Cùng với sự phát triển của KH-CN, những năm gần đây, ngành Nông nghiệp đã tăng cường ứng dụng nhiều loại máy móc, thiết bị tự động hóa trong sản xuất nông nghiệp. Điều này đã góp phần đáng kể trong việc giảm chi phí và nâng cao hiệu quả sản xuất. Đặc biệt, trong đó phải kể đến việc ứng dụng thiết bị máy bay không người lái (drone).
Áp dụng kỹ thuật mới
Vụ hè thu năm 2022, Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với HTX Dịch vụ nông nghiệp Hòa Quang Bắc (huyện Phú Hòa) triển khai mô hình sản xuất lúa chất lượng với diện tích 17ha. Trong đó thực hiện thí điểm lồng ghép việc ứng dụng thiết bị drone với diện tích 4ha. Đây là lần đầu tiên xã Hòa Quang Bắc trình diễn ứng dụng thiết bị 3 trong 1 dùng để gieo sạ, rải phân và phun thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình sản xuất cây lúa nên thu hút đông đảo bà con nông dân ở địa phương tham gia. Ông Nguyễn Năm ở xã này phấn khởi nói: “Theo dõi, tìm hiểu suốt buổi trình diễn, tôi thấy kỹ thuật phun giống, rải phân và phun thuốc trên đồng ruộng bằng thiết bị bay không người lái rất tiện lợi và hiện đại. Trong các mùa vụ tới, chúng tôi sẽ đăng ký áp dụng kỹ thuật phun mới này trong sản xuất”.
Bà Nguyễn Thị Thúy Hằng, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Hòa Quang Bắc cho hay: Việc phun trình diễn giống với diện tích 4ha lần này, Tập đoàn Lộc Trời hỗ trợ phun miễn phí cho bà con nông dân. Việc áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất lúa của địa phương bước đầu rất được người dân đồng tình ủng hộ vì giảm được chi phí sản xuất. Với thiết bị này, nếu như gieo sạ giống theo truyền thống thì 1 sào (500m2) sẽ tốn 40.000 đồng, còn đối với việc áp dụng công nghệ này chỉ tốn 25.000 đồng. Hơn nữa, nếu sạ tay, bà con sử dụng lượng giống lúa từ 10-12kg/sào, còn sạ bằng thiết bị drone thì chỉ 5kg/sào. Ngoài ra, việc phun thuốc, rải phân bằng công nghệ này góp phần bảo vệ sức khỏe nông dân, giảm ô nhiễm môi trường vì toàn bộ vỏ chai thuốc qua sử dụng được thu gom tập trung và bỏ vào nơi quy định để xử lý, không xả thải ra môi trường.
Trước đó, vụ đông xuân 2021-2022, Tập đoàn Lộc Trời đã ký hợp đồng với các hộ nông dân, HTX thực hiện phun thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị drone tại các huyện Tây Hòa, Phú Hòa và TX Đông Hòa với diện tích 81,2ha. Ông Phạm Văn Dưỡng ở xã Hòa Phong, huyện Tây Hòa, cho biết. “Việc sử dụng thiết bị drone để phun thuốc giúp nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm thời gian và giảm thiểu độc hại với sức khỏe chúng tôi. Bình quân một sào, tính hết các khâu, tôi mất gần một tiếng đồng hồ để phun thuốc trừ sâu bệnh. Còn khi áp dụng phun bằng thiết bị drone, 1ha chỉ mất khoảng 15 phút, không có dấu chân trên ruộng, giảm chi phí, sức lao động”.
Tiếp tục đẩy mạnh cơ giới hóa
Theo Sở NN-PTNT, việc ứng dụng cơ giới hóa bước đầu đã giúp giải phóng sức lao động của con người, đảm bảo đúng thời vụ, tiết kiệm thời gian và chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế. Tại Phú Yên, cơ giới hóa được ứng dụng ở một số khâu trong quá trình sản xuất và ở một số loại cây trồng trọng tâm như lúa, mía, sắn. Để tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất, ngành Nông nghiệp đã và đang tích cực đầu tư, hỗ trợ, chỉ đạo các đơn vị, địa phương phối hợp với các công ty sản xuất, cung ứng máy nông nghiệp hỗ trợ nông dân mua máy móc, thiết bị cơ giới hóa. Ngoài ra, ngành Nông nghiệp đã và đang triển khai rất nhiều mô hình cơ giới hóa vào sản xuất như mô hình hỗ trợ máy xắt cỏ, mô hình máy làm đất đa năng, mô hình hỗ trợ công cụ gieo hạt và tưới nước cho cây trồng trên cạn... Qua đó giúp người dân tiếp cận với nhiều loại thiết bị cơ giới hiện đại, hiệu quả để chuyển đổi phương thức canh tác, đẩy mạnh cơ giới hóa vào sản xuất ở tất cả các khâu.
Gia đình bà Nguyễn Thị Liễu ở xã Suối Bạc, huyện Sơn Hòa trồng gần 0,5ha cỏ voi và nuôi 8 con bò theo hình thức nuôi nhốt. Trước khi chưa có máy xắt cỏ, cỏ cho bò ăn chủ yếu là phần lá và thân mềm. Sự hỗ trợ đắc lực của chiếc máy xắt cỏ đã giúp gia đình bà tận dụng triệt để cả phần thân cứng của cây cỏ voi làm thức ăn cho bò. Máy có khả năng băm nhỏ và nghiền phần thân cứng phía dưới thành từng miếng nhỏ giúp đàn bò ăn hết thức ăn. Phần cỏ băm ra còn có thể sử dụng để ủ chua, dự trữ thức ăn cho mùa khô nóng. “Từ ngày được Trung tâm Khuyến nông hỗ trợ kinh phí mua máy xắt cỏ này, việc chăn nuôi của gia đình đạt hiệu quả cao hẳn. Lưỡi dao băm khỏe, sắc bén giúp tôi tận dụng được cả phần thân xơ cứng, thay vì bỏ đi, tiết kiệm được thời gian và công lao động hơn rất nhiều”, bà Liễu phấn khởi nói.
Theo ông Trương Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới hiện nay. Các mô hình ứng dụng cơ giới hóa đã góp phần thay đổi tập quán sản xuất từ phương thức thủ công sang sản xuất bằng máy móc, giúp tiết kiệm được thời gian lao động cũng như nguồn nhân lực sản xuất. Do đó, thời gian tới, trung tâm sẽ tiếp tục xây dựng các mô hình trình diễn về cơ giới hóa đồng bộ sản xuất nông nghiệp, trước tiên là với thâm canh lúa, mía, sắn ở những vùng sản xuất tập trung, hàng hóa. Từ đó giúp bà con thay đổi tập quán canh tác thủ công sang sản xuất bằng máy móc, thiết bị tiên tiến, hiện đại, giảm chi phí sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế.
Hiện nay, các địa phương trong tỉnh đã ứng dụng cơ giới hóa trên cây lúa từ khâu làm đất, thu hoạch đạt trên 90%. Khâu gieo giống, phun thuốc bảo vệ thực vật, bón phân trên lúa thì mới triển khai mô hình thiết bị bay không người lái. Đối với cây mía, sắn, các địa phương đã áp dụng cơ giới hóa khâu làm đất đạt trên 70%, nhưng khâu thu hoạch đối với cây mía dưới 10%. Do đó, thời gian tới, ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp trên cây lúa ở khâu gieo giống, phun thuốc bảo vệ thực vật và bón phân; còn cây mía thì tăng cường khâu thu hoạch.
Ông Đào Lý Nhĩ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT |
NGỌC HÂN