Đây là hoạt động được Ban chỉ đạo 389 tỉnh, lực lượng quản lý thị trường, ngành chức năng của tỉnh nỗ lực thực hiện trong thời gian qua và tiếp tục được triển khai trong những tháng cuối năm, nhằm ổn định hoạt động kinh doanh, kiểm soát thị trường hàng hóa, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Bám sát chỉ đạo các cấp
Theo dự báo của Ban chỉ đạo 389 quốc gia, trong thời gian tới, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm sẽ diễn biến phức tạp, đặc biệt những tháng cuối năm 2021. Để công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả chuyển biến căn bản hơn, vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh đã yêu cầu ban chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương quán triệt thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, của Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ đạo 389 quốc gia về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu ban chỉđạo 389 các bộ, ngành, địa phương còn phải tập trung hoàn thiện chính sách, quy định của pháp luật; quán triệt, chỉ đạo các lực lượng chức năng đẩy mạnh việc ứng dụng KH-CN, tăng cường phối hợp kết nối, chia sẻ thông tin phù hợp với tình hình mới; làm tốt công tác nghiệp vụ, phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm.
Cùng với chỉ đạo trên, từ đầu năm đến nay, Bộ Công thương, Tổng Cục Quản lý thị trường, Ban chỉ đạo 389 quốc gia, tỉnh cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện hiệu quả công tác đấu tranh, phòng chống kinh doanh hàng nhập lậu, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng giả, không rõ nguồn gốc… Và mới đây, tại buổi tọa đàm trực tuyến chủ đề “Hàng giả, hàng nhập lậu và gian lận thương mại, thực trạng và giải pháp” do Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp - cơ quan của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, các ngành chức năng, địa phương, quản lý thị trường… cũng đã đề xuất nhiều giải pháp trong thời gian tới.
Tại Phú Yên, triển khai theo đúng tinh thần chỉ đạo của các bộ, ngành, Tổng cục, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã quán triệt, chỉ đạo trong toàn lực lượng đẩy mạnh thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để tuần tra, giám sát tình hình, kịp thời ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm, nhất là hành vi gian lận trong kinh doanh tại các doanh nghiệp, cơ sở và hoạt động vận chuyển hàng nhập lậu trên địa bàn. Theo đó, từ đầu năm đến nay, lực lượng quản lý thị trường tỉnh đã phối hợp với các ngành chức năng trên địa bàn tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm 1.184 vụ; trong đó, 368 vụ vi phạm về hàng cấm, nhập lậu, 796 vụ về gian lận thương mại, 20 vụ về hàng giả, sở hữu trí tuệ. Đơn vị đã xử phạt vi phạm hành chính trên 6,8 tỉ đồng và tổng trị giá hàng hóa vi phạm bị tịch thu gần 8,7 tỉ đồng.
Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra hàng hóa tạm giữ tại kho. Ảnh: VÕ PHÊ |
Có giải pháp phù hợp thực tế
Trong công tác quản lý, kiểm soát thị trường, mặc dù các cơ quan nhà nước đã có nhiều văn bản chỉ đạo kịp thời, đưa ra những giải pháp quyết liệt nhưng nạn buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng cấm vẫn âm thầm diễn ra, gây rất nhiều hệ lụy cho doanh nghiệp, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, tác động xấu đến xã hội. Tại tỉnh, tình hình vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc; lâm sản, khoáng sản trái pháp luật trên các tuyến quốc lộ 1, 25, 29 bằng nhiều phương thức, thủ đoạn và ngày càng tinh vi, phức tạp. Việc kinh doanh hàng giả, nhập lậu và gian lận cũng ngày càng gia tăng. Do đó, công tác ngăn chặn, xử lý đối tượng vi phạm tiếp tục được lực lượng chức năng chú trọng và rất cần sự đồng thuận, kết nối của doanh nghiệp với các cơ quan quản lý.
Hiện nay, để đề phòng các cơ sở kinh doanh tung ra thị trường hàng hóa, thực phẩm quá hạn sử dụng, cận đát… có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã tổ chức đợt kiểm tra tổng lực nhằm ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi vi phạm của các đối tượng. Đặc biệt là từ đây đến cuối năm, nhu cầu tiêu dùng của người dân sẽ tăng, lưu lượng lưu thông hàng hóa trên địa bàn sẽ rất lớn. Với những giải pháp đã được xây dựng, bám sát nội dung, kế hoạch đã đề ra, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, Cục Quản lý thị trường Phú Yên cùng các lực lượng chức năng trên địa bàn đồng loạt triển khai nhiều giải pháp như tổ chức tuần tra, phối hợp chặt chẽ, bám sát địa bàn; phát hiện, xử lý hành vi bán hàng kém chất lượng, tăng giá quá mức, gây bất ổn thị trường…
Trong khả năng dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến khó lường, thực hiện chỉ đạo của Ban chỉ đạo 389 tỉnh, lực lượng quản lý thị trường cũng đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, không để xảy ra tình trạng khan hiếm, tích trữ hàng hóa, giúp các địa phương đảm bảo đáp ứng các mặt hàng thiết yếu, phục vụ người dân. Đơn vị cũng triển khai nhiều giải pháp kiểm soát thị trường trên cơ sở căn cứ các nội dung, quy định của Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ phù hợp với công tác của ngành phụ trách và tình hình thực tế tại địa phương.
Từ đầu năm đến nay, lực lượng quản lý thị trường tỉnh tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm 1.184 vụ; trong đó, 368 vụ vi phạm về hàng cấm, nhập lậu, 796 vụ về gian lận thương mại, 20 vụ về hàng giả, sở hữu trí tuệ. Đơn vị đã xử phạt vi phạm hành chính trên 6,8 tỉ đồng và tổng trị giá hàng hóa vi phạm bị tịch thu gần 8,7 tỉ đồng. |
HUỲNH TRANG
Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh