Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam đã tiến hành nghiên cứu về hiện trạng quản lý rác thải tại Phú Yên trong khuôn khổ Chương trình Đô thị giảm nhựa. Báo Phú Yên phỏng vấn bà Nguyễn Thu Trang, Quản lý chương trình về phương án quản lý rác thải nhựa (RTN) trên địa bàn tỉnh.
* Vấn đề RTN tại Phú Yên hiện nay như thế nào, thưa bà?
- Nghiên cứu cho thấy ở TP Tuy Hòa, tỉ lệ RTN phát sinh từ chợ cao hơn so với hộ gia đình, với thành phần chủ yếu là bao bì nhựa, túi ni lông, hộp đựng thức ăn, ly nhựa, ống hút dùng một lần. Chỉ riêng túi ni lông, cốc nhựa và ống hút nhựa đã chiếm khoảng 60% lượng rác nhựa. Khoảng 80% RTN có giá trị thấp, khó tái chế còn lại rất ít rác nhựa là chất liệu có thể tái chế như HDPE, PET PVC.
100% các chợ trên địa bàn tỉnh được khảo sát sử dụng túi ni lông khó phân hủy. Các siêu thị, trung tâm thương mại đã bắt đầu sử dụng túi phân hủy sinh học thay thế, nhưng trong đó một số là phân rã, vẫn tạo ra các vi nhựa có thể ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe con người.
Phú Yên đang đối mặt với vấn đề ô nhiễm do rác thải sinh hoạt, trong đó có RTN. Một phần là do sự mất cân bằng một cách hệ thống giữa tính chất nghiêm trọng của vấn đề ô nhiễm nhựa và nguồn lực sẵn có của các bên liên quan tại địa phương về xử lý vấn đề này. Cụ thể, các nguồn lực tài chính cho việc đầu tư và vận hành hệ thống quản lý hợp lý đang bị thiếu hụt đáng kể hoặc không được phân bổ đúng cách; thiếu thông tin bao quát.
Trong 2 năm qua, cùng với WWF và các tổ chức khác, tỉnh đã bắt đầu triển khai và tăng cường quản lý RTN theo hướng biến rác thải thành tài nguyên để bảo vệ môi trường bền vững; giải quyết song hành các thách thức về môi trường trong quá trình phát triển; kêu gọi sự hỗ trợ từ các tổ chức, chuyên gia bên cạnh nỗ lực của địa phương.
* Kết quả nghiên cứu của WWF chỉ ra rằng: “So với chất thải rắn thì RTN dễ quản lý hơn, vì mức đầu tư thấp hơn và khả năng hoàn vốn cao nhờ vào việc tái chế nguyên liệu nhựa”. Bà có thể nói rõ hơn quan điểm này?
- Nhựa là một loại vật liệu có nhiều tính chất độc đáo như nhẹ, bền, dẻo, rẻ tiền, có khả năng tái chế và thu hồi năng lượng cao. Vấn đề hiện nay của con người là việc sử dụng và quản lý không phù hợp dẫn đến ô nhiễm môi trường. Nếu chúng ta sử dụng một cách tối ưu thì nhựa sẽ là vật liệu dễ quản lý, có khả năng hoàn vốn cao và phát huy được tối đa các đặc tính ưu việt của nó. Tối ưu ở đây là hạn chế các sản phẩm dùng một lần, dùng sản phẩm nhựa có thể tái chế sau khi sử dụng, đốt thu hồi năng lượng trong các nhà máy xử lý rác hợp quy, các lò xi măng...
Không riêng nhựa, bất kể loại vật liệu thay thế nào (giấy, gỗ, sắt…) cũng đều có thể đối mặt với các vấn đề môi trường đi kèm kể từ khi khai thác nguyên liệu (chặt phá rừng, cạn kiệt tài nguyên không tái tạo…) cho tới khi thải bỏ, tái chế (ô nhiễm đất, khí, nước…) nếu không được quản lý đúng.
* Người dân vẫn giữ thói quen thu gom chai lọ nhựa, giấy bìa… để bán phế liệu. Liệu đây có được coi là hoạt động phân loại rác từ nguồn và như vậy đã đủ để quản lý RTN, thưa bà?
- Hoạt động thu gom phế liệu đã góp phần giảm thiểu tác hại của rác thải ra môi trường thông qua việc thu gom các loại vật liệu có thể tái chế như giấy, kim loại, chai nhựa. Phế liệu được bán cho các cơ sở thu mua, sau đó được phân loại, tập hợp và bán cho đại lý lớn hơn, rồi chuyển về các cơ sở hoặc doanh nghiệp để tái chế. Tuy nhiên, việc tái chế hiện nay chỉ dừng ở việc sơ chế đơn giản.
Nhiều doanh nghiệp tái chế đang vận hành với công nghệ thô sơ, lạc hậu, hiệu quả thấp, chi phí cao, gây ô nhiễm môi trường và chất lượng sản phẩm tái chế không cao nên việc tiêu thụ rất khó khăn. Rác thải sẽ trở thành tài nguyên nếu được thu gom, phân loại một cách hiệu quả và xử lý bằng công nghệ phù hợp.
Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu cho thấy, trong tổng lượng rác thải tại TP Tuy Hòa, RTN chiếm từ 16-21%. Trong số này, 60% là túi nhựa, ly nhựa và ống hút nhựa, vỏ bánh kẹo, hầu hết có chất lượng kém và không thể tái chế. Chính vì vậy, rác nhựa vẫn tạo áp lực lên các bãi chôn lấp, gây tác hại lâu dài đến môi trường. Do đó, để thật sự quản lý RTN hiệu quả, chúng ta cần nỗ lực ngăn chặn phát sinh RTN, giảm thiểu việc sử dụng nhựa khi không cần thiết; cũng như hạn chế và nghiêm cấm việc xả rác trái phép, vì đây là nguồn chính gây rò rỉ nhựa ra môi trường.
* Theo bà, Phú Yên cần làm gì để giải quyết khó khăn trong quản lý RTN hiện nay?
- Để xử lý RTN hiệu quả, tỉnh cần chỉ đạo cương quyết, đồng bộ từ các cơ quan quản lý với trách nhiệm của các doanh nghiệp, sự hưởng ứng của người dân và huy động sự hỗ trợ của các tổ chức môi trường trong và ngoài tỉnh.
WWF sẽ tiếp tục đồng hành cùng Phú Yên để thực hiện cho được những mục tiêu trong Kế hoạch hành động quản lý RTN đến năm 2030 như tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi ứng xử về các sản phẩm nhựa, đặc biệt là nhựa dùng một lần, và về RTN nói chung, RTN đại dương nói riêng; phát triển các mô hình thu gom, phân loại, vận chuyển, xử lý và tái chế chất thải nhựa từ các hoạt động trên đất liền, khu vực ven biển, trên biển và các đảo; tăng cường hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ về xử lý RTN…
Để thật sự quản lý RTN hiệu quả, chúng ta cần nỗ lực ngăn chặn phát sinh RTN, giảm thiểu việc sử dụng nhựa khi không cần thiết; cũng như hạn chế và nghiêm cấm việc xả rác trái phép, vì đây là nguồn chính gây rò rỉ nhựa ra môi trường. |
MINH DUYÊN (thực hiện)