Nhiều năm gần đây, người dân huyện Đồng Xuân tận dụng đất trống trong rẫy keo để xen canh cây lúa rẫy, lấy ngắn nuôi dài, giúp tăng hiệu quả kinh tế.
Người trồng thí điểm mô hình này đầu tiên ở huyện Đồng Xuân là già làng Ma Nghĩa ở xã Phú Mỡ. Già làng Ma Nghĩa cho biết: Từ nhiều năm trước, khi nhìn thấy những rẫy keo mới xuống giống, cây còn nhỏ, đất trống nhiều nên tôi nảy ra ý định trồng xen canh cây lúa rẫy. Ban đầu tôi chỉ làm thí điểm trên diện tích nhỏ. Trong quá trình chăm sóc, tôi thấy cây lúa phát triển bình thường, cây keo cũng không bị ảnh hưởng gì, mà năng suất lúa lại đạt khá nên mở rộng sản xuất và vận động, hướng dẫn nhiều bà con làm theo. Theo Ma Nghĩa, trồng keo có thời gian đầu tư đến 5 năm, nếu các hộ dân không có nguồn thu khác thì rất khó khăn trong cuộc sống. Chính vì vậy, nếu tận dụng những năm đầu khi keo còn nhỏ để xen canh lúa rẫy vào thì sẽ có nguồn lương thực chủ động, giúp các gia đình không bị thiếu đói giáp hạt.
Học tập Ma Nghĩa, nhiều năm nay, bà La Thị Hiếu ở xã Phú Mỡ cũng xen canh cây lúa trong rẫy keo lá tràm rộng 2ha của gia đình. Bà Hiếu cho biết: Đây là năm thứ 3 liên tiếp tôi trồng xen canh 2 loại cây này trên cùng một diện tích. Khi trồng lúa, mình thường xuyên làm cỏ, việc này vừa giúp lúa phát triển mà keo cũng hưởng lợi. Sau khi thu hoạch lúa, một lượng lớn rơm được thải ra để ngay chân ruộng tạo thành phân hữu cơ bón cho cây keo.
Tương tự, khoảng 5 năm nay, người đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Đa Lộc cũng trồng xen canh lúa trong rẫy keo. Ma Kẻng ở xã Đa Lộc cho biết: Khi trồng xen canh lúa trong rẫy keo, cây lúa giúp giữ nguồn nước mặt trong rẫy những năm đầu mới xuống giống nên cây keo phát triển tốt hơn trước rất nhiều. Chính nhờ được trồng xen canh với cây lúa nên rẫy keo được thăm nom, chăm sóc thường xuyên, cỏ rác được thu dọn sạch sẽ… Những rẫy keo 2 năm tuổi có trồng xen lúa thì tốc độ phát triển gần bằng các rẫy keo 3 năm tuổi không trồng xen.
Phó Chủ tịch UBND xã Đa Lộc Châu Văn Hiền cho hay: Toàn xã hiện có khoảng 70ha đất trồng keo xen canh lúa. Loại lúa bà con sản xuất là giống lúa rẫy của đồng bào, chịu hạn rất tốt nên phù hợp khi trồng xen trong rẫy keo. Mô hình này đã giúp người dân tăng hiệu quả kinh tế trên cùng một diện tích đất sản xuất. Hiện năng suất bình quân mỗi hécta lúa rẫy trồng xen trong rừng keo được khoảng 40 bao (50kg/bao) với giá bán luôn cao gấp đôi lúa thịt nên bà con có được nguồn thu nhập tương đối khá.
Theo Phòng NN-PTNT huyện Đồng Xuân, hiện mô hình trồng lúa rẫy xen canh với keo lai được bà con đồng bào dân tộc thiểu số phát triển trong khoảng 5 năm trở lại đây, tập trung chủ yếu ở các xã vùng đồng bào như Phú Mỡ, Đa Lộc và Xuân Quang 1. Mô hình này không chỉ tăng hiệu quả kinh tế mà còn giúp bảo vệ nguồn nước mặt cho nhiều cánh rừng sản xuất.
SƠN CA