Tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát, nhu cầu vay vốn để phục hồi sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp tăng cao. Hiện nhiều ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh tung ra các gói tín dụng ưu đãi dành cho nhiều đối tượng khách hàng nhằm kích cầu tín dụng trong những tháng cuối năm.
Sau một thời gian sản xuất kinh doanh bị ngưng trệ, gián đoạn do ảnh hưởng của dịch bệnh, đến nay, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã bắt đầu khởi động lại nên nhu cầu vay vốn dần tăng.
Khởi động lại hoạt động sản xuất, kinh doanh
Hơn 1 tháng qua, từ khi Phú Yên cơ bản kiểm soát được dịch COVID-19, bắt đầu trạng thái “bình thường mới”, khách sạn Hùng Vương đã chuẩn bị các điều kiện để hoạt động trở lại. “Về nhân lực, chúng tôi cố gắng đảm bảo cho nhân viên được tiêm 2 mũi vắc xin phòng COVID-19 nhằm giúp họ yên tâm làm việc. Về cơ sở vật chất, khách sạn đã tu bổ, vệ sinh trang hoàng, sẵn sàng đón khách. Với những đối tác cũ, chúng tôi cố gắng kết nối, đưa ra các chương trình quảng bá, khuyến mãi để thu hút khách đến lưu trú”, bà Cao Lê Hoài Thảo, Giám đốc khách sạn Hùng Vương cho biết.
Theo bà Thảo, hiện nay, ngành Du lịch đã khởi động lại nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn vì nguồn khách chủ yếu đến từ TP Hồ Chí Minh và Hà Nội - là hai nơi dịch bệnh còn phức tạp, thời tiết lại đang vào mùa mưa nên rất ít khách. Mặc dù vậy, việc chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để đón khách là cần thiết. Và để làm được điều này, ngoài nỗ lực của các đơn vị kinh doanh, sự hỗ trợ của các sở, ban ngành, địa phương thì doanh nghiệp cần được ngân hàng tiếp vốn. “May mắn là trong thời điểm này, ngân hàng có những động thái rất tích cực để hỗ trợ doanh nghiệp nên chúng tôi mạnh dạn vay vốn đầu tư, chuẩn bị đón khách ngay khi dịch bệnh được kiểm soát”, bà Thảo nói.
Những ngày này, cửa hàng hoa vải Tín Khôi (phường 4, TP Tuy Hòa) bắt đầu có khách trở lại. Bà Trần Bách Thương, chủ cửa hàng này cho hay: Dịch bệnh ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh của cửa hàng. Bởi shop hoa vải Tín Khôi ngoài bán cho khách lẻ thì chủ yếu phục vụ hoa trang trí tiệc cưới, quán cà phê, nhà hàng... Khi dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, các hoạt động này đều tạm ngừng, cửa hàng cũng không bán được. Shop mới mở bán lại gần 2 tháng nay, cần vốn để nhập hàng thì được ngân hàng xét cho vay với lãi suất ưu đãi.
Theo ông Huỳnh Quốc Thi, Giám đốc HDBank Phú Yên, hiện nay, sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, nhu cầu vay vốn phục hồi sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh rất cao. Khách hàng khi có phương án cụ thể và liên hệ với ngân hàng thì đều được hỗ trợ vốn một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất.
Kích cầu tín dụng
Hiện các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh tung ra nhiều gói tín dụng ưu đãi đáp ứng nhu cầu vốn phục hồi sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hộ kinh doanh và nhu cầu vay vốn tiêu dùng phục vụ đời sống của người dân sau dịch.
“HDBank đang triển khai nhiều gói sản phẩm dành cho các phân khúc khách hàng khác nhau nhằm đồng hành, hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Theo đó, khách hàng doanh nghiệp được vay vốn mua sắm máy móc thiết bị để phục hồi và mở rộng sản xuất với lãi suất ưu đãi từ 5-7%/năm. Khách hàng cá nhân vay tiêu dùng, hộ kinh doanh vay vốn sản xuất kinh doanh cũng được ưu đãi với lãi suất chỉ từ 5-7%/năm”, ông Huỳnh Quốc Thi cho biết.
Còn theo ông Nguyễn Việt Linh, Phó Giám đốc BIDV Phú Yên, hiện BIDV Phú Yên có những gói ưu đãi cho khoản vay vốn lưu động đối với khách hàng sản xuất kinh doanh. Đồng thời, để kích thích nhu cầu tiêu dùng của người dân, hộ kinh doanh, BIDV đưa ra các gói tín dụng tiêu dùng cho vay mua, xây dựng, sửa chữa nhà ở và mua ô tô. Đây là hai gói mũi nhọn của đơn vị với lãi suất từ 6,6%/năm. “Để đảm bảo an toàn phòng chống dịch, hiện nay, BIDV Phú Yên còn lắp đặt miễn phí các mã Viet QR và QR Pay cho các hộ tiểu thương, giúp khách hàng thuận tiện thanh toán, không cần phải đến ngân hàng giao dịch nộp, rút tiền. Qua đó góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt”, ông Linh nói.
Ông Đặng Hồng Lĩnh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên cho rằng: Mối quan hệ giữa khách hàng với ngân hàng như môi với răng, cứu khách hàng cũng là cứu ngân hàng. Vì vậy, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, Ngân hàng Nhà nước luôn có chỉ đạo xuyên suốt về việc các ngân hàng phải tiết giảm tối đa chi phí để giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ, giãn nợ... nhằm chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, người dân. Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, các ngân hàng cần tiếp tục có những gói tín dụng ưu đãi để thúc đẩy phục hồi nền kinh tế. Đây không chỉ là trách nhiệm, mà còn là giải pháp đồng hành với khách hàng, cùng nhau phát triển bền vững.
Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, các ngân hàng cần tiếp tục có những gói tín dụng ưu đãi để thúc đẩy phục hồi nền kinh tế. Đây không chỉ là trách nhiệm, mà còn là giải pháp đồng hành với khách hàng, cùng nhau phát triển bền vững.
Ông Đặng Hồng Lĩnh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên |
LÊ HẢO