Thứ Sáu, 10/01/2025 01:25 SA
Cung ứng hàng hóa dịp cuối năm và Tết Nhâm Dần
Thứ Tư, 24/11/2021 10:27 SA

Người dân mua thực phẩm tại một cửa hàng tạp hóa ở thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An. Ảnh: VÕ PHÊ

Đảm bảo đáp ứng đủ hàng hóa cho người dân, không để xảy ra khan hàng, tăng giá đột biến… trong những tháng cuối năm, dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần là những nội dung được ngành chức năng, UBND các địa phương chủ động triển khai theo chỉ đạo của Bộ Công thương, UBND tỉnh.

 

Có phương án cung ứng hàng hóa

 

Bộ Công thương vừa ban hành Chỉ thị 12/CT-BCT về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2021 và dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Theo đó, bộ đề nghị Sở Công thương các tỉnh, thành phố đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng có nhu cầu cao hoặc biến động giá nhiều trên địa bàn thời gian qua để có phương án hoặc đề xuất với các cơ quan chức năng biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến. Các đơn vị phải chủ động tham mưu cho tỉnh phương án bảo đảm nguồn cung hàng hóa theo các cấp diễn biến của dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn; có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ hàng thiết yếu phục vụ tiêu dùng của người dân trong mọi tình huống... Bộ cũng đề nghị Vụ Thị trường trong nước, Tổng cục Quản lý thị trường, hiệp hội ngành hàng, ngành Công an, Hải quan… xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, địa phương đưa hàng hóa đến với người dân ở tất cả khu vực.

 

Tại tỉnh, bà Nguyễn Thị Kim Bích, Phó Giám đốc Sở Công thương, cho biết: Với mục tiêu phục vụ tốt nhất nhu cầu tiêu dùng của người dân trong giai đoạn trước, trong và sau Tết Nguyên đán, ngành Công thương Phú Yên đã có kế hoạch tổ chức cung ứng hàng hóa, kiểm soát biến động giá cả; vận động các doanh nghiệp, cá nhân, nhất là các siêu thị, điểm bán chủ động nguồn hàng để đảm bảo phân phối cho người dân. Trong đó, các doanh nghiệp phân phối, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, điểm bán hàng Việt cố định… sẽ dự trữ các nguồn thực phẩm tươi sống, thiết yếu và tham gia các đợt bán hàng lưu động kết hợp chương trình đưa hàng Việt đến các địa phương. Trong thời gian từ đây đến tết, đơn vị tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường, nắm bắt tình hình hàng hóa, nhu cầu của người dân trên địa bàn để có biện pháp điều phối phù hợp.

 

Cũng như mọi năm, công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân luôn được Siêu thị Co.opmart Tuy Hòa lên kế hoạch từ rất sớm. Bà Trần Thị Bích Hoang, Phó Giám đốc siêu thị này, cho biết: Từ tháng 6, Co.opmart đã làm việc với các nhà cung cấp để giữ hàng, ổn định giá nên đơn vị có thể đảm bảo nguồn hàng không thiếu hụt khi nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao trong dịp tết. Tuy nhiên, so với những năm trước, số lượng hàng siêu thị dự trữ năm nay giảm khoảng 5% vì nhận thấy tình hình dịch bệnh có thể ảnh hưởng đến sức tiêu thụ của người dân. Dù vậy, hàng hóa, thực phẩm phục vụ trong dịp tết sẽ không kém phần phong phú. Siêu thị cũng nắm bắt thị hiếu người dùng đối với thực phẩm là giảm lượng bánh kẹo, thực phẩm ngọt, béo mà thay vào đó là sản phẩm sấy khô tự nhiên, ít đường… Nguồn hàng thiết yếu cũng sẽ không đứt quãng tại các điểm cung cấp của siêu thị.

 

Còn theo ông Trần Đình Đăng, Giám đốc Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam chi nhánh Phú Yên, mọi năm, từ giữa tháng Chạp đến giáp Tết Nguyên đán, công ty cung cấp khoảng 200-250 con heo và 1.500 con gà/ngày. Với tình hình dịch bệnh như hiện nay, lượng người dân từ các tỉnh về cũng nhiều nên rất khó nhận định sức mua cũng như giá cả thực phẩm. Tuy nhiên, công ty vẫn luôn có nguồn dự trữ tại chỗ, bảo đảm cung ứng đủ cho các cơ sở bán lẻ để phục vụ người dân.

 

Nhiều năm bán tạp hóa và luôn có nguồn hàng dồi dào để bán tết, bà Nguyễn Thị Liên, chủ cửa hàng tạp hóa Liên Phong (thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An) cho hay: Phần lớn các cửa hiệu như chúng tôi không trữ hàng quá nhiều. Vì thực phẩm nhanh hết hạn sử dụng và nếu dịch bệnh bùng phát mạnh, người dân hạn chế mua thì hàng hóa tồn kho. Phương án của tôi là nhu cầu đến đâu, bổ sung đến đó, song vẫn cam kết cung ứng đủ, phong phú các loại hàng.

 

Theo dõi, kiểm soát thị trường

 

“Hơn 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán. Tuy dịch bệnh tác động nhiều đến cuộc sống nhưng mỗi năm có một lần tết nên người dân vẫn phải chuẩn bị mọi thứ cho gia đình. Chúng tôi chỉ mong giá cả không tăng đột biến để các gia đình có cơ hội sắm tết”, bà Trương Thị Mến ở phường 9, TP Tuy Hòa nói.

 

Liên quan đến công tác phục vụ, giá cả hàng hóa trên thị trường, Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Thị Kim Bích cho biết thêm: Trong điều kiện dịch bệnh diễn biến khó lường, sở đã có kế hoạch thực hiện một số hoạt động để hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động bán hàng, phục vụ nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng trên địa bàn như bán hàng lưu động, đưa hàng Việt về vùng sâu, vùng xa; phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp xúc tiến thương mại, hỗ trợ tiêu thụ, bán hàng có chất lượng với giá cả hợp lý, có chính sách ưu đãi… Việc triển khai các hoạt động liên quan vẫn phải đảm bảo công tác phòng chống dịch theo quy định.

 

Ông Đinh Công Thạch, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Hòa, cho hay: Dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, địa phương sẽ nắm bắt mức tiêu thụ để phối hợp với các ngành chức năng phục vụ chu đáo nhu cầu người dân. Huyện cũng hướng dẫn các chợ truyền thống, điểm bán triển khai tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh COVID-19 nhằm duy trì hoạt động, đảm bảo cung ứng, trao đổi hàng hóa, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm.

 

Song song với công tác cung ứng hàng hóa, việc kiểm tra, kiểm soát thị trường cũng được các ngành, địa phương đặc biệt quan tâm. Vừa qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung quán triệt, thực hiện nghiêm, có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ đạo Chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả tỉnh (BCĐ 389 tỉnh) về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; bảo đảm phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm, nhất là liên quan đến các mặt hàng thiết yếu ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. UBND tỉnh đề nghị BCĐ 389 tỉnh quán triệt, chỉ đạo các lực lượng đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ; tăng cường phối hợp kết nối, chia sẻ thông tin phù hợp với tình hình mới; xử lý nghiêm hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh để đầu cơ, tăng giá bất hợp lý các mặt hàng thiết yếu… để trục lợi, lừa dối người tiêu dùng. 

 

Cục Quản lý thị trường tỉnh sẽ chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng tập trung cao điểm cho công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong dịp Tết Nhâm Dần. Hoạt động kiểm tra sẽ chú trọng vào các mặt hàng bánh kẹo, rượu bia, nước giải khát, thuốc lá, thực phẩm tươi sống... được tiêu dùng nhiều trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và các mặt hàng có nhu cầu cao trong phòng chống dịch COVID-19; giám sát chặt chẽ việc bán hàng trong hệ thống phân phối nhằm ngăn chặn tình trạng thiếu hàng, sốt giá giả tạo do đầu cơ, nâng giá.

 

Ông Huỳnh Trang, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh

 

VÕ PHÊ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek