Lúa vụ mùa trồng trên vùng gò đồi, nhiều nơi gọi là lúa rẫy, không chủ động nước tưới mà sản xuất dựa vào nước trời. Năm nay mưa nắng đan xen, lúa vụ mùa phát triển tốt.
Trồng lúa tránh lụt
Sáng, ông Nguyễn Văn Bảy ở thôn Phước Lộc, xã Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân) ra cánh đồng gần suối Ré phun thuốc phòng trừ bệnh vàng lá lúa. Nhìn đám lúa thời kỳ mạ, chân ruộng đủ nước, ông Bảy nói: Năm nay thời tiết thuận lợi, mưa nắng đan xen, ruộng lúc nào cũng có nước, vãi phân phun thuốc thuận lợi. Đám ruộng này cỡ 1 tháng nữa làm đòng là không sợ lụt “ăn”.
Làm lúa vụ mùa ở đây chủ yếu dựa vào nước trời. Đầu tháng 9, trời có mưa, nông dân be bờ hứng nước trời cày ải rồi gieo khô (vãi lúa trên đất khô rồi cày vùi lấp, chứ không ngâm ủ giống sạ).Từ khi lúa nảy mầm đến lúc trổ đòng rơi vào những tháng mưa lụt, có năm nước lụt băng đồng nên nông dân kinh nghiệm trồng lúa “canh” tránh lụt.
“Tôi trồng giống lúa Đà Nẵng, loại này thời gian sinh trưởng 4 tháng, mình canh sao qua 23/10 âm lịch, lúa trổ đòng để tránh lụt. Trước đây có năm làm giống ngắn ngày lúa trổ sớm, khi gié lúa chưa ngậm sữa thì nước lụt ngâm, hư hết. Vùng này ai cũng làm giống lúa Đà Nẵng để tránh lụt. Loại này cho cơm dai, thuận lợi làm bún, đổ bánh bèo, đúc bánh xèo nên hạt lúa làm ra nhiều người ưa chuộng”, ông Trần Văn Đông ở thôn Phú Xuân A, xã Xuân Phước (huyện Đồng Xuân), nói.
Bà Nguyễn Thị Trúc Mai, Phó Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Đồng Xuân, cho biết: Toàn huyện xuống giống được 550ha lúa mùa. Phòng NN-PTNT cùng với các địa phương theo dõi sát diễn biến tình hình sâu bệnh trên các loại cây trồng chính, trong đó có lúa vụ mùa để dự báo và hướng dẫn nông dân phòng trừ kịp thời, hiệu quả, đảm bảo năng suất cây trồng. Lúa vụ mùa ở Đồng Xuân năng suất ước đạt 40 tạ/ha, sản lượng 2.200 tấn.
Dọc theo vùng gò đồi từ thôn Hòa Ngãi đến thôn Hòa Nghĩa, Hòa Thuận thuộc xã Sơn Định (huyện Sơn Hòa), những đám lúa vụ mùa gần bờ suối đơm lên màu xanh. Đối với người dân khu vực miền núi này, lúa vụ mùa sau khi thu hoạch để ăn giáp hạt cho đến sau tết. Đang ra đám ruộng đắp bờ, bẹo chuột, bà Bùi Thị Hay ở thôn Hòa Nghĩa cho biết: Lúa vụ mùa năm nay từ khi gieo sạ đến nay thời tiết thuận lợi, cây lúa lên xanh. Đám lúa này nằm kề bên suối nên be bờ cao, đề phòng mùa mưa lụt nước, suối tràn vào ruộng chảy mạnh làm lúa ngã. Xung quanh đây là vùng gò đồi, gần đám mía, chuột ẩn nấp nhiều nên bà con phòng trừ chuột cắn lúa.
Theo ông Nguyễn Quốc Hải, Chủ tịch UBND xã Sơn Định, lúa vụ mùa nông dân gieo sạ trên vùng gò đồi gần khe nước, họng suối. Vùng này gia đình nào làm lúa vụ mùa thì có đủ gạo ăn trong dịp tết. Những năm gặp nắng hạn, lúa mất mùa, UBND xã nhận và cấp phát gạo cứu đói cho người dân trong dịp tết. Hiện bà con ở đây tích cực chăm sóc lúa vụ mùa để cuối vụ thu hoạch đạt năng suất cao.
