải cho biết sẽ tiếp tục học và nghiên cứu để cho “ra lò” nhiều sáng kiến kỹ thuật mới, góp phần nâng cao năng suất lao động và chất lượng dịch vụ để phục vụ “thượng đế” ngày càng tốt hơn. Mình muốn trau dồi thêm kiến thức, để học tiếp lên cao học. Vì chỉ có kiến thức mới giúp mình có thêm nhiều sáng kiến. Mà sáng kiến thì không thể “lẹp xẹp” mãi ở cấp cơ sở mà phải vươn lên đến cấp tập đoàn (tổng công ty)” – Hải bộc bạch. Còn Phó Giám đốc Công ty Điện báo – Điện thoại tỉnh Phú Yên Bùi Viết Ấn nhận xét: “Các đề tài Trần Sơn Hải thực hiện đều rất thiết thực. Không chỉ làm giảm áp lực công việc của nhân viên, tăng năng suất lao động và giảm chi phí trong quá trình sản xuất – kinh doanh, các đề tài sáng kiến còn mang tính thống nhất bổ trợ cho nhau, giúp cả hệ thống thiết bị truyền dẫn vận hành một cách thông suốt”.                           

                                                                                   

Càng tiếp xúc với Trần Sơn Hải, tôi thấy anh không chỉ hoạt bát, năng động mà còn là một người giàu nghị lực, ham học hỏi. Và đây cũng là lời nhận xét của nhiều anh em kỹ sư ở Bưu điện tỉnh về anh.

 

Tôi tin rằng Trần Sơn Hải sẽ thực hiện được mơ ước của mình.

 

QUANG THUẦN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek