Thứ Năm, 16/01/2025 01:59 SA
Cần xây dựng bản đồ ngập lụt số hóa để chủ động phòng tránh lũ
Thứ Bảy, 04/12/2021 18:03 CH

Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT và của tỉnh kiểm tra việc điều tiết, xả lũ của hồ thủy điện Sông Ba Hạ. Ảnh: ANH NGỌC

Ngày 4/12, đoàn công tác của Bộ NN-PTNT do Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai làm trưởng đoàn đi kiểm tra thực tế công tác điều tiết, xả lũ của hệ thống hồ thủy điện trên sông Ba và kiểm tra tình hình thiệt hại ở Phú Yên sau đợt lũ lụt vừa qua. Đồng chí Trần Hữu Thế, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp và làm việc với đoàn.

 

Lũ lụt gây thiệt hại nặng

 

Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT đã đến thăm hai gia đình ở thôn Thạnh Hội, xã Sơn Hà (huyện Sơn Hòa) có người mất trong đợt lũ lụt vừa qua. Đoàn cũng đã đi kiểm tra thực tế việc điều tiết, xả lũ của hồ thủy điện Sông Ba Hạ và kiểm tra tình hình thiệt hại của hệ thống thủy lợi. Ông Nguyễn Văn Nhành, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy nông Đồng Cam, cho biết: Đợt lũ lụt vừa qua đã làm hệ thống công trình, kênh mương do đơn vị quản lý bị bồi lấp, sạt lở, hư hỏng rất nặng. Đặc biệt, hệ thống thủy nông Đồng Cam do nước trên sông Ba lớn nhanh, tràn vào kênh gây vỡ kênh, bồi lấp, sạt lở nghiêm trọng, ước thiệt hại hơn 13,5 tỉ đồng.

 

Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT và của tỉnh kiểm tra việc điều tiết, xả lũ của hồ thủy điện Sông Ba Hạ. Ảnh: ANH NGỌC

 

Theo ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT, Phó Trưởng ban Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh, tính đến chiều 4/12, lũ lụt ở Phú Yên đã làm 7 người chết và 1 người mất tích, tổng thiệt hại do lũ lụt gây ra trên địa bàn tỉnh trong đợt này hơn 370 tỉ đồng. Trong đó, có 31 nhà bị hư hỏng, hơn 58.000 nhà bị ngập nước, ước thiệt hại hơn 4 tỉ đồng. Gần 1.000ha lúa vụ mùa, hoa màu và khoảng 1.880ha cây trồng bị ngập nước, ước thiệt hại gần 130 triệu đồng. Hơn 2.230 con gia súc bị chết, 59.300 con gia cầm bị cuốn trôi, thiệt hại hơn 20,7 tỉ đồng. Hơn 110ha thủy sản nuôi bị vỡ hồ, cuốn trôi, ước thiệt hại hơn 9 tỉ đồng. Kênh mương bị sụp đổ, hư hỏng khoảng 45.065m; sạt lở, bồi lấp khoảng 85.325m3, cuốn trôi hơn 3.950m3, ước thiệt hại khoảng 55 tỉ đồng. Các tuyến đường bị hư hỏng, sạt lở, bồi lấp khoảng 123.770m3; hư hỏng nền đường, mặt đường hơn 39.500m2… ước thiệt hại gần 110 tỉ đồng.

 

Chưa thực hiện nghiêm xả nước để đón lũ

 

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, đợt lũ lụt lần này là rất lớn, tương đương với lũ lụt các năm 2019 và 2013 ở Phú Yên. Toàn bộ lưu vực sông Ba rất rộng, khoảng 13.000km2, trên lưu vực này có khoảng 280 hồ chứa lớn, nhỏ, tích khoảng 1,6 tỉ m3 nước, nhưng chỉ có 6 hồ có chức năng cắt lũ. Trong 6 hồ này cũng chỉ tham gia cắt lũ khoảng 530 triệu m3 là rất thấp so với thực tế, nên xảy ra sự cố như vừa qua, trong đó đáng lưu ý là lúc xả lũ gặp thời điểm hạ du đạt đỉnh lũ.

 

Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT và của tỉnh kiểm tra tình hình thiệt hại của hệ thống thủy nông Đồng Cam. Ảnh: ANH NGỌC

 

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết thêm, vừa qua, trong quá trình điều tiết, xả lũ của liên hồ chứa trên lưu vực sông Ba có một số vấn đề chưa chuẩn, cần phải xem lại. Theo quy định, khi có cảnh báo mưa lũ lớn, các hồ thủy điện, thủy lợi phải giảm mực nước hồ xuống đến mực nước đón lũ, vấn đề này các chủ hồ trên lưu vực sông Ba thực hiện chưa nghiêm. Cụ thể, ngày 27/11, Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai có công điện gởi các địa phương, nhưng các chủ hồ chứa chưa thực hiện nghiêm việc xả nước để đón lũ. Khi bắt đầu lũ về, các giải pháp chỉ nghiêng về vấn đề an toàn cho hồ chứa, chưa tính toán cho việc các hồ chứa hỗ trợ nhau để cắt lũ, mà các hồ chứa đầu nguồn đồng loạt xả lũ đã gây áp lực rất lớn cho hồ chứa cuối cùng trên bậc thang là hồ Sông Ba Hạ.

 

Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT và của tỉnh kiểm tra tình hình thiệt hại của hệ thống thủy nông Đồng Cam. Ảnh: ANH NGỌC

 

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, cho biết: Riêng bản thân tôi đánh giá rất cao về việc lãnh đạo tỉnh Phú Yên đã rất sáng tạo, có quyết định cho xả lũ tương đối cao như vừa qua. Vì lúc này, lượng nước lũ về Phú Yên là rất nhiều, gây áp lực lớn cho công tác điều hành, chỉ đạo của tỉnh. Để đảm bảo an toàn cho công trình hồ chứa, lúc 15 giờ ngày 30/11, đã cho phép hồ thủy điện Sông Ba Hạ xả với lưu lượng 9.400m3/s, sau đó giảm xuống. Vì đến 19 giờ cùng ngày là lúc đỉnh triều cao nhất, do vậy phải xả lũ trước 15 giờ, trong 4 giờ tiếp theo nước lũ được thoát ra biển, tính toán như vậy tránh được lúc đỉnh triều cao, một quyết định rất chính xác.

 

Cần phối hợp tốt hơn giữa các địa phương

 

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế, các hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên lưu vực sông Ba ở thượng nguồn có chức năng cắt lũ thì sẽ giúp Phú Yên điều tiết lũ tốt hơn. Vừa qua, lượng nước từ các hồ thượng nguồn cứ đổ dồn về Phú Yên thì khả năng xử lý lũ trong tình hình thời tiết cực đoan như lúc đó là rất khó khăn. “Trong thời gian tới, để phối hợp giữa Phú Yên với Gia Lai và các tỉnh Tây Nguyên tốt hơn thì nên xây dựng bản đồ ngập lụt số hóa để cho người dân vùng hạ du, nhất là người dân ven sông nắm được khi nào nước lên, khi nào họ cần phải sơ tán. Người dân chỉ quan tâm đến việc xả lũ này có nguy hại đến tài sản và tính mạng của mình hay không mà thôi. Vì thế, xây dựng nền tảng số hóa bản đồ ngập lụt để mọi người dân đều biết. Khi đến mùa mưa lũ, mọi người đều chủ động việc này”, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế đề xuất.

 

Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT và của tỉnh thăm gia đình cháu Nguyễn Thanh Ngọc Anh ở thôn Thạnh Hội, xã Sơn Hà (huyện Sơn Hòa) bị mất trong đợt lũ lụt vừa qua. Ảnh: ANH NGỌC

 

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, Bộ NN-PTNT sẽ tính toán lại quy trình vận hành xả lũ liên hồ chứa của toàn bộ lưu vực sông Ba. Những trường hợp xả lũ lớn như vừa qua, Bộ NN-PTNT sẽ tham mưu để Trung ương tham gia chỉ đạo trong vấn đề điều hành xả lũ. Trong đó, sẽ chi tiết hồ nào xả bao nhiêu, vào thời điểm nào… làm sao tại hồ thủy điện Sông Ba Hạ (là hồ cuối cùng trên bậc thang các hồ trên sông Ba) khi xả lũ phải đạt được hai mục tiêu, không xả lũ lúc đỉnh lũ ở hạ du đang cao, thứ hai là không xả lũ lúc thủy triều đang lên cao. Về giải pháp công trình, sẽ tiếp tục nghiên cứu toàn bộ lưu vực này, ngoài 6 hồ nêu trên thì sẽ xem xét hồ thủy điện, thủy lợi nào có thể tham gia cắt lũ để tăng dung tích phòng lũ cao hơn, với khoảng 1 tỉ m3 thì mới có thể tham gia cắt lũ ổn định lâu dài cho hạ du. “Sắp đến, số hóa, ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại đề điều hành tự động thì Phú Yên sẽ biết trước các hồ ở Gia Lai như thế nào, xả lưu lượng bao nhiêu để điều tiết xả lũ về hạ du. Bộ NN-PTNT sẽ tính toán, tham mưu lại để ra quy trình phù hợp hơn, ngoài xả xen kẽ còn có tránh nhiệm của chủ hồ, trách nhiệm của lãnh đạo địa phương trong thông tin, thông báo và trong quyết định của mình”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp chia sẻ.

 

 

Theo quy định, trước khi xả lũ 6 giờ phải thông báo đến người dân biết để chủ động phòng tránh. Bộ NN-PTNT đề nghị các chủ hồ chứa phải thực hiện nghiêm quy chế liên hồ chứa, quy định về xả lũ, trong thông báo cần phải cụ thể. Ví dụ, 6 giờ tới, tại vùng này, vùng kia… nước sẽ dâng lên bao nhiêu mét để người dân biết chủ động ứng phó, không thể thông báo kiểu chung chung như lâu nay.

 

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp

 

ANH NGỌC

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek