Huyện Tây Hòa có diện tích sản xuất lúa lớn nhất tỉnh với trên 6.500ha. Tuy nhiên, giá trị kinh tế mà cây lúa mang lại cho người dân chưa cao. Để giải quyết bài toán này, địa phương này đầu tư phát triển sản phẩm lúa, gạo theo hướng chuỗi liên kết, trong đó chú trọng việc xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm lúa, gạo Tây Hòa.
Từng bước nâng cao giá trị cây lúa
Tại xã Hòa Phong (huyện Tây Hòa), HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Phong (HTX Hòa Phong) đã đăng ký và được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) cấp giấy chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu tập thể gạo Tây Hòa.
Để phát triển nhãn hiệu này, HTX Hòa Phong liên kết với Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm xây dựng quy trình trồng, chăm sóc lúa theo hướng sản xuất lúa hữu cơ, tạo ra sản phẩm gạo sạch bán ra thị trường. Bên cạnh đó, HTX cũng thực hiện dán mã QR code để người dùng có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Ông Lương Công Xem, Phó Giám đốc HTX Hòa Phong, cho biết: “Trước khi làm, bà con trong vùng quy hoạch được tập huấn hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, bón phân theo hướng hữu cơ, không sử dụng các loại phân vô cơ, các loại thuốc trừ sâu. Nguồn lúa này sản xuất gạo sạch để phục vụ cho người tiêu dùng”.
Hiện nay, HTX Hòa Phong có 2ha trên tổng số 10ha diện tích đã được quy hoạch trồng lúa theo quy trình lúa hữu cơ. Từ năm 2020 đến nay, HTX thu mua lúa trồng theo hướng hữu cơ để xay gạo bán ra thị trường. Trong vụ lúa đông xuân 2022 vừa qua, HTX đã tiến hành thu mua hơn 5 tấn lúa hữu cơ từ nông dân để sản xuất gạo sạch.
Có nhãn hiệu, lúa tươi hữu cơ sau khi thu hoạch được bao tiêu với giá cao, bằng với giá lúa khô thông thường, giúp người dân yên tâm sản xuất, nâng cao thu nhập. Ông Huỳnh Tấn Nghĩa ở xã Hòa Phong cho biết: “Tôi là người đầu tiên sản suất lúa theo quy trình hữu cơ. Sau khi thành công, tôi vận động người dân làm theo, giảm chi phí đầu tư, yên tâm phần tiêu thụ sản phẩm sau thu hoạch, không lo bị tư thương ép giá”.
HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Phong giới thiệu sản phẩm gạo Tây Hòa. Ảnh: LỆ VĂN |
Xây dựng thương hiệu gạo Tây Hòa
Không chỉ ở xã Hòa Phong, huyện Tây Hòa đang xây dựng và xác lập nhãn hiệu tập thể cho hai sản phẩm lúa gạo của xã Hòa Mỹ Tây và Hòa Tân Tây. Sản phẩm gạo của hai địa phương này sẽ phát triển theo hướng gạo chất lượng cao với tính chất dẻo, thơm. Mặt khác, UBND huyện Tây Hòa cũng hỗ trợ về vốn, bao bì, phát triển thị trường cho các sản phẩm này nhằm nâng tầm lúa, gạo địa phương.
Ông Nguyễn Dũng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tây Hòa cho biết: “Để sản phẩm gạo sạch được sản xuất trong điều kiện ổn định, giá thành cao và nằm trong chuỗi liên kết xây dựng nông thôn mới, huyện sẽ hỗ trợ kinh phí (từ nguồn xây dựng nông thôn được phân bổ từ trung ương), tạo điều kiện tốt nhất có thể cho các địa phương nhằm sản xuất và xây dựng thương hiệu gạo sạch”.
Theo ông Nguyễn Đức Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN-PTNT), trong một thời gian dài, hoạt động của các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh chỉ dừng lại ở triển khai lịch thời vụ, tổ chức dịch vụ phục vụ cơ bản đầu vào, chưa tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và tiêu thụ sản phẩm. Những năm trở lại đây, một số HTX đã nâng tầm hoạt động, trở thành đơn vị đại diện tạo thương hiệu tập thể cho hạt lúa địa phương. Tuy số lượng HTX xây dựng thương hiệu độc quyền gắn với sản phẩm lúa giống, gạo chất lượng cao còn ít nhưng đây sẽ là những điển hình tạo động lực để các HTX khác làm theo. “Thời gian tới, cùng với các chương trình hỗ trợ như liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị từ Nghị định 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ và Nghị quyết 10/2020/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, các HTX sẽ có thêm nguồn lực nâng cao hoạt động, xây dựng thương hiệu lúa, gạo”, ông Thắng nói.
Còn theo ông Dương Bình Phú, Giám đốc Sở KH-CN, việc xây dựng nhãn hiệu cho hạt gạo là xu hướng phát triển phù hợp với thị trường hiện nay. Người nông dân sẽ rất vui khi bước vào siêu thị thấy lúa gạo do mình cày cấy được bày bán ngang hàng với gạo Thái Lan, Singapore. “Nhãn hiệu không chỉ giúp sản phẩm lúa gạo định hình về chất lượng, loại bỏ được phương thức sản xuất kém chất lượng trước đây, mà còn đưa lúa, gạo thành sản phẩm nông sản có giá trị và chỗ đứng trên thị trường, cũng như thúc đẩy việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và KH-CN vào sản xuất. Điều này vừa mang lại lợi ích cho nông dân trồng lúa, vừa ổn định an ninh lương thực, hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững”, Giám đốc Sở KH-CN nhấn mạnh.
LỆ VĂN - LÂM HOÀN