Sau lũ lụt, các loại dịch bệnh rất dễ phát sinh gây hại cho đàn vật nuôi. Do đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đang triển khai các biện pháp phòng chống dịch. Báo Phú Yên trao đổi với ông Nguyễn Văn Lâm, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh xung quanh vấn đề này. Ông Lâm cho biết:
- Trong đợt lũ lụt vừa qua, nước lũ dâng cao và nhanh khiến người chăn nuôi một số địa phương không kịp di dời đàn vật nuôi đến nơi an toàn nên xảy ra thiệt hại khá lớn. Khoảng 19.330 con gia súc, gia cầm trong tỉnh bị chết và cuốn trôi. Hầu hết đây là đàn vật nuôi người dân sản xuất để chuẩn bị cung ứng cho thị trường tết sắp tới nên ảnh hưởng lớn đến kinh tế của người dân và ngành Chăn nuôi của tỉnh.
Để hỗ trợ người chăn nuôi sớm khôi phục sản xuất ngay sau lũ lụt, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã chỉ đạo trạm chăn nuôi và thú y các huyện, thị, thành phố nhanh chóng nắm bắt, kiểm tra tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Qua đó cho thấy, hiện nay sức khỏe của đàn vật nuôi vẫn ổn định, không xảy ra các loại dịch bệnh nguy hiểm như lở mồm long móng, tai xanh, cúm gia cầm, dịch tả heo châu Phi hay viêm da nổi cục… Tuy nhiên, ngay sau khi nước lũ rút, hầu hết các khu vực chăn nuôi bị tồn đọng rất nhiều loại rác thải, bùn non. Đây là môi trường thích hợp để nhiều loại vi rút phát sinh gây nên dịch bệnh ở vật nuôi trong thời gian tới là rất cao. Đồng thời cũng do lũ lụt, lượng thức ăn dự trữ cho gia súc, gia cầm của rất nhiều hộ chăn nuôi bị trôi, ướt, khiến nguồn thức ăn bị thiếu hụt cũng ảnh hưởng đến sức khỏe, sức đề kháng nên vật nuôi dễ bị nhiễm bệnh hơn trước.
Ông Nguyễn Văn Lâm |
* Những loại dịch bệnh nào có khả năng phát sinh gây hại cho vật nuôi trong lúc này, thưa ông?
- Trong lúc thời tiết, điều kiện môi trường chăn nuôi có nhiều bất lợi như hiện nay thì nguy cơ bùng phát dịch bệnh sẽ rất cao, nhất là các nhóm bệnh liên quan đến truyền nhiễm như lở mồm long móng, tụ huyết trùng và viêm da nổi cục ở trâu, bò. Ở heo dễ bùng phát các bệnh như tai xanh, dịch tả cổ điển và dịch tả heo châu Phi, các bệnh đỏ như phó thương hàn, tụ huyết trùng. Đàn gia cầm sẽ thường phát các loại bệnh như cúm gia cầm, gumboro, niu cát xơn, ecoli… Đặc biệt, những vùng trũng thấp, ngập nước lâu ngày hay các nơi từng xảy ra dịch, các nơi giết mổ, mua bán động vật tập trung hay những đàn vật nuôi chưa được tiêm phòng… là những vùng có nguy cơ bùng phát dịch cao nhất.
* Vậy, ngành Thú y đã làm những gì để kiểm soát nguy cơ bùng phát dịch bệnh trong thời gian tới?
- Trước mắt, chúng tôi đang tập trung rà soát lại đàn vật nuôi, tăng cường kiểm soát những khu vực mua bán, giết mổ động vật tập trung, đặc biệt là tăng cường giám sát các ổ dịch cũ, nơi có nguy cơ bùng phát dịch cao nhất để có thể phát hiện và xử lý nhanh nhất khi xảy ra dịch. Trước lụt, chi cục cũng đã cấp phát 10.000 lít thuốc sát trùng nên các địa phương đã có sẵn nguồn thuốc sát trùng, chủ động phun tiêu độc khử trùng môi trường để bà con có thể khôi phục sản xuất nhanh nhất. Ngành Thú y cũng đang phối hợp với chính quyền cơ sở tiếp tục tổ chức tiêm vét các loại vắc xin phòng dịch quy định để nâng cao tỉ lệ tiêm phòng, tăng tính bảo hộ cho đàn vật nuôi.
* Ông có lời khuyên gì cho người chăn nuôi để có thể khôi phục và sản xuất ổn định trong thời gian tới, thưa ông?
- Ngay sau khi nước lũ rút, người dân cần nhanh chóng thu gom, xử lý toàn bộ rác thải, bùn lầy tồn đọng xung quanh khu vực chăn nuôi, tiến hành xử lý vệ sinh môi trường nơi chăn nuôi bằng vôi bột hoặc phun thuốc sát trùng. Đặc biệt, bà con cần lưu ý đến nguồn nước sử dụng chăn nuôi vì khả năng sau lũ lụt, nguồn nước đã bị nhiễm bẩn, nên cần xử lý nguồn nước trước khi sử dụng cho vật nuôi. Các hộ chăn nuôi sớm sửa chữa, khắc phục lại chuồng trại đảm bảo không bị mưa tạt, gió lùa quá nhiều để có chỗ nuôi nhốt ổn định.
Mặt khác, việc chủ động được nguồn thức ăn cho vật nuôi cũng phải được quan tâm đúng mức. Khi mà phần lớn nguồn thức ăn dự trữ đã bị hư hại, cuốn trôi thì người dân có thể sử dụng cám gạo, bột cá, rau cỏ các loại… nấu cháo cho gia súc, đồng thời tận dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp thu được ở những nơi cao ráo không bị ngập lụt để bổ sung chất xơ cho vật nuôi, đảm bảo vật nuôi không bị đói. Ngoài ra, nếu có điều kiện, bà con nên bổ sung muối khoáng và các loại vitamin vào khẩu phần ăn cho vật nuôi. Đặc biệt, người nuôi nên tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin quy định nhưng không được Nhà nước hỗ trợ để giúp vật nuôi tăng sức đề kháng, giảm nguy cơ nhiễm bệnh.
* Xin cảm ơn ông!
THỦY TIÊN (thực hiện)