Thứ Hai, 30/09/2024 10:31 SA
Tìm giải pháp “gỡ vướng” để thu hút đầu tư (bài cuối)
Thứ Bảy, 25/12/2021 07:00 SA

Dự án Khu du lịch liên hợp cao cấp Phú Yên do vướng thủ tục chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng đất rừng, hiện đang lập thủ tục điều chỉnh dự án. Ảnh: ANH NGỌC

Bài cuối: Cần những cơ chế, chính sách phù hợp

 

Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng của các dự án đầu tư xây dựng đang gặp vướng mắc, thủ tục chuyển đổi mất nhiều thời gian. Trong khi đó, nhiều cụm công nghiệp không phát huy hiệu quả, doanh nghiệp rơi vào cảnh khó khăn, vướng mắc do luật và nghị định “vênh nhau”.

 

Bất cập chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng

 

Theo Sở KH-ĐT, đối với dự án có đề xuất chuyển mục đích sử dụng là đất rừng thì phải thực hiện thủ tục quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng đất rừng sang mục đích khác và tùy theo diện tích của từng loại rừng mà thẩm quyền quyết định thuộc Quốc hội, Chính phủ, hay HĐND cấp tỉnh. Vì vậy, nếu thực hiện thủ tục này sẽ mất rất nhiều thời gian kể cả trong trường hợp thẩm quyền quyết định thuộc về HĐND cấp tỉnh vì thông thường mỗi năm HĐND cấp tỉnh chỉ họp 2 lần. Tuy nhiên, theo Luật Đầu tư và Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư chưa quy định về trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư của UBND cấp tỉnh đối với dự án có đề xuất chuyển mục đích đất rừng…

 

Ông Trần Quốc Dũng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh, cho biết: Diện tích rừng ở Phú Yên chiếm khoảng 50% diện tích tự nhiên nên vấn đề chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng cũng rất đáng quan tâm, doanh nghiệp rất cần được hướng dẫn cụ thể. Hiện nay, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng gặp nhiều vướng mắc, thời gian kéo dài. Quá trình giải quyết dự án có liên quan đến đất rừng nếu thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ sẽ phải qua rất nhiều bộ, ngành ở Trung ương. Nên chăng tập trung vào Bộ TN-MT theo cơ chế một cửa để tham mưu cho Thủ tướng. Nếu chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh thì xem xét khả năng đề nghị giao cho thường trực HĐND tỉnh để giải quyết nhanh cho doanh nghiệp, bởi hiện nay HĐND tỉnh chỉ họp 2 kỳ/năm. Nếu đợi kỳ họp diễn ra mới quyết định thì sẽ chậm trễ tiến độ cho doanh nghiệp.

 

“Đối với các dự án có chuyển mục đích sử dụng đất rừng, theo Luật Lâm nghiệp 2017 và các văn bản hướng dẫn thì phải thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác. Đây là một nội dung trong chấp thuận chủ trương đầu tư của dự án. Tuy nhiên, luật này không quy định quyết định chủ trương trên làm trước hay làm sau việc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án”, ông Võ Đình Tiến, Giám đốc Sở KH-ĐT thông tin và cho biết: Trong khi đó, Luật Đầu tư 2020 và các văn bản hướng dẫn thì không quy định riêng về trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư của UBND cấp tỉnh đối với dự án có đề xuất chuyển mục đích sử dụng rừng. Hiện nay, Tổng cục Lâm nghiệp cũng không có hướng dẫn chủ trương đầu tư và chủ trương sử dụng rừng, vấn đề nào trước, vấn đề nào sau. Dự án đã phù hợp với quy hoạch thì nên chăng xem lại quy trình chuyển đổi mục đích sử dụng rừng này nằm chung với quy trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất luôn để tạo điều kiện cho doanh nghiệp.

 

Luật và nghị định “vênh nhau”

 

Đầu tư vào Cụm công nghiệp Nam Bình (TX Đông Hòa) từ năm 2014, Công ty CP Xây dựng Dufago cũng lập dự án, trình duyệt nhưng vướng mắc là nhà đầu tư thứ cấp thì không được tự đầu tư hạ tầng. “Công ty hướng đến thị trường đầy tiềm năng của Phú Yên để đầu tư, nhưng cơ hội đã trôi qua, vì đến nay đã 6-7 năm rồi nhưng vẫn còn vướng mắc. Nguồn ngân sách của tỉnh không dồi dào để đầu tư vào các cụm công nghiệp, nên Cụm công nghiệp Nam Bình hiện nay vẫn là cụm công nghiệp còn nằm trên giấy. Chúng tôi mong muốn có sự quan tâm, gỡ vướng điểm này vì chờ nhà đầu tư làm hạ tầng thì rất lâu, gần như hiện nay nhiều nhà đầu tư rút khỏi các cụm công nghiệp vì không có hạ tầng”, ông Lê Văn Liêm, Trưởng Phòng Kinh doanh, Công ty CP Xây dựng Dufago nói.

 

Luật sư Đinh Thị Quỳnh Như, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh, cho hay: Theo Luật Đất đai, các đơn vị muốn sản xuất kinh doanh tại cụm công nghiệp thì phải thông qua một đơn vị đầu tư hạ tầng. Hiện nay, nhiều địa phương không thể thu hút các tổ chức kinh tế đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp, điều này dẫn đến nhiều cụm công nghiệp đang ngủ đông. Trong khi đó, Điều 23 của Nghị định 68 ngày 25/5/2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp có một phần quy định các tổ chức, cá nhân đầu tư vào cụm công nghiệp có thể thực hiện thủ tục thuê đất của Nhà nước và không khống chế các tổ chức, cá nhân đầu tư vào cụm công nghiệp phải thuê lại đất của đơn vị đầu tư hạ tầng. Chính vì có độ vênh giữa Luật Đất đai 2013 và Nghị định 68 nên dẫn đến một số khó khăn trong việc đầu tư vào các cụm công nghiệp trong thời gian vừa qua. Theo tôi, nên sửa đổi Luật Đất đai theo tinh thần Nghị định 68 để gỡ vướng cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ muốn đầu tư vào các cụm công nghiệp.

 

Ủng hộ đề xuất sửa đổi Luật Đất đai, nhưng Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Tiến Lộc cho rằng điều chỉnh theo Nghị định 68 cũng chưa giải quyết được căn cơ vấn đề. Hiện nay, chúng ta nói đến cụm liên kết công nghiệp, để các doanh nghiệp vừa và nhỏ liên kết với nhau. Vì vậy cần có thêm chính sách khuyến khích hình thành chuỗi, đầu tư vào hạ tầng, tạo hệ sinh thái để nâng cao năng lực cạnh tranh của nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chúng ta phải bàn giải pháp cụ thể và lâu dài hơn, kết nối doanh nghiệp vừa và nhỏ với các doanh nghiệp lớn.

 

ANH NGỌC

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek