Mới đăng ký hoạt động hơn 1 năm, trụ sở còn đang chờ phê duyệt nhưng định hướng phát triển của HTX Nông nghiệp du lịch cộng đồng An Mỹ (huyện Tuy An) để lại ấn tượng khi trở thành đơn vị kinh tế tập thể tiên phong trong lĩnh vực du lịch nông nghiệp nông thôn. Mô hình này được điều hành bởi nữ Chủ tịch HĐQT kiêm giám đốc HTX, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy.
HTX phát triển theo hướng “Nông nghiệp sạch - Du lịch xanh - Giáo dục huấn nghệ - Kết nối cộng đồng - Tôn tạo giữ gìn giá trị văn hóa bản địa”. Thông qua hoạt động trải nghiệm về nông - ngư nghiệp, tìm hiểu văn hóa ẩm thực, làng nghề truyền thống với các hoạt động như chợ phiên, tham gia các lớp ẩm thực gói bánh chưng, bánh ít… để tạo ra sự kết nối giữa dân cư địa phương với du khách khi đến đây.
Bà Thủy cho biết: Dịch COVID-19 cho chúng ta thấy giá trị của môi trường sống trong lành cần thiết như thế nào. Khi tốc độ đô thị hóa ngày càng mạnh, lao động nông thôn tìm về các thành phố lớn ngày một đông. Nhiều diện tích đất sản xuất bị bỏ hoang. Trong khi con trẻ ít có không gian để vui đùa, tuổi thơ chỉ biết tới game máy tính hay điện thoại. Vì vậy, tôi muốn làm sống lại những giá trị xưa trên cơ sở của công nghệ và phương thức quản lý hiện đại. Từ đây vừa lưu giữ giá trị truyền thống vừa tạo ra hiệu quả sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Thực ra mô hình này đã rất thành công ở các nước phát triển và ở Việt Nam hai năm trở lại đây cũng xuất hiện khá nhiều, nhưng tại Phú Yên lại là một mô hình khá mới mẻ.
Theo ông Lê Thanh Lam, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, chúng ta có cơ sở để kỳ vọng vào mô hình này khi thành viên HĐQT đã có 10 năm kinh nghiệm làm dịch vụ homestay và đang làm lúa hữu cơ trên diện tích 5ha để sản xuất gạo ST24. Trong năm qua, toàn tỉnh có nhiều HTX mới ra đời nhưng đây là HTX dám dấn thân vào mô hình mới, nâng tầm các hoạt động sản xuất nông nghiệp truyền thống theo hướng kinh tế nông thôn.
BẠCH VÂN