Ô Loan là đầm nước lợ, có diện tích mặt nước gần 1.570ha, hàng năm mang lại thu nhập đáng kể cho ngư dân. Tuy nhiên, thắng cảnh quốc gia này đang bị xâm hại bởi tình trạng lấn chiếm, khai thác thủy sản hủy diệt, gây ô nhiễm môi trường.
UBND huyện Tuy An đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt xử lý tình trạng lấn chiếm mặt nước, đánh bắt hủy diệt để trả lại nguyên trạng thắng cảnh quốc gia. Thế nhưng không ít người vẫn còn lén cắm cọc tre, giăng lưới mùng dưới đầm để bắt ốc cháy, ngăn dòng chảy…
Lưới mùng, cọc tre bủa vây
Người dân nuôi tôm hùm ở huyện Tuy An, TX Sông Cầu và Đông Hòa lựa chọn ốc cháy để làm nguồn thức ăn chính cho tôm nuôi. Đây là một trong những nguyên nhân khiến nhu cầu tiêu thụ ốc cháy tăng mạnh. Nhiều người dân các xã An Cư, An Ninh Đông, An Hiệp và An Hòa Hải (huyện Tuy An) sinh sống ven đầm Ô Loan tìm mọi cách để khai thác, bắt ốc cháy.
Ốc cháy thường sống bám vào bờ đá thành từng mảng giống như cơm cháy. Trước đây, người dân khai thác theo cách truyền thống là nạy từng mảng ốc bám bờ đá và các vật khác để bán cho người nuôi tôm hùm. Gần đây, nhu cầu thị trường mua ốc cháy cho tôm hùm ăn tăng mạnh nên nhiều người cắm que đăng, thả lưới mùng để ốc cháy bám vào rồi thu hoạch bán cho thương lái.
Bà Bùi Thị Hạnh ở xã An Hiệp cho hay: Vừa qua, nhiều người trúng ốc cháy. Trong đó có người đầu tư thả lưới mùng, khi ốc cháy bám dày, họ kéo lưới lên trải trên bờ rồi dùng dao cùn dạt lấy ốc. Bình quân mỗi ngày, một lao động khai thác được từ 120-150kg. Ốc cháy được bán với giá 8.000 đồng/kg, cao gấp 2 lần so với năm trước và là giá bán cao nhất từ trước đến nay, do vậy ngày công lao động khai thác ốc cháy từ 1-1,2 triệu đồng.
Việc nhiều người lấn chiếm mặt nước trái phép để thả lưới mùng nuôi ốc cháy cản trở hoạt động lưu thông của ghe thuyền và ảnh hưởng cảnh quan tại di tích thắng cảnh cấp quốc gia đầm Ô Loan. Đi dọc bờ đầm từ An Hiệp qua An Cư rồi qua An Ninh Đông, nhìn ra đầm đâu đâu cũng thấy cắm cọc tre, giăng lưới mùng để bắt ốc cháy, vẹm như bãi chông dưới đầm, nhức cả mắt.
Theo ông Trần Văn Tiến ở xã An Cư, cồn Phú Sơn (An Ninh Đông), xóm Đá (An Cư) là vùng nước cạn nằm gần bờ. Đến mùa sinh sản, tôm đất vào vùng nước cạn này để rạy (sinh sản - PV). Nhưng do lưới mùng bắt ốc cháy giăng kín, tôm mẹ không vào được nên rạy ngoài xa bị các loại thủy sản lớn ăn hết; sò huyết cũng không vào được vùng nước nhiều bùn để rạy nên gần như mất dạng.
Bảo vệ kho báu của đầm
Lưới mùng giăng kín ngăn dòng chảy, cộng với rác thải quanh đầm làm cho nước đầm Ô Loan thường xuyên bị ô nhiễm. Theo anh Trương Văn Long, xã An Cư, tình trạng người dân giăng lưới nuôi ốc cháy, đổ rác thải xuống đầm xảy ra đã lâu. Trước đây, ngành chức năng đã phối hợp với chính quyền địa phương xử lý bằng cách cưỡng chế những hộ vi phạm tháo dỡ lưới, nhổ cọc tre, bởi đây là hình thức đánh bắt thủy sản bị ngành chức năng cấm. Tuy nhiên, giải tỏa được một thời gian thì tình trạng trên tái diễn.
Cách đánh bắt thủy sản giăng lưới, cắm cọc tre làm cho các loại thủy sản không thể sinh sôi, mất nguồn lợi quý giá của đầm. Những tấm lưới giăng kín mặt nước còn chặn đường đi lại của ghe, sõng để đánh bắt, khai thác thủy sản theo cách truyền thống. Cũng do hám lợi trước mắt, người này làm được thì người khác cũng làm, cứ vậy càng ngày lưới càng giăng kín mặt đầm.
Sẩm tối, ông Phan Văn Dũng ở xã An Cư bơi sõng ra đầm đi đóng chấn. Vừa treo đèn dầu lên cây chấn, ông buồn rầu nói: Đóng chấn là nghề truyền thống. Trước đây, chúng tôi không chỉ đóng chấn vào ban đêm mà còn ngâm chấn ban ngày. Gần đây mà ngâm lâu như vậy là rong giẻ bám đầy. Do nước đầm bị ô nhiễm nên rong nổi lên nhiều, sáng tôi phải cuộn chấn lại treo lên cây rồi tối mới đóng. Đầm Ô Loan là kho báu với nguồn lợi thủy sản vô cùng giá trị như sò huyết, cua gạch, tôm đất, lịch huyết… không nơi nào bằng. Nếu người dân sống quanh đầm có ý thức bảo vệ thì cua, sò, cá, tôm… sẽ sinh sôi trở lại.
Theo ông Nguyễn Trọng Hùng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tuy An, UBND huyện đã giao UBND các xã ven đầm phối hợp với ngành chức năng triển khai ngăn chặn, xử lý, buộc người vi phạm tháo dỡ lưới, nhổ cọc tre trả lại mặt bằng tự nhiên cho đầm Ô Loan. Trước đó, UBND huyện tổ chức ra quân giải tỏa, thu hồi lờ bóng Thái Lan, lưới mùng, cọc tre cắm dưới đầm. Đoàn kiểm tra đã tháo dỡ trên 3.000 hàng cọc tre, còn người dân tự tháo dỡ 60 hàng cọc. Cùng với đó, đoàn thu 4.173 lờ bóng Thái Lan…
Ngành chức năng huyện Tuy An cần can thiệp mạnh mẽ hơn với những giải pháp thiết thực để ngăn chặn nạn đánh bắt thủy sản hủy diệt ở đầm Ô Loan. Cùng với đó, cần có chính sách bảo vệ rừng ngập mặn ở khu vực này. Rừng ngập mặn sẽ mang lại hệ sinh thái phong phú cho đầm. Nếu loại bỏ các loại hình đánh bắt xâm hại thì mặt đầm Ô Loan sẽ rộng rãi, nước trong xanh, các loại thủy hải sản hồi sinh, người dân địa phương được hưởng lợi lâu dài và bền vững.
TS Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT |
MẠNH LÊ TRÂM