Đang mùa thu hoạch rộ nhưng nông dân trồng dưa hấu đang đối mặt với tình trạng dưa rớt giá, rẻ như cho. Ròng rã 3 tháng trời ăn ngủ ở chòi với dưa, giờ dưa bán không ai mua, họ chờ… “giải cứu”.
Với tinh thần “Nâng niu giá trị nông sản Việt - Kết nối nông sản - San sẻ yêu thương - Vượt qua đại dịch”, các cấp Hội Nông dân đã đứng ra kết nối nhiều tổ chức, cá nhân cùng vào cuộc để giúp nông dân tiêu thụ nông sản.
Bán cũng lỗ, không bán càng lỗ
Đã hết tháng Giêng, nắng trải vàng mỗi ngày nhưng cái lạnh vẫn hiện diện trong từng đợt gió trên những ruộng dưa ở huyện miền núi Sơn Hòa. Cả một vùng gò đồi ở xã Krông Pa, những trái dưa hấu mình tròn nằm trải dài trên ruộng chờ thương lái đến mua. “Vợ chồng tôi thuê 6 sào đất ở xã Krông Pa này để trồng dưa hấu. Trung bình mỗi sào thu hoạch được khoảng 2 tấn trái. Nếu bán với giá dưa hiện nay là 2.000 đồng/kg, trừ chi phí xong, chúng tôi lỗ trên 10 triệu đồng”, bà Nguyễn Thị Thanh ở xã Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân) buồn rầu nói.
Trong tình cảnh tương tự, ruộng dưa của ông Bùi Văn Tấn ở xã Sơn Hội (huyện Sơn Hòa) cũng thua lỗ. Ông Tấn cho biết: Cùng thời điểm này mấy năm trước, trồng 1ha dưa hấu lãi trên 100 triệu đồng. Nay giá hạ, người trồng dưa ai cũng lỗ.
Ông Phan Văn Lâm ở xã Xuân Phước (huyện Đồng Xuân) đến xã Ea Chà Rang (huyện Sơn Hòa) thuê đất trồng dưa, nói: Tôi trồng giống dưa đen trái to bán ra nước ngoài, còn dưa rằn trái nhỏ hơn bán trong nước. Thương lái đến hỏi mua, họ phân ra 2 loại: loại 1, dưa đạt 4kg/trái trở lên mua với giá 2.200 đồng/kg, còn loại 2, dưa 3kg/trái, họ mua 2.000 đồng/kg. Chưa kể, nhiều thương lái còn chê dưa bị sâu cạp, xốp ruột…, bớt tiền.
Hàng năm nông dân trong tỉnh trồng hơn 800ha dưa hấu, năng suất bình quân 40 tấn/ha. Hai năm nay, do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, giá dưa rất thất thường. Đầu năm 2021 giá bán 6.000-7.000 đồng/kg, thương lái lùng sục mua nhưng không có dưa bán. Rồi bất ngờ thị trường Trung Quốc không nhập nữa, giá dưa rớt thê thảm, xuống còn 2.000 đồng/kg. Riêng năm nay, đầu vụ giá 2.200 đồng/kg, giờ hạ xuống khoảng 1.500 đồng/kg…
Hội Nông dân tỉnh và Bưu điện tỉnh phối hợp tiêu thụ dưa hấu giúp bà con nông dân ở xã Hòa Hội. Ảnh: NGỌC HÂN |
Hơn 1.000 tấn dưa hấu được tiêu thụ
Trước tình cảnh khó khăn của người trồng dưa, các cấp Hội Nông dân đã đứng ra kết nối nhiều tổ chức, cá nhân cùng vào cuộc để giúp nông dân tiêu thụ nông sản.
Gần một tuần qua, chị Lê Thị Hoa, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Hội, huyện Phú Hòa đến từng ruộng, nắm lại danh sách các hộ trồng dưa hấu đang thời kỳ thu hoạch. Sau khi thống kê tình hình sản lượng, thời điểm thu hoạch của từng hộ, chị Hoa báo cáo lên Hội Nông dân huyện, tỉnh để có kế hoạch tiêu thụ nông sản giúp bà con. Chị Hoa cho hay: “Hơn 30 hộ dân ở xã Hòa Hội đang vào vụ thu hoạch dưa hấu với diện tích canh tác hơn 70ha nhưng không tiêu thụ được. Nguyên nhân là do dịch bệnh COVID-19, cửa khẩu đóng, dưa không xuất bán sang Trung Quốc được nên thương lái không đến thu mua. Để đảm bảo quyền lợi cho bà con, chúng tôi đang nỗ lực kết nối với các tổ chức, cá nhân cùng vào cuộc để giúp nông dân tiêu thụ dưa hấu”.
