Tiếp tục kỳ điều hành giá xăng dầu theo Nghị định 95/NĐ-CP, chiều nay (21/2), liên bộ Công thương - Tài chính sẽ có thông báo điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu trong nước.
Và rất có thể trong kỳ điều chỉnh này giá xăng dầu lại tiếp tục tăng, vì theo dữ liệu từ Bộ Công thương, giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới đã tăng từ 7-8% so với trước thời điểm điều chỉnh giá gần nhất vào ngày 11/2. Thông tin này khiến người dân và doanh nghiệp không khỏi lo lắng, vì giá xăng dầu tăng kéo theo đó là giá cả nhiều mặt hàng trên thị trường tăng theo, gánh nặng chi tiêu trong mỗi gia đình và chi phí sản xuất của doanh nghiệp.
Trước sức ép chi phí xăng dầu tăng cao, chiếm 35-40% trong cơ cấu giá cước, nhiều doanh nghiệp vận tải hành khách ở Phú Yên đang tính đến chuyện tăng giá vé. Đại diện một doanh nghiệp vận tải khách ở TP Tuy Hòa cho biết đang tiến thoái lưỡng nan, hoạt động cũng lỗ mà không hoạt động càng nguy hiểm hơn, nên bằng bất cứ giá nào cũng phải tìm cách hoạt động để có đồng ra đồng vào.
Ông Lê Văn Hồng, Giám đốc Công ty CP Bá Hải cho biết, giá xăng dầu tăng cao, kéo chi phí vận chuyển tăng mạnh khiến giá thành sản phẩm thủy sản cũng đội lên, chắc chắn khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng.
Trước đó, từ ngày 25/12/2021-11/2/2022, giá xăng dầu trong nước tăng 4 lần liên tiếp, lên mức cao nhất trong 8 năm trở lại đây, trong đó giá xăng RON95 lên mức 25.450 đồng/lít. Và hôm nay, rất có thể người tiêu dùng lại chứng kiến giá xăng dầu tăng lần thứ 5, xăng RON95 vượt hơn 26.000 đồng/lít.
Rõ ràng, giá xăng dầu liên tục tăng cao đã tác động đến tất cả các mặt đời sống của người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh. Giá cả nhiều mặt hàng tăng vọt khiến công nhân, lao động nghèo chật vật.
Theo các chuyên gia, việc giá xăng dầu tăng đã và đang tác động tiêu cực đến nhiều ngành kinh tế, trong đó các ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là khai thác, chế biến thủy sản, vận tải. Giá xăng dầu tăng sẽ tác động trực tiếp đến tăng giá thành sản phẩm, làm tăng giá hàng hóa trong khâu lưu thông, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa sản xuất, làm gia tăng chi phí sinh hoạt của người dân.
Dự báo, giá xăng dầu trên thị trường thế giới tiếp tục tăng trong thời gian tới và tác động đến giá tiêu dùng, làm tăng nguy cơ lạm phát và gây ra những thách thức lớn đối với đà phục hồi kinh tế trong nước sau đại dịch COVID-19.
Tại cuộc họp bàn về cung ứng xăng dầu mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành khẳng định, xăng dầu là mặt hàng chiến lược, nhạy cảm dễ ảnh hưởng tới tâm lý người dân và tác động trực tiếp đến ổn định kinh tế vĩ mô. Do đó, mặt hàng này phải được quản lý, điều tiết khoa học, chặt chẽ, tránh tình trạng găm hàng trục lợi. Vì vậy, Bộ Công thương phải chủ động bám sát tình hình thực tế để xử lý kịp thời các tình huống phát sinh, bảo đảm không để thiếu hụt xăng dầu phục vụ sản xuất, đời sống.
Hy vọng rằng, với sự chỉ đạo kịp thời của Chính phủ, sự quản lý, điều hành của các đơn vị liên quan, giá xăng dầu sẽ được điều chỉnh hợp lý. Các bộ, ngành liên quan cần rà soát quy định về thuế, phí, tính toán lại chi phí kinh doanh, lợi nhuận phù hợp tình hình thực tế; tránh những hệ lụy từ việc xăng dầu tăng giá, tạo điều kiện thuận lợi nhất để phục hồi và phát triển kinh tế.
NGUYỄN QUANG