Mới đây, tại cuộc họp Ban chỉ đạo về Tổng kết đánh giá công tác điều hành giá quý III/2021, kịch bản điều hành giá quý IV/2021, đầu năm 2022, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết: Giá xăng dầu thành phẩm bình quân trên thị trường thế giới dùng để tính giá cơ sở tăng từ 59,08-76,03%, trong khi giá xăng dầu trong nước từ đầu năm đến nay tăng 40,23-52,59%.
Tại thị trường trong nước, để kiềm chế đà tăng của giá xăng dầu, tránh gây ảnh hưởng đến giá các mặt hàng khác, thời gian qua, liên bộ Tài chính - Công thương đã liên tục chi từ Quỹ bình ổn giá xăng dầu với mức chi hơn 9.000 tỉ đồng. Trong khi nguồn quỹ có hạn và các doanh nghiệp xăng dầu như Petrolimex, PV OIL đã âm quỹ bình ổn. Dù mong muốn giữ được giá xăng dầu hoặc giảm là tốt nhất, còn nếu tăng thì mức tăng ít nhất, nhưng việc điều hành vẫn phải đảm bảo phản ánh được xu hướng giá thành phẩm xăng dầu thế giới và quan trọng nhất là phải phù hợp với thực tế hiện nay là dư địa điều hành trong nước. Tức là chỉ có hai cách, hoặc phải tăng theo giá thế giới, hoặc phải giảm thuế.
Theo Bộ Công thương, bộ đã báo cáo Chính phủ về việc hiện cơ cấu thuế đang chiếm hơn 40% giá thành sản xuất xăng dầu. Song các dự báo đều cho rằng, giá xăng dầu trên thế giới sẽ tiếp tục tăng từ nay đến cuối năm và khả năng trong quý IV có thể tăng lên 105-110 USD/thùng. Nếu giá xăng dầu thế giới tiếp tục tăng thì trong nước cũng phải có dư địa để điều chỉnh. Còn nếu không có công cụ gì, giá xăng dầu trong nước sẽ tăng đúng theo giá thế giới.
Qua theo dõi diễn biến thị trường, liên tiếp từ tháng 2/2021 đến nay, giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh 13 lần tăng, 4 lần giảm. Gần đây nhất, liên bộ Tài chính - Công thương tiếp tục công bố điều chỉnh tăng giá xăng, dầu; trong đó xăng RON95-III tăng hơn 1.460 đồng, vượt mốc 24.000 đồng/lít; xăng E5RON92 tăng 1.430 đồng, nâng mức xăng này lên 23.110 đồng/lít; dầu diesel, dầu hỏa cũng tăng trên 1.000 đồng/lít. Đây là mức tăng cao nhất trong vòng 7 năm qua.
KHANG ANH (tổng hợp)