Sau hơn 3 tháng miệt mài chăm sóc, đổ hết vốn vào vụ dưa này, 2,5ha dưa hấu đang đến thời điểm chín rộ của gia đình chị Võ Thị Hà Thu ở thôn Phong Hậu, xã Hòa Hội vẫn chưa tiêu thụ được. Theo chị Thu, cả tuần qua, giá dưa ở vùng này chỉ quanh quẩn ở mức 1.000-2.000 đồng/kg mà vẫn không có ai mua khiến bà con nông dân không khỏi lo lắng. “Đang loay hoay không biết xử lý sao thì nhận được lời đề nghị hỗ trợ tiêu thụ dưa hấu của Hội Nông dân. Đến giờ, gia đình tôi đã bán được 4 tấn dưa hấu với giá 2.000 đồng/kg. Dù giá không cao nhưng như vậy là mừng rồi vì ít nhiều cũng thu hồi được một phần vốn đã bỏ ra”, chị Thu nói.
Còn theo anh Lê Tấn Phúc ở thôn Nhất Sơn, xã Hòa Hội, những năm trước đây, dưa hấu trồng đến kỳ thu hoạch đều có thương lái đến thu mua tại ruộng. Bình quân 1ha đất trồng dưa, sau khi trừ chi phí, gia đình anh kiếm được 30-40 triệu đồng, nếu gặp giá cao có khi hơn. Nhưng gần 2 năm trở lại đây, do dịch bệnh nên dưa hấu rớt giá thê thảm, bà con nông dân điêu đứng. Anh Phúc cho biết: “May mắn nhờ Hội Nông dân hỗ trợ tiêu thụ nên gia đình tôi đã bán hơn 5 tấn dưa với giá 2.000 đồng/kg. Thật sự tôi cảm thấy rất mừng. Nếu không có sự hỗ trợ kịp thời của hội thì ruộng dưa hấu của gia đình không biết làm sao…”.
Ông Huỳnh Văn Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, thông tin: Giúp tiêu thụ nông sản chính là giúp cho người dân có được nguồn thu nhập để tái sản xuất. Do đó, Hội Nông dân tỉnh kêu gọi tất cả mọi người chung tay hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho người dân. Kết quả bước đầu đã kết nối tiêu thụ được hơn 1.000 tấn dưa hấu với giá dao động từ 2.000-2.500 đồng/kg; phần diện tích còn lại khoảng 10-15 ngày tới sẽ tiếp tục hỗ trợ bà con thu hoạch dứt điểm.
Thu hoạch dưa hấu ở xã Krông Pa, huyện Sơn Hòa. Ảnh: LÊ TRÂM |
Mở rộng kênh tiêu thụ an toàn
Thời gian qua, việc liên kết, hợp tác sản xuất, thu mua và tiêu thụ nông sản giữa các doanh nghiệp với bà con nông dân đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, dưa hấu và một số hàng nông sản khác chưa tìm được lối ra ổn định. Câu chuyện được mùa, mất giá và được giá, mất mùa xảy ra phổ biến. Nắm bắt nhu cầu thực tế này, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với Bưu điện tỉnh tổ chức ký kết chương trình phối hợp đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn Phú Yên giai đoạn 2021-2025. Hoạt động này tạo ra kênh tiêu thụ an toàn, hiệu quả, vừa đảm bảo giá cả và tạo thương hiệu nông sản cho nông dân.
“Hưởng ứng chương trình phối hợp, hai đơn vị vừa phối hợp hỗ trợ, kết nối tiêu thụ nông sản dưa hấu cho bà con nông dân ở xã Hòa Hội. Ngay trong đợt đầu tiên đã tiêu thụ được 7 tấn dưa hấu và được Bưu điện tỉnh phân chia về các điểm bưu điện huyện, thị, thành phố để bán tiêu thụ giúp bà con nông dân”, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Huỳnh Văn Dũng cho biết.
Theo ông Nguyễn Ngọc Huy, Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh, thông qua việc liên kết, hợp tác sản xuất, thu mua và tiêu thụ nông sản giữa các doanh nghiệp, đơn vị phấn đấu hàng năm đưa được các sản phẩm an toàn, OCOP, VietGAP, hữu cơ… của các hộ sản xuất, các doanh nghiệp, HTX, chi, tổ hội nghề nghiệp lên sàn thương mại điện tử. Riêng năm 2022, duy trì đưa được 40-60 sản phẩm lên sàn thương mại điện tử.
ÔNG ĐÀO LÝ NHĨ, PHÓ GIÁM ĐỐC SỞ NN-PTNT: Kịp thời thông tin tình hình dịch bệnh và thị trường tiêu thụ
Thời gian qua, các ngành chức năng phối hợp với các địa phương tích cực tìm kiếm thị trường, đối tác tiêu thụ nông sản cho nông dân, đặc biệt là dưa hấu. Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, dưa hấu không xuất khẩu được, ngành Nông nghiệp khuyến cáo nông dân giảm diện tích trồng mới, chuyển sang trồng các loại cây trồng phù hợp khác, đồng thời nên trồng rải vụ để tránh thu hoạch cùng lúc.