Ngăn suối dẫn nước
Cánh đồng lúa vụ mùa ở thôn Triều Sơn, xã Xuân Thọ 2 (TX Sông Cầu) đang lên xanh, nông dân tập trung phòng trừ sâu bệnh. Bà Bùi Thị Vân ở thôn Triều Sơn ra thăm ruộng, chia sẻ: Làm lúa ở đây không có công trình thủy lợi, chỉ chờ nước trời. Cánh đồng này lúa xanh tươi nhờ nước mạch từ các núi chảy xuống suối, nông dân ngăn lại rồi dẫn vào ruộng, cộng với đám ruộng hứng nước trời. Năm trước, trời ít mưa, nguồn nước ở đây cạn kiệt, ruộng thiếu nước ngọt, nước mặn từ cầu Lò Vôi tràn vào ngấp nghé, làm lúa khô lá. Riêng năm nay trời mưa thuận lợi, nước từ mạch suối đầy đủ, nông dân phòng chuột, sâu đục thân, sâu cuốn lá nhỏ gây hại lúa.
Ông Võ Lý ở thôn Phong Thái, xã An Lĩnh (huyện Tuy An) đang nhổ cỏ trong đám ruộng, cho hay: Ruộng ở cánh đồng này nằm ngay họng con suối rách (suối đá). Qua mỗi đợt mưa, nước ở đầu nguồn chảy về, người dân be bờ mương dẫn nước vào ruộng. Có đám kề suối nhưng cao hơn gọi là lúa rẫy thì ngăn suối thành con đập nhỏ tát hoặc dùng máy bơm nhỏ; nhưng có năm được mùa, có năm mất mùa vì gặp năm mưa ít nên đập thiếu nước. Riêng năm nay, mưa rải đều nên lúa vụ mùa đủ nước. Thường lúa vụ mùa ở đây năm nào được mùa thì gặt 1 sào được 5-6 bao lúa (mỗi bao 50kg).
Theo nhiều người dân, sản xuất lúa vụ mùa ở đây trải qua những tháng mùa mưa nên hứng trực tiếp nước trời, nước đập chỉ tưới bổ sung; vì đập đắp bằng đất đá thủ công nên độ kín giữ nước không đảm bảo, bị rò rỉ thất thoát nhiều, dẫn đến lưu lượng nước trong đập không đủ tưới suốt vụ. Năm nào mùa mưa kết thúc sớm, thời tiết nắng hạn thì ruộng khô nước. Người dân mong muốn ngành chức năng hỗ trợ kinh phí kiên cố bờ đập để sản xuất lúa ổn định.
Thống kê của UBND xã An Lĩnh, toàn xã hiện có 8 đập nước, tập trung ở thôn Phong Thái, Quang Thuận, Tư Thạnh, Thái Long và Vĩnh Xuân. Các đập này khi trời mưa có nước dẫn về ruộng tưới. “Lúa vụ mùa, toàn xã gieo sạ 60ha, năng suất ước đạt 41 tạ/ha, sản lượng 246 tấn. Những năm qua do nắng hạn, đập khô cạn, không đủ nước tưới nên hầu hết ruộng bị thiếu nước, trong đó có một số diện tích lúa mất trắng. Xã đang kiến nghị ngành chức năng hỗ trợ kinh phí để tu sửa các con đập tích nước lâu dài để tưới ổn định vụ đông xuân, nông dân đầu tư sản xuất tăng thu nhập”, ông Nguyễn Ngọc Vương, Chủ tịch UBND xã An Lĩnh nói.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, đến nay, nông dân đã gieo sạ 3.802ha lúa vụ mùa, trong đó TX Sông Cầu 772ha, huyện Đồng Xuân 550ha, Sơn Hòa 590ha, Sông Hinh 95ha, Tuy An 1.680,5ha, Phú Hòa 70ha và TP Tuy Hòa 45ha; cơ cấu giống ML49, ML48, ML213, Khang Dân 18, ĐV108. Hiện lúa đang giai đoạn đẻ nhánh, chuột gây hại diện tích 0,9ha tại Tuy An và Sơn Hòa; sâu đục thân gây hại với diện tích 0,8ha tại huyện Sơn Hòa; bệnh đốm nâu gây hại với diện tích 0,5ha, giai đoạn cuối đẻ nhánh tại huyện Đồng Xuân. Ngoài ra còn có bệnh khô vằn, bệnh thối bẹ, ốc bươu vàng... gây hại rải rác. |
MẠNH LÊ TRÂM