Xã Đa Lộc (huyện Đồng Xuân) là vùng nuôi heo lớn nhất tỉnh, với 14 trại nuôi công nghiệp công nghệ cao. Thời gian qua, dù giá heo giảm mạnh, nhưng người nuôi heo trang trại vẫn có lãi.
Giá heo chạm đáy, người nuôi nhỏ lẻ lỗ vốn
Bà Mai Thị Lanh, nuôi heo ở xã Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân), giáp ranh xã Đa Lộc cho hay: Mấy ngày nay, tôi gọi thương lái để bán 6 con heo thịt có trọng lượng 80kg/con, nhưng không ai đến. Heo ế ẩm đã đành, giá heo cũng hạ thấp chưa từng thấy. Hiện heo nuôi nông hộ có giá 36.000 đồng/kg hơi. Tại thời điểm này, nếu ai nuôi đàn heo càng lớn thì lỗ càng nhiều.
Theo tính toán của bà Lanh, với giá 36.000 đồng/kg hơi như hiện nay, một con heo nuôi chuồng (nuôi nông hộ) với giống heo siêu nạc đạt trọng lượng 80kg/con, sau khi xuất chuồng trừ chi phí, người nuôi sẽ lỗ trên 500.000 đồng/con.
Lứa heo này bà Lanh nuôi lúc con giống có giá 1,4 triệu đồng/con (6kg), đến lúc đạt 80kg/con. Mỗi con heo từ lúc thả giống đến khi xuất chuồng, chi phí thức ăn chăn nuôi hết 2 triệu đồng, đó là đã cho ăn xen rau muống. Cộng với tiền con giống, mỗi con heo có chi phí đầu vào là 3,4 triệu đồng. Thế nhưng với giá bán 36.000 đồng/kg heo hơi như hiện nay, heo đạt trọng lượng 80kg/con chỉ bán được gần 2,9 triệu đồng, như vậy người nuôi phải chịu lỗ 520.000 đồng.
Đó là chưa kể công chăm sóc, thuốc thú y cho đàn heo suốt 5 tháng. “Tôi nuôi heo gần 10 năm nay nhưng chưa bao giờ lâm cảnh lỗ thê thảm như lúc này. Với giá heo hạ sát đáy như hiện nay, hộ nuôi heo nhà (nuôi nhỏ lẻ) bị lỗ. Ai nuôi nhiều lỗ nhiều, ai nuôi ít lỗ ít. Giá heo hạ thấp đã đành, sức mua cũng giảm mạnh, thị trường tiêu thụ thịt heo ế ẩm”, bà Lanh buồn bã nói.
Ông Vũ Văn Tuấn, chuyên mua heo hơi ở huyện Đồng Xuân, cho hay: Heo đến lứa bán mà chưa xuất chuồng được, cứ nằm đó ăn thì người nuôi càng thêm tiêu tốn nên ai cũng kêu bán. Trong khi đó heo từ các tỉnh Tây Nguyên và các tỉnh phía Nam chở đến tận lò mổ bán giá ngang bằng với heo nhà, vì vậy chủ lò mổ không đi dạo mua tận chuồng.
Nuôi theo hợp đồng vẫn thu nhập khá
Theo ông Nguyễn Văn Hảo, nuôi heo trang trại bằng máy lạnh (công nghệ cao) ở xã Đa Lộc, gia đình hợp đồng với một công ty nuôi 1.400 con heo. Phần con giống, thức ăn và đầu ra thì công ty chịu, người nuôi chịu mặt bằng trang trại, điện, nước. Khi heo đạt trọng lượng xuất chuồng từ 1-1,3 tạ/con thì người nuôi được 4.000 đồng/kg hơi. Vừa rồi ông Hảo xuất chuồng lứa heo thu được 550 triệu đồng, sau khi trừ chi phí tiền điện, tiền công và các khoản khác, còn lãi 300 triệu đồng.
“Thông thường heo nuôi 5 tháng thì xuất bán, nhưng do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, nên lứa heo vừa rồi tôi nuôi đến 7 tháng mới xuất chuồng. Trong 2 tháng nuôi thêm đó, người nuôi chia sẻ với công ty khoản tiền điện nên chi phí đội thêm 50 triệu đồng nữa là 250 triệu đồng, nếu không thì chi phí tiền điện, công nuôi… trung bình 200 triệu đồng cho nuôi lứa heo”, ông Hảo nói.
Ông Nguyễn Văn Hùng cũng ở xã Đa Lộc, vừa rồi xuất chuồng 1.300 con heo cho biết khi thả heo con nuôi đến khi xuất chuồng, trọng lượng mỗi con thường đạt gần 1 tạ, sau khi trừ trọng lượng heo con (heo giống), còn lại khối lượng tăng trọng, người nuôi được công ty trả “đầu ký hơi”, trước đây mỗi ký là 5.000 đồng, nay còn 4.000 đồng.
“Giả sử một con heo khi xuất chuồng nặng 1,3 tạ, trừ heo con 30kg, còn lại 1 tạ, đem nhân với 4.000 đồng (theo hợp đồng ký kết gọi là công nuôi), là số tiền người nuôi hưởng lợi, sau đó mới trừ các khoản chi phí khác. Theo hợp đồng nuôi heo bằng máy lạnh thì bên công ty đầu tư giống, thức ăn, thuốc thú y và lo đầu ra sản phẩm, còn người nuôi chịu cơ sở vật chất gồm trang trại, điện, công nuôi… Giá heo ngoài thị trường hạ nhưng nhờ công ty lo đầu ra nên người nuôi không lo lắng.
“Trên địa bàn xã Đa Lộc có 14 trang trại nuôi heo, trong đó 8 trại nuôi hở, 6 trại nuôi khép kín bằng máy lạnh. Việc nuôi heo trang trại, tuyển chọn con giống tốt, an toàn sinh học, qua đó đẩy mạnh công tác nạc hóa đàn heo. Đây là xã miền núi được các cấp quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung. Người nuôi thực hiện khử trùng, tiêu độc không để xảy ra tình hình dịch bệnh, mang lại thu nhập cao”, ông Trương Thái Hòa, Chủ tịch UBND xã Đa Lộc, cho hay.
Thời gian qua, UBND huyện Đồng Xuân chỉ đạo Phòng NN-PTNT phối hợp với Trạm Chăn nuôi và Thú y tăng cường kiểm tra và triển khai quyết liệt đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. Qua đó, huyện khuyến khích các hộ dân nhân rộng mô hình nuôi heo thâm canh, phòng chống dịch tả heo châu Phi, phát triển chăn nuôi gia đình theo hướng sản xuất hàng hóa, an toàn dịch bệnh, có chất lượng và hiệu quả kinh tế cao.
Ông Phạm Trung Chánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân |
MẠNH LÊ TRÂM