Giá phân bón tăng cao khiến lợi nhuận của nông dân sụt giảm và gặp khó trong khâu tái đầu tư vụ mới.
Mua phân bón giá cao
Trong những tháng qua, giá phân bón tiếp tục tăng mạnh. Tại đại lý phân bón nông nghiệp ở xã Hòa Tân Đông (TX Đông Hòa), trước đây các loại phân bón (50kg/bao) có giá dưới 600.000 đồng thì nay đã tăng lên hơn 700.000 đồng. Cụ thể, phân DAP (50kg/bao) trước tháng 10 giá 800.000 đồng thì nay nhảy lên 1,1 triệu đồng/bao. Phân NPK TE (50kg) giá 640.000 đồng nay tăng lên 800.000 đồng/bao.
Ông Nguyễn Văn Thức, nông dân ở xã Hòa Tân Đông, cho hay: Tôi trồng 1.000 hố tiêu tương đương 1ha tiêu ở xã Sơn Thành Đông (huyện Tây Hòa). Chăm sóc cho tiêu đang ra bông, người trồng bón phân để tiêu ra bông nhiều, trái sai. Với giá như hiện nay 800.000 đồng/bao phân NPK TE thì trung bình mỗi hố tiêu chi phí bón phân ít nhất 20.000 đồng/tháng, với 1.000 hố tiêu thì gia đình phải đầu tư 20 triệu đồng. Thời gian nuôi bông đến khi ra trái cho thu hoạch còn 7 tháng nữa thì chi phí lên đến 140 triệu đồng. Đó là phân cho bón gốc, chưa tính phân bón lá.
Theo ông Thức, giá phân tăng cao nhưng người dân cũng phải mua. “Nếu không bón đủ phân, vườn tiêu không phát triển, ra bông ít từ đó năm sau sản lượng sẽ giảm dẫn đến thất thu. Tôi mong cơ quan chức năng sớm có giải pháp để kìm hãm giá phân, giúp nông dân tái đầu tư”, ông Thức nói.
Còn tại thị trấn Phú Thứ (huyện Tây Hòa), thời điểm đầu năm, 1 bao phân bón kali đơn khoảng 400.000 đồng thì nay đã hơn 700.000 đồng. Giá phân bón ngày càng tăng mạnh và chưa có dấu hiệu giảm. Ông Nguyễn Văn Phong, chủ đại lý phân bón nông nghiệp thị trấn Phú Thứ, cho biết: Nếu như tháng 7, bao phân đạm (50kg) có giá 400.000 đồng thì thời điểm hiện tại đã tăng lên gấp đôi. Còn từ đầu tháng 10 đến nay, giá ure, DAP và kali tăng thêm từ 1-1,5 triệu đồng/tấn. Theo lý giải của các đại lý đầu mối, nguyên nhân phân tăng giá là do nguyên liệu nhập từ nước ngoài, trong khi đó dịch bệnh COVID-19 gây khó khăn trong khâu nhập nguyên liệu nên đẩy giá tăng cao.
Lúa hạ giá
Phân bón tăng giá đã ảnh hưởng rất lớn tới hiệu quả kinh tế nhà nông; đặc biệt là hiện nay giá lúa hạ khiến nông dân không có lãi. Giá lúa sô hiện nay 6.800 đồng/kg, tăng so với đầu vụ (đầu vụ giá lúa 5.500 đồng/kg), tuy nhiên so với vụ hè thu năm ngoái thì giá thấp hơn 500 đồng/kg (vụ hè thu năm ngoái giá lúa 7.300 đồng/kg).
Bà Nguyễn Thị Thanh Trang ở xã An Thạch (huyện Tuy An) chia sẻ: “Gia đình tôi thu hoạch xong 2 sào lúa, phơi khô cân được 700kg. Do gia đình kẹt tiền không mua phân trước mà chỉ lấy phân từ đại lý rồi bán lúa trả sau theo thỏa thuận với đại lý là giá phân tại thời điểm mua. Cuối vụ lúa, giá phân tăng mạnh, giá lúa giảm nên sau khi trừ chi phí, cuối cùng không có lãi”.
Còn ông Mạnh Thế Bình, nông dân ở xã Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân), thu hoạch 1,5 giạ giống (3 sào) lúa hè thu, cuối vụ thu 1 tấn lúa khô. Năm ngoái, giá lúa 7.300 đồng/kg, sau khi trừ chi phí còn bỏ túi 2 triệu đồng, năm nay giá lúa giảm còn 6.600-6.800 đồng/kg (tùy lúa hạt tròn hạt dài), giá phân tăng nên không có lãi. “Thường đầu vụ nông dân lấy phân từ đại lý về vãi ruộng sau đó cuối vụ đại lý đến cân lúa trừ tiền phân, giá lúa với giá phân theo giá thị trường tại thời điểm. Không chỉ tôi mà ở vùng này nông dân làm lúa đều không có lãi. Gia đình nào tận dụng công lao động sẵn có đầu tư vào đám ruộng từ khâu bón phân, phun thuốc đến thu hoạch thì lấy công làm lời; thay vì bán hết mới đủ chi phí thì để lại vài bao lúa ăn giáp hạt”, ông Bình nói.
Bà Nguyễn Thị Trúc Mai, Phó Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Đồng Xuân, cho biết: Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, giá cả vật tư đầu vào của sản xuất nông nghiệp tăng cao đột biến, trong đó giá phân bón cao nhất trong 4 năm gần đây, tác động lớn đến sản xuất, thu nhập của nông dân. Tuy nhiên, nhờ thời tiết có mưa xen kẽ các đợt nắng nóng và sự chủ động phương án chống hạn vụ hè thu và thực hiện tốt công tác giống đúng phẩm cấp nên nhìn chung các cây trồng ít bị ảnh hưởng năng suất, bù phần nào vào giá phân tăng cao.
Thời gian gần đây, giá phân bón liên tục tăng khiến người dân gặp khó khăn trong việc tái đầu tư cho cây tiêu và một số loại cây trồng dài ngày khác. Nông dân chuyển qua bón phân bò để giảm chi phí đầu tư, nhưng hiện là mùa mưa khó khăn trong khâu phơi khô và vận chuyển. Đối với trồng lúa, bón ít phân đạm, chủ yếu bón NPK và kali, giá 2 loại này cũng tăng khiến nông dân gặp khó.
Ông Trần Nguyễn Lâm Viên, Phó phụ trách Trạm Khuyến nông huyện Tây Hòa |
MẠNH LÊ TRÂM