Nhờ mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, gia đình ông Nguyễn Hải ở thôn Cảnh Tịnh, xã Hòa Thịnh (huyện Tây Hòa) đã trồng được vườn cây ăn trái rộng 10 sào, mang lại thu nhập khoảng 80 triệu đồng/năm.
Trước khi chuyển hướng sang trồng cây ăn trái, gia đình ông Nguyễn Hải đã làm rất nhiều việc để có thu nhập nhưng không đủ để trang trải cuộc sống. Ông Hải nói: Ban đầu, gia đình tôi chỉ tập trung làm ruộng và chăn nuôi bò, heo. Tuy nhiên thu nhập bấp bênh, không đủ chi phí để lo cho các con ăn học. Đến năm 1992, tôi quyết định mua vài gốc bưởi da xanh và bưởi năm roi về trồng thử, thấy cây hợp đất, phát triển tốt nên tôi mở rộng dần diện tích canh tác và trồng thêm nhiều loại cây khác như cam sành, xoài tứ quý, xoài cát Hòa Lộc, mít Thái. Đến nay, diện tích vườn cây ăn trái của gia đình đã mở rộng hơn 10 sào (5.000m2).
Cũng theo ông Hải, để xây dựng vườn cây ăn trái, thời gian đầu, ông đầu tư khoảng 200 triệu đồng xây dựng cơ bản cho vườn gồm chi phí mua giống, lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt, cải tạo đất… Tuy nhiên, cây ăn trái là loại cây dài ngày, thời gian kiến thiết mất vài năm nên giai đoạn đầu rất khó khăn vì không có thu nhập. Từ năm thứ ba trở đi, cây bắt đầu cho trái bói và bước vào năm thứ năm, cây đã vào kỳ kinh doanh, cho thu hoạch ổn định.
Nhờ đa dạng cây trồng, mỗi loại cây lại có thời gian thu hoạch khác nhau nên vườn cây ăn trái gia đình ông Hải gần như cho thu hoạch quanh năm. Bình quân mỗi năm thu hoạch được khoảng 800-1.000kg bưởi, 150kg cam, 150kg mít và 200kg xoài. Giá bán các loại này cũng tùy thuộc theo mùa, bình quân bưởi bán được giá khoảng 50.000 đồng/kg, cam khoảng 20.000 đồng/kg, mít 10.000-20.000 đồng/kg, xoài 20.000-40.000 đồng/kg. Để tăng nguồn thu từ vườn cây, ông Hải còn trồng xen canh cây khóm dưới tán cây ăn trái và đang cho trái bói đầu mùa.
Ông Hải chia sẻ: Ban đầu khi mới trồng cây ăn trái do chưa nắm vững kỹ thuật nên gia đình gặp nhiều khó khăn trong việc phòng trừ sâu bệnh, giữ hoa để kết trái… Sau này nhờ sự hỗ trợ từ Phòng NN-PTNT huyện và tự học hỏi trên mạng internet, tôi đã khắc phục được những vấn đề trên. Để cây đạt hiệu quả, cho năng suất tốt, mỗi năm tôi bón 2 lần phân, đồng thời áp dụng nhiều biện pháp phòng trừ sâu bệnh gây hại nhất là thời kỳ kết trái để tránh bị rụng làm mất năng suất. Vào mùa nắng, tôi tủ gốc và tưới nhỏ giọt liên tục cho vườn… Cũng từ vườn cây ăn trái này, mỗi năm gia đình tôi có được lợi nhuận khoảng 80 triệu đồng. Sắp tới, khi cây khóm cho trái ổn định thì nguồn thu sẽ cao hơn nữa. So với việc trồng lúa và chăn nuôi trước đây thì trồng cây ăn trái cho thu nhập cao hơn hẳn. “Để tăng giá bán, nâng giá trị nông sản, tôi đang học hỏi kỹ thuật kích trái trái vụ nhưng đang gặp khó khăn. Tôi rất mong nhận được sự hỗ trợ từ các ngành chuyên môn để có thể nắm bắt kỹ thuật tốt nhất”, ông Hải cho biết thêm.
Theo ông Bùi Tấn Khoa, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Thịnh, với mô hình trồng cây ăn trái của gia đình, ông Nguyễn Hải đã nhiều lần được tuyên dương gương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của địa phương. Mô hình này còn được chọn làm mô hình mẫu tiêu biểu trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, được nhiều người ở các địa phương đến tham quan học tập. “Để việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đạt hiệu quả, thời gian tới, xã Hòa Thịnh tiếp tục vận động người dân chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái. Cùng với đó, địa phương đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm cho nông dân; phối hợp với ngành chức năng xây dựng các mô hình trồng cây ăn trái có giá trị kinh tế, giúp người dân giảm nghèo hiệu quả và bền vững”, ông Khoa nói.
Với mô hình trồng cây ăn trái của gia đình, ông Nguyễn Hải đã nhiều lần được tuyên dương gương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của địa phương. Mô hình này, còn được chọn làm mô hình mẫu tiêu biểu trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, được nhiều nông dân ở các địa phương đến tham quan học tập.
Ông Bùi Tấn Khoa, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Thịnh |
LÂM VIÊN - SƠN CA