Sở NN-PTNT giao Trung tâm Khuyến nông, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản thông tin kịp thời đến nông dân ở các vùng trồng trọt về tình hình dịch bệnh và thị trường tiêu thụ, những khó khăn trong vấn đề tiêu thụ hiện nay. Khuyến cáo người trồng dưa nên cẩn trọng vì dưa hấu phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc. Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản phối hợp với đơn vị chức năng thuộc Sở Công thương triển khai các hoạt động kết nối, thúc đẩy tiêu thụ nông sản mùa vụ của tỉnh. Đồng thời phối hợp với các chi cục liên quan trực thuộc Sở NN-PTNT và phòng NN-PTNT, phòng Kinh tế các huyện, thị xã, thành phố tổng hợp, báo cáo, đề xuất các hoạt động cụ thể về tháo gỡ khó khăn thúc đẩy tiêu thụ, vận chuyển nông sản trong điều kiện dịch bệnh COVID-19, đặc biệt hiện nay là dưa hấu.
ÔNG HUỲNH VĂN DŨNG, PHÓ CHỦ TỊCH HỘI NÔNG DÂN TỈNH: Xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản
Hiện nay, tại nhiều địa phương vẫn còn tình trạng bà con nông dân sản xuất, canh tác mang tính tự phát, chưa có thông tin đầy đủ về thị trường nên dẫn đến việc nông sản làm ra không tiêu thụ được. Vì vậy, cần phải triển khai có hiệu quả việc liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản theo hướng gia tăng giá trị sản phẩm.
Thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh sẽ phối hợp với các ngành chức năng tăng cường chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, liên kết tiêu thụ sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, đẩy mạnh liên kết sản xuất, nhân rộng chuỗi giá trị sản xuất hiện có; đồng thời hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp như hỗ trợ tư vấn liên kết; đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật; đào tạo nghề; hỗ trợ về giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm; tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hợp lý, bền vững theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần quan tâm hơn nữa về cơ chế, chính sách thu hút đầu tư và hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, liên kết sản xuất, chế biến, bao tiêu sản phẩm nông nghiệp nhất là các sản phẩm nông sản chủ lực của địa phương để đảm bảo ổn định đầu ra, phát triển ngành nông nghiệp bền vững.
ÔNG NGUYỄN NGỌC HUY, PHÓ GIÁM ĐỐC BƯU ĐIỆN TỈNH: Hỗ trợ nông dân đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử
Hiện nay, nhiều mặt hàng nông sản của người dân ở các địa phương trên địa bàn tỉnh vẫn chưa tìm được lối ra ổn định. Câu chuyện được mùa, mất giá và được giá, mất mùa xảy ra phổ biến, nông dân gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, việc đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn dân tiêu thụ sản phẩm. Đây cũng là giải pháp tạo liên kết trực tiếp giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng, giảm bớt các khâu phân phối trung gian, giúp hạ giá thành sản phẩm. sẽ là một trong những giải pháp mới để hỗ trợ nông
Để việc tham gia các sàn thương mại điện tử mang lại hiệu quả thực sự, thời gian tới, Bưu điện tỉnh sẽ phối hợp với Hội Nông dân tỉnh, Liên minh HTX tỉnh hướng dẫn, đào tạo các hộ sản xuất về kỹ năng hoạt động trên môi trường số; đăng ký tài khoản, tài khoản thanh toán trực tuyến phục vụ giao dịch và quy trình đóng gói, kết nối, giao nhận. Đồng thời, với lợi thế mạng lưới rộng khắp, cùng hạ tầng cơ sở đồng bộ và hiện đại, Bưu điện tỉnh sẽ đẩy mạnh hoạt động quảng bá sản phẩm, mở rộng các kênh phân phối mới thông qua nền tảng số; gắn sản phẩm với thương hiệu, chất lượng; từng bước đưa nông sản đến với thị trường xuất khẩu. Từ đó nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp của người nông dân trong thời đại kinh tế số.
BÀ LÊ THỊ KHƯƠNG, NÔNG DÂN XÃ HÒA HỘI, HUYỆN PHÚ HÒA: Mong các cấp, ngành hỗ trợ tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp
Lâu nay, nông dân ở xã Hòa Hội, huyện Phú Hòa chủ yếu trồng cây lúa, cây sắn nhưng thu nhập bấp bênh nên chuyển sang trồng dưa hấu bán xuất khẩu. Bước đầu, việc chuyển đổi mang lại hiệu quả, thu nhập cao hơn so trước.
Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây do tác động của dịch COVID-19 cùng việc xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc gặp khó nên đầu ra cho trái dưa hấu bị ách tắc. Tôi và người dân địa phương phải bán dưa hấu với giá rất thấp, dẫn đến thua lỗ nhiều vụ liên tiếp.
Vì vậy, tôi mong các ngành chức năng và chính quyền địa phương tìm hướng hỗ trợ, giải quyết đầu ra nông sản, bởi có như vậy thì nông dân mới yên tâm sản xuất. TRÂM TRÂN - THÁI NGỌC (ghi) |
LÊ TRÂM - NGỌC HÂN