Trong những năm gần đây, hoạt động chuyển đổi số (CĐS) có những bước tiến đáng ghi nhận. Nhiều doanh nghiệp (DN) đã nắm bắt cơ hội, ứng dụng các công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý sản xuất, kinh doanh, xem đây như giải pháp để thích nghi trong giai đoạn mới.
Đáp ứng nhu cầu thực tế
Hai năm qua, các DN trong tỉnh đối mặt với nhiều khó khăn thách thức khi dịch COVID-19 bùng phát kéo dài. Tuy nhiên, cũng chính trong bối cảnh đầy thách thức đó, làn sóng CĐS để thích nghi với tình hình mới lại được DN thúc đẩy mạnh mẽ. Cộng đồng DN đã chủ động, tích cực tìm hướng đi mới bằng cách áp dụng CĐS trong quản trị điều hành để duy trì hoạt động.
Là một DN sản xuất và cung cấp nước máy, thường xuyên giao tiếp với khách hàng, Công ty CP Cấp thoát nước Phú Yên đã mạnh dạn CĐS tất cả hoạt động. Đến nay, hầu hết lĩnh vực từ kinh doanh, dịch vụ khách hàng, vận hành kỹ thuật, hành chính văn phòng… ở DN này đều đã được số hóa. Công ty đã hoàn thiện hệ thống văn phòng điện tử, sử dụng hóa đơn điện tử. Toàn bộ hoạt động cung cấp dịch vụ nước đều thực hiện thông qua các ứng dụng trên nền tảng công nghệ số, hạn chế giao dịch thủ công, khách hàng không cần phải thanh toán hóa đơn nước hàng tháng bằng tiền mặt như trước.
Theo ông Nguyễn Tấn Thuần, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Cấp thoát nước Phú Yên, giai đoạn đầu, quá trình thực hiện chủ yếu dựa theo nhu cầu thực tế công việc và khách hàng nhưng sau đó, công ty thực sự nhận ra tiện ích từ CĐS. Vì vậy, ban điều hành công ty rà soát lại nguồn lực nội bộ bao gồm hạ tầng về dữ liệu, nhận thức của người lao động, nguồn lực tài chính… để gia tăng hiệu quả quản lý, vận hành. CĐS đã hỗ trợ tích cực cho các hoạt động, giúp nâng cao hiệu quả kinh doanh tại đơn vị và nhận được sự hài lòng của khách hàng.
Tại Công ty CP An Hưng, CĐS được áp dụng vào công tác tổ chức hành chính cũng như các khâu trong hoạt động sản xuất. Bà Bùi Thị Kim Son, Trưởng phòng Tổ chức nhân sự công ty này cho biết: Đi cùng xu thế của thời đại, công ty không thể nằm ngoài cuộc cách mạng 4.0. Nhiều phần mềm hiện đại được doanh nghiệp ứng dụng vào hệ thống sản xuất như sử dụng phần mềm Lectra để nhập mẫu rập, nhả size, đi sơ đồ; phần mềm Opkitex… đã giúp nâng cao hiệu quả công việc, tăng khả năng cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu của các đơn hàng nước ngoài. Thời gian gần đây, việc tổ chức các cuộc họp bằng hình thức trực tuyến cũng giúp anh em trong hệ thống thuận tiện hơn khi trao đổi công việc, nhất là đối với nhà máy tại các huyện.
Hỗ trợ doanh nghiệp
Những năm qua, các ngành, địa phương trong tỉnh đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng chính quyền điện tử, ứng dụng công nghệ tin học vào các nội dung vận hành tổ chức và đã đạt được những kết quả khả quan, trong đó có việc hỗ trợ các DN.
Tại TX Đông Hòa, việc hỗ trợ DN CĐS được thực hiện mạnh mẽ. Theo UBND TX Đông Hòa, địa phương đang tăng cường cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 liên quan đến hoạt động của DN. Các xã, phường, phòng ban hỗ trợ, triển khai ứng dụng gửi nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan Nhà nước với DN; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh thuận lợi.
Còn theo Sở TT-TT, để nâng cao nhận thức về CĐS của các cá nhân, DN, đơn vị thường xuyên tổ chức các hội thảo, tập huấn về công nghệ số; gần đây nhất là hội nghị “CĐS - câu chuyện thực tế” dành cho các DN. Sở cũng thường xuyên kết nối với các DN chuyên về công nghệ để tạo cơ hội phát triển đột phá và bền vững trong kỷ nguyên số cho các DN trên địa bàn tỉnh; xây dựng các mô hình hỗ trợ CĐS cụ thể trên các lĩnh vực, ngành nghề để thông báo rộng rãi cho DN biết và đăng ký tham gia.
Vừa qua, UBND tỉnh cũng đã ban hành kế hoạch hỗ trợ các DN nhỏ và vừa trong việc thực hiện CĐS đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh và quản trị thông qua việc sử dụng các nền tảng số. Theo đó, các ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tìm kiếm, đánh giá, lựa chọn các DN tiềm năng, ưu tiên lĩnh vực sản xuất, chế biến, nông nghiệp, du lịch… để hỗ trợ. Ông Võ Đình Tiến, Giám đốc Sở KH-ĐT cho biết: CĐS là nhu cầu cấp thiết của các DN hiện nay. Sở KH-ĐT vừa phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan nghiên cứu, thực hiện các nội dung đề nghị của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về việc đánh giá thực trạng và khảo sát nhu cầu CĐS của cộng đồng DN trên địa bàn tỉnh. Qua đó, VCCI có cơ sở tổng hợp, đề xuất những giải pháp với Chính phủ cũng như triển khai xây dựng bộ công cụ hỗ trợ, thúc đẩy CĐS trong cộng đồng DN trong năm 2022 và những năm tiếp theo. Đây cũng là một hoạt động thực hiện Chỉ thị 01/CT-TTg ngày 14/1/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy phát triển DN công nghệ số Việt Nam.
Theo kế hoạch hỗ trợ các DN nhỏ và vừa trong việc thực hiện CĐS của UBND tỉnh, đến năm 2025, Phú Yên phấn đấu có tối thiểu 200 người/năm được cập nhật thông tin và nâng cao nhận thức về CĐS cho DN thông qua các hội thảo, khóa đào tạo, tập huấn, được kết nối với các DN cung cấp nền tảng CĐS; hỗ trợ tối thiểu 100 DN/năm thử nghiệm các nền tảng số. |
NHƯ THANH