Liên kết sản xuất với các đơn vị, doanh nghiệp là cách các HTX giúp tiêu thụ nông sản cho thành viên. Từ đây, HTX có điều kiện hoàn thiện chuỗi giá trị nông nghiệp.
Ổn định đầu ra
Với các HTX chưa chủ động đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp của bà con thì liên kết là con đường hiệu quả nhất giúp tiêu thụ ổn định. Ông Võ Văn Dị, Giám đốc HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Phú (huyện Tây Hòa), cho biết: HTX liên kết với Công ty CP Phát triển công nghệ sinh học Phú Yên trồng bắp trên diện tích 10ha. Không chỉ được công ty hỗ trợ cung cấp giống mà khi thu hoạch còn được bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá ổn định từ 900-1.100 đồng/kg tùy thời điểm thị trường. Theo hợp đồng, công ty sẽ thu mua ổn định trong thời gian 5 năm. “Giá cả trên thị trường thay đổi liên tục, người sản xuất luôn gặp khó trong tiêu thụ vì không biết bán cho ai. Việc HTX liên kết với công ty đã giải được bài toán khó về giá và đầu ra cho nông sản”, ông Dị bày tỏ.
HTX Dịch vụ nông nghiệp Hòa Trị 2 (huyện Phú Hòa) duy trì liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp trong 10 năm nay. Từ đây giúp HTX tiêu thụ được trên 1.000 tấn lúa/năm. Theo ông Nguyễn Hữu Hồng, Giám đốc HTX này, đơn vị đã liên kết sản xuất lúa giống trên diện tích 150-200ha/năm và bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch với nhiều công ty, đơn vị trong và ngoài tỉnh như các trung tâm giống, Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ… Cái lợi lớn nhất khi liên kết là sản phẩm được bao tiêu ổn định, bà con không phải lo đầu ra.
Với HTX Nông nghiệp An Ninh Tây (huyện Tuy An) cũng vậy, trong những năm qua, nhờ hợp đồng với Công ty TNHH Giống cây trồng Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) mà hàng năm HTX bán được 100 tấn lúa giống cấp xác nhận. Ông Nguyễn Hoàng Phố, Giám đốc HTX này cho biết: Sản xuất lúa giống là dịch vụ lâu năm của HTX. Nhiều năm trước cũng thông qua liên kết với các đơn vị chuyên môn mà HTX đã chuyển giao thành công quy trình sản xuất lúa giống theo mô hình giống nông hộ cho bà con. Nay cũng nhờ liên kết mà HTX và bà con bán được sản phẩm. “Có đối tác thu mua là có thêm kênh tiêu thụ nên bà con yên tâm sản xuất. Nông sản sau thu hoạch cũng không bị thị trường tự do ép giá”, ông Phố khẳng định.
Không chỉ liên kết sản xuất trên cây lúa, HTX Dịch vụ nông nghiệp Hòa Quang Nam (huyện Phú Hòa) còn thực hiện với cây bắp, cây đậu phộng… “HTX đã liên kết với Công ty TNHH Kinh doanh xuất nhập khẩu Vạn Thắng trồng cây bắp lai CP333 và CP111 trên diện tích 20ha. Sau thu hoạch, công ty thu mua toàn bộ. HTX cũng ký hợp đồng với Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ sản xuất đậu phộng thương phẩm với diện tích 3,5ha và kết hợp bao tiêu sản phẩm luôn”, ông Phan Văn Thuận, Giám đốc HTX này cho biết.
Sản xuất bền vững
Cũng theo ông Phan Văn Thuận, liên kết sản xuất không chỉ giúp bà con được bao tiêu mà còn góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng cũng như khai thác được tiềm năng đất đai, giúp duy trì sản xuất cả trong điều kiện thời tiết bất thường. Với HTX, đây còn là tiền đề để thực hiện chuỗi liên kết, gia tăng giá trị nông sản. “Hiện sản phẩm gạo hữu cơ của HTX đã có mặt trên thị trường. Để có được kết quả này, HTX mất nhiều năm hoàn thiện quy trình từ sản xuất lúa giống đến áp dụng quy trình làm lúa hữu cơ và đầu tư công nghệ chế biến, khử lẫn… Trong suốt quá trình này, HTX luôn có sự đồng hành của các công ty, đơn vị thông qua hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Từ kinh nghiệm trên cây lúa, HTX luôn tích cực đẩy mạnh liên kết trên các cây trồng khác để tạo tiền đề hoàn thành chuỗi giá trị hướng tới sản xuất nông nghiệp bền vững”, ông Thuận nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Hoàng Phố, Giám đốc HTX Nông nghiệp An Ninh Tây, chia sẻ thêm: Nhờ liên kết, HTX đã duy trì được diện tích sản xuất lớn, đưa cơ giới hóa và tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng. Đây là những điều kiện cơ bản để HTX tiến tới xây dựng thương hiệu sản phẩm gạo chất lượng cao, hoàn thành chuỗi giá trị nông sản bền vững trên cây lúa. Hiện HTX tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và được hỗ trợ kinh phí mua máy móc hoàn thiện quy trình. HTX trực tiếp chào hàng và bán sản phẩm nên sẽ thu mua toàn bộ sản lượng cho thành viên.
Ông Lê Thanh Lam, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: Không phải bây giờ mà nhiều năm trước các HTX đã tích cực liên kết sản xuất để được hỗ trợ về giống, phân bón cũng như kỹ thuật tiên tiến, hơn hết là được bao tiêu sản phẩm. Nhiều HTX nhờ những hợp đồng liên kết này mà duy trì tốt sản xuất, từng bước nâng cao hoạt động, tích lũy đủ cơ sở vật chất, vốn và kinh nghiệm tiến tới tiếp cận công nghệ chế biến, xây dựng thương hiệu sản phẩm. Gần đây, cùng với OCOP, nhiều HTX chủ động tiếp cận thị trường bằng sản phẩm độc quyền nên đã trực tiếp liên kết với thành viên để tiêu thụ nông sản. Bên cạnh đó, các HTX vẫn duy trì tốt hợp đồng liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp; tạo thêm kênh thu mua nông sản cho bà con.
Giá cả trên thị trường thay đổi liên tục, người sản xuất luôn gặp khó trong tiêu thụ vì không biết bán cho ai. Việc HTX liên kết với công ty đã giải được bài toán khó về giá và đầu ra cho nông sản.
Ông Võ Văn Dị, Giám đốc HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Phú |
BẠCH VÂN