Những ngày này, tại các phiên giao dịch xã, cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Phú Yên (NHCSXH Phú Yên) tất bật giải ngân vốn, kịp thời giúp hộ vay có điều kiện phục hồi sản xuất kinh doanh.
Sau một thời gian tạm ngừng giao dịch do ảnh hưởng của dịch COVID-19, từ tháng 9 tháng đến nay, NHCSXH Phú Yên đã giao dịch trở lại ở hầu hết các điểm giao dịch xã. Nguồn vốn giải ngân cũng nhiều hơn số bình quân những tháng trước khi dịch bùng phát.
Ưu tiên cho vay hộ nghèo, cận nghèo...
Đợt dịch COVID-19 lần thứ tư này, xã Bình Kiến (TP Tuy Hòa) là một trong những nơi bị phong tỏa vì có nhiều ca nhiễm SARS-CoV-2 trong cộng đồng. Do đó, mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh đều ngưng trệ. “Gia đình tôi trồng trên 1.000 chậu mai, 200 chậu quất. Thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, xã bị phong tỏa, chúng tôi không thể chăm sóc vườn đầy đủ như trước nên cây cối bị hư hại một phần. Chưa kể, giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật ngày càng cao, trong khi dịch bệnh phức tạp, không làm ra tiền nên gia đình tôi gặp rất nhiều khó khăn. Vừa qua, NHCSXH Phú Yên giao dịch trở lại, tôi được vay 40 triệu đồng vốn hộ mới thoát nghèo. Với số tiền này, tôi sẽ về mua phân bón cho mai, quất để cây có sức, có bông đầy đủ và không bị rụng trái”, bà Lương Thị Đơn ở thôn Phú Vang, xã Bình Kiến cho biết.
Theo chị Trần Thị Thúy Hằng, Tổ trưởng Tổ giao dịch xã Bình Kiến, thời gian qua, Bình Kiến bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, NHCSXH Phú Yên phải tạm hoãn giao dịch ở xã này. Tháng 10/2021 tổ chức giao dịch lại, chi nhánh ưu tiên vốn cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hỗ trợ tạo việc làm... nhằm giúp người dân nơi đây có điều kiện khôi phục sản xuất.
Tại TX Đông Hòa, anh Lê Thanh Tùng ở phường Hòa Vinh cũng vừa nhận được 50 triệu đồng vốn tín dụng chính sách để nuôi bò sinh sản. Anh Tùng cho biết: “Dịch giã ai cũng khó khăn, được NHCSXH tạo điều kiện cho vay vốn nuôi bò, chúng tôi có thêm nguồn thu nhập nào thì đỡ được phần đó”. Theo anh Tùng, người làm nông phụ thuộc vào mấy sào ruộng và vài con bò. NHCSXH cho vay vốn với thời gian dài, phù hợp với chu kỳ trồng trọt, chăn nuôi của bà con nên người dân có điều kiện sản xuất, trả nợ trả lãi thong thả hơn.
Ông Nguyễn Hiệp Quốc Vũ, Phó Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH TX Đông Hòa cho hay: Để đảm bảo hoàn thành mục tiêu kép vừa phòng chống dịch COVID-19, vừa khôi phục sản xuất kinh doanh, ngay khi dịch bệnh trên địa bàn được kiểm soát, đơn vị đã tổ chức giao dịch trở lại ở các xã, phường. Người đến giao dịch được đo nhiệt độ, sát khuẩn đầy đủ, bố trí ngồi giãn cách và chia từng tốp giao dịch chứ không tập trung. Đối với hộ vay bị phong tỏa để phòng chống dịch, ngân hàng chủ động gia hạn nợ, kéo dài thời gian trả nợ thêm 1 tháng mà không cần thủ tục gì thêm.
Lập tờ trình bổ sung vốn
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, trong tháng 7/2021, NHCSXH Phú Yên chỉ thực hiện giao dịch xã ở 4 điểm, dừng 106 điểm. Tháng 8, đơn vị này dừng giao dịch xã ở tất cả 110 điểm trên địa bàn tỉnh. Từ tháng 9, khi dịch bệnh COVID-19 dần được kiểm soát, ngân hàng mới đồng loạt khởi động lại các điểm giao dịch. Cụ thể, ngân hàng thực hiện giao dịch tại 97 điểm (trong đó 72 điểm đúng ngày giao dịch và 25 điểm không đúng ngày giao dịch), dừng giao dịch 13 điểm với 208/2.240 tổ tiết kiệm và vay vốn không giao dịch; đồng thời tăng cường giao dịch tại 3 điểm ở huyện Sơn Hòa. Qua đó, NHCSXH Phú Yên giải ngân gần 181,3 tỉ đồng cho hơn 5.000 lượt khách hàng vay vốn, nâng tổng doanh số cho vay 9 tháng đầu năm nay lên gần 911,2 tỉ đồng cho 27.760 lượt khách hàng.
Theo ông Hồ Văn Thục, Giám đốