Tuyên truyền bằng nhiều hình thức để giúp người tiêu dùng, cơ sở kinh doanh nhận diện hàng giả, hàng nhái là việc làm thường xuyên được các ngành chức năng triển khai, góp phần ổn định thị trường, xây dựng hoạt động thương mại hiện đại, văn minh.
Nhiều hàng giả, hàng nhái
Từng mua hàng qua mạng, thậm chí mua trực tiếp tại cơ sở kinh doanh và gặp phải hàng nhái, kém chất lượng, chị Trần Thị Ái Ly ở khu phố Nguyễn Thái Học, phường 5, TP Tuy Hòa, chia sẻ: Hàng giả, hàng nhái đội lốt thường tập trung vào các mặt hàng mỹ phẩm, hóa phẩm, đồ dùng, quần áo, giày dép thời trang, phụ kiện…Tôi đã nhiều lần mua phải hàng kém chất lượng, hàng nhái từ việc mua hàng giá rẻ qua mạng theo hình thức giảm giá, vì tin hàng thương hiệu được giảm theo các chương trình ưu đãi.
Trưng bày, trực tiếp bán hàng hóa tại nhà và giao dịch trên trang cá nhân, chị Nguyễn An Nhiên (phường Phú Lâm, TP Tuy Hòa) chia sẻ: Dù bán hàng nhiều năm, nhưng đôi lúc tôi cũng không thể tránh khỏi trường hợp nhập phải hàng nhái, hàng giả, nhất là khi đặt hàng với số lượng lớn của các cơ sở buôn hàng ở các tỉnh. Họ có thể trà trộn thường xuyên nếu người nhận không kiểm tra kỹ và thỏa thuận giao dịch ngay từ khi đặt hàng.
Theo Cục Quản lý thị trường (QLTT) Phú Yên, hiện tình trạng kinh doanh hàng cấm, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, không rõ nguồn gốc xuất xứ, kém chất lượng vẫn tiếp diễn trên thị trường, công khai trên các website thương mại điện tử, đặc biệt là trên mạng xã hội… Thực trạng này được thực hiện với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, phức tạp; đã và đang tác động đến môi trường kinh doanh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của người tiêu dùng. Từ đầu năm đến nay, lực lượng QLTT phối hợp với các ngành chức năng trên địa bàn tỉnh tổ chức kiểm tra, xử lý trên 1.900 vụ vi phạm. Trong đó có 368 vụ vi phạm về hàng cấm, nhập lậu; 796 vụ gian lận thương mại; trên 22 vụ hàng giả, nhái, vi phạm sở hữu trí tuệ. Đơn vị đã xử phạt vi phạm hành chính trên 6,8 tỉ đồng, tịch thu hàng hóa vi phạm với tổng trị giá gần 8,7 tỉ đồng.
Ông Huỳnh Trang, Cục trưởng Cục QLTT Phú Yên, cho biết: Thực tế cho thấy, lợi dụng dịch bệnh COVID-19, nhiều đối tượng dễ dàng trục lợi từ việc sản xuất, kinh doanh, buôn bán các thiết bị phòng, chống dịch và nhiều loại hàng hóa khác nhưng là hàng giả, nhái nhãn hàng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Nếu không thận trọng trong quá trình lựa chọn, thiếu thông tin, kiến thức về nhãn hàng, thương hiệu…, người tiêu dùng có thể mua phải hàng nhái, không đúng mẫu mã, chất lượng như đã công bố.
Tuyên truyền, nhận diện
Cũng theo ông Huỳnh Trang, hiện nay, ngoài công tác giám sát, ngăn chặn, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, nhái..., lực lượng QLTT và các ngành chức năng của tỉnh còn tuyên truyền giúp người dân nâng cao nhận thức, cảnh giác với các thủ đoạn gian lận, mua bán hàng hóa trên cả thị trường truyền thống và không gian trực tuyến. Những năm qua, đơn vị đã thực hiện nhiều hoạt động truyền thông đến người dân, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh bằng hình thức phát tờ rơi, đăng tải thông tin cảnh báo, tuyên truyền trực tiếp trong quá trình kiểm tra hàng hóa, xử phạt, cung cấp đường dây nóng liên quan đến hàng giả, nhái, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ…
Bà Tô Thị Hòa, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh, cho hay: Nhằm góp phần xây dựng, bảo vệ thương hiệu, quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp, hội đã phối hợp với ngành Công thương triển khai một số chương trình như nhận diện hàng thực phẩm công nghệ giả, nhái; thực phẩm tươi sống trong nước và nước ngoài; mở lớp tập huấn, hướng dẫn cách thức nhận diện cho người tiêu dùng và các hội đoàn thể… Mục tiêu là mong muốn người tiêu dùng có thêm thông tin, trang bị thêm khả năng nhận biết về sản phẩm để hạn chế thấp nhất những rủi ro trong quá trình mua sắm hàng hóa phục vụ hoạt động tiêu dùng hàng ngày.
Nhằm giúp người tiêu dùng, doanh nghiệp nhận diện hàng nhái, hàng giả, góp phần đưa công tác phòng, chống đạt hiệu quả hơn, mới đây, Tổng cục QLTT đã tổ chức giới thiệu các nền tảng trên mạng xã hội (như Tiktok, Youtube, Facebook) do Tạp chíQuản lý thị trường xây dựng. Theo đó, trên nền tảng Tiktok, Tạp chí Quản lý thị trường phát triển 2 tài khoản là “Thật giả review” và “Quản lý thị trường news”. Trong đó, “Quản lýthịtrường news” chuyển tải thường xuyên và liên tục những thông tin về các vụ kiểm tra, kiểm soát của lực lượng QLTT trên cả nước; còn “Thật giả review” sẽ cung cấp thông tin, dấu hiệu nhận biết hàng thật - hàng giả của các sản phẩm trên thị trường hiện nay. Cùng với đó, nền tảng Youtube và fanpage “Tạp chí QLTT” cũng sẽ cập nhật toàn bộ hoạt động kiểm tra, kiểm soát, các vụ vi phạm mà lực lượng QLTT trên cả nước phát hiện và xử lý. Các nền tảng công nghệ này sẽ góp phần lan tỏa thông tin đến người tiêu dùng một cách nhanh chóng, hiệu quảvà là những kênh thông tin mới của lực lượng QLTT, hỗ trợ người dân trong việc nhận diện hàng hóa.
Không chỉ đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát, bình ổn thị trường, lực lượng chức năng còn luôn ưu tiên nhiệm vụ chống gian lận hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền. Song song với công tác của QLTT và ngành chức năng thì sự góp sức của người tiêu dùng sẽ tạo hiệu quả hơn trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn sai phạm, từng bước tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, văn minh.
Ông Huỳnh Trang, Cục trưởng Cục QLTT Phú Yên |
KHANG ANH