Theo đánh giá của Bộ Công Thương, diễn biến thị trường hiện còn nhiều phức tạp; tình trạng hàng giả, hàng nhái và hoạt động buôn lậu, vận chuyển, tàng trữ hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc… vẫn diễn ra ở nhiều địa phương. Do đó, các ngành chức năng, lực lượng quản lý thị trường các cấp cần nỗ lực hơn nữa để hoạt động sản xuất, thương mại, thị trường hàng hóa được diễn ra ổn định, lành mạnh.
Còn diễn biến phức tạp
Tại hội nghị trực tuyến sơ kết, đánh giá công tác quản lý thị trường được tổ chức mới đây, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh cho biết: Nửa đầu năm 2022, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra hơn 30.500 vụ việc; phát hiện, xử lý hơn 17.300 vụ vi phạm, chuyển cơ quan điều tra 54 vụ. Các lực lượng tập trung đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; kiểm tra các khu vực, địa bàn nổi cộm, các nhóm hàng hóa trọng điểm; kiên quyết xử lý hành vi vi phạm nhằm ổn định thị trường. Lực lượng của ngành cũng chủ động xây dựng phương án, kế hoạch đấu tranh, phối hợp kiểm tra, chú trọng ngăn chặn hành vi vi phạm ngay từ tuyến biên giới, trên đường biển, đường bộ, hàng không; nhất là hoạt động kinh doanh xăng dầu, hàng hóa thiết yếu và các mặt hàng vật tư y tế phòng, chống dịch COVID-19.
Báo cáo về công tác quản lý thị trường trên địa bàn tỉnh, ông Huỳnh Trang, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Phú Yên, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo 389 tỉnh cho hay: Từ đầu năm đến nay, các lực lượng chức năng của tỉnh đã phát hiện 950 vụ, xử lý 852 vụ vi phạm. Trong đó, lực lượng quản lý thị trường địa phương tổ chức kiểm tra, phát hiện, xử lý 484 vụ liên quan đến kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, trang thiết bị y tế phòng chống dịch, hoạt động mua bán hàng hóa qua mạng xã hội facebook, zalo...; xử lý vi phạm hành chính hơn 14 tỉ đồng, trị giá hàng hóa tịch thu chưa xử lý trên 11 tỉ đồng.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, diễn biến thị trường hiện còn nhiều phức tạp; tình trạng hàng giả, hàng nhái vẫn nhức nhối, công tác quản lý thị trường còn một số hạn chế như số vụ kiểm tra, phát hiện xử lý giảm so cùng kỳ 2021; hoạt động buôn lậu, vận chuyển, tàng trữ hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc, sản xuất, kinh doanh hàng giả… vẫn diễn ra ở nhiều địa phương. Nguyên nhân khách quan là do chính sách pháp luật còn thiếu đồng bộ, chồng chéo; địa bàn quản lý rộng nhưng lực lượng mỏng, đặc thù hoạt động của các cơ quan chức năng khá đơn lẻ, khó kiểm soát. Nguyên nhân chủ quan là do việc quản lý, giáo dục cán bộ ở nhiều đơn vị cơ sở chưa tốt; cán bộ lãnh đạo quản lý thiếu gương mẫu; công tác phối hợp, kiểm tra, giám sát, xử lý chưa nghiêm…
Kiểm soát thị trường cuối năm
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết: Bộ Công Thương đã ra công điện, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo giám sát, xử lý vi phạm liên quan đến các mặt hàng thiết yếu, xăng dầu… nhằm hạn chế ảnh hưởng đến cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường và cuộc sống của người dân. Bộ đã đề nghị lực lượng quản lý thị trường tăng cường giám sát, quản lý theo địa bàn, nhất là bình ổn giá và kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng thị trường biến động để thu lời bất chính.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Trưởng ban chỉ đạo 389 quốc gia cho rằng: Vụ việc liên quan đến hàng giả, gian lận thương mại, buôn lậu… có chiều hướng gia tăng, nhất là thời điểm từ nay đến cuối năm; quy mô, hình thức gian lận thương mại, buôn lậu cũng phức tạp hơn. Phó Thủ tướng yêu cầu các ngành chức năng, lực lượng quản lý thị trường tập trung lực lượng, phương tiện, biện pháp xử lý đối tượng chủ mưu, cầm đầu đường dây, ổ nhóm, tụ điểm phức tạp nhằm răn đe và phòng ngừa chung; kiểm tra, kiểm soát trên các tuyến hàng không, đường biển và đường bộ; làm tốt công tác phối hợp trong chia sẻ thông tin vụ việc. Tại các địa phương, lực lượng quản lý thị trường cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chú trọng truyền thông theo phương châm tăng cường về tần suất, đa dạng về hình thức, đảm bảo nội dung và chất lượng.
Về triển khai thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát thị trường từ đây đến cuối năm, ông Huỳnh Trang cho biết thêm: Cục Quản lý thị trường, các cơ quan chức năng của tỉnh phối hợp triển khai nhiệm vụ theo tinh thần chỉ đạo của cấp trên; tăng cường quản lý, nắm bắt tình hình của từng địa bàn, tuyến, lĩnh vực trọng điểm; tập trung nhân lực, phương tiện và chuẩn bị phương án đấu tranh, triệt phá các đường dây, đầu nậu, đối tượng buôn lậu có quy mô lớn; thường xuyên kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm về hàng nhập lậu, hàng giả, hàng cấm và một số vấn đề nổi cộm, vấn đề được người dân phản ánh, quan tâm... Từ nay đến cuối năm, các đơn vị cũng tiến hành kiểm tra, giám sát chặt chẽ các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu tích trữ, đầu cơ, găm hàng, gây biến động cung - cầu, giá cả hàng hóa; theo dõi tình hình biến động của thị trường hàng hóa phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân.
Nhận định Phú Yên cũng là địa bàn thường xuyên xảy ra các vụ vi phạm, vận chuyển hàng hóa trái pháp luật, vừa qua, Văn phòng Ban chỉ đạo 389 quốc gia đã làm việc, đề nghị các ngành chức năng, lực lượng quản lý thị trường Phú Yên chủ động nắm tình hình, xác định thông tin, triệt phá những đường dây, đối tượng gian lận; rà soát, kiến nghị, báo cáo với cơ quan có thẩm quyền để giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh, vi phạm xảy ra. |
VÕ PHÊ