Thứ Hai, 07/10/2024 01:29 SA
Muối mặn đời diêm dân
Chủ Nhật, 13/07/2008 07:00 SA

Nghe tin nửa đầu năm 2008, nước ta phải nhập khẩu muối ăn, tôi thực sự ngỡ ngàng. Với bờ biển dài hơn 3.200 km, lại có khí hậu nhiệt đới gió mùa, tôi cũng như nhiều người khác cứ luôn nghĩ rằng cái thứ gia vị mặn mà trắng tinh ấy không thể nào thiếu trên xứ sở quanh năm rì rào tiếng sóng đại dương.

 

Muoi-1-080712.jpg

Sản xuất muối ở Xuân Phương (Sông Cầu) - Ảnh: KIM LONG

 

Để giải thích vì sao phải nhập khẩu muối ăn, có ý kiến cho rằng, do ảnh hưởng cơn bão bất ngờ hay do mùa mưa đến sớm. Thế nhưng, nếu nhìn kỹ hơn vào số phận diêm dân sẽ ít nhiều hiểu được nguồn cơn sâu xa.

 

Tôi đã từng đi qua những cánh đồng muối, đã từng gặp những ánh mắt cực nhọc của những người đàn bà dưới vành nón lá, đã từng thấy những tấm lưng trần đen nhẻm của những người đàn ông phơi ra dưới mặt trời đổ lửa. Diêm dân cũng vất vả trăm bề. Diêm dân chỉ khác nông dân là mỗi năm chỉ có thể làm muối từ tháng tư đến tháng chín âm lịch. Nghĩa là diêm dân lấy tiết hạ, tiết thu làm vụ mùa, còn tiết đông, tiết xuân không đủ nắng để muối kết tinh. Tính toán chi li thì làm muối có thể mang lại thu nhập cao hơn trồng lúa, nhưng chuyện mất mùa hay trúng giá luôn nằm ngoài tiên liệu của diêm dân. Phương thức sản xuất thủ công ngày càng trở nên manh mún, khiến vùng chuyên canh muối vẫn mang tính quy hoạch treo.

 

Cách đây không lâu, tôi bất ngờ biết một người bạn vốn sinh ra, lớn lên trong một gia đình có nghề làm muối ở Hải Hậu (Nam Định) đã bỏ thôn xóm ven biển để vào Sài Gòn làm thuê, với lời phân bua nửa đùa nửa thực mà nghe sao xót xa: “Làm muối sẽ phải ăn cơm với muối thôi!”. Tôi lo ngày nào đó, diêm dân ở vùng đất được xem là vựa muối của cả nước như Ninh Thuận, Bình Thuận, Phú Yên, Quảng Ngãi cũng ngậm ngùi từ giã những cánh đồng muối của họ. Ôi, những cánh đồng muối tăm tắp từng trải dài trước mắt tôi như đồng muối Cành Lá, đồng muối Quán Thẻ, đồng muối Vĩnh Hảo… lẽ nào ngày mai trở thành những địa danh mờ dần trong ký ức?

 

Dọc theo non sông hình chữ S, mỗi miền quê có một cách làm muối riêng, có một cách sống bằng muối riêng. Người miền Nam tính đơn vị muối bằng “giạ”, mỗi “giạ” tương đương 30 kg. Người miền Bắc tính đơn vị muối bằng “phương”, mỗi “phương” tương đương 20 kg. Mỗi tấn muối hiện giờ đã có giá 1 triệu đồng, cao nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, mỗi hộ vỏn vẹn có một sào hoặc hai sào thì làm sao chống chọi với thời buổi lạm phát này? Tôi chưa bao giờ làm muối, nhưng hơn một lần tôi nhìn thấy vết muối hòa cùng mồ hôi lấm tấm trên khuôn mặt diêm dân và tôi chắc chắn họ cũng có những giấc mơ, giấc mơ về những cánh đồng muối năng suất 50 tấn/ha. Và từ đó, muối để làm ra mắm, muối để làm gia vị với bao bì bắt mắt, muối để xuất khẩu đến những quốc gia không may mắn có được bờ biển dài như nước ta. Và từ đó, muối biến thành chiếc áo lành lặn, muối biến thành mái nhà khang trang cho diêm dân.

 

Tôi tin một ngày, trên cánh đồng muối trắng muốt, những diêm dân chịu thương chịu khó sẽ tự hào nhìn ngắm sản phẩm lao động được đền đáp xứng đáng của họ, nói cho nhau nghe về chuyện Việt Nam nhập khẩu muối ăn như là một kỷ niệm hôm qua!

 

VĂN NGỌC 

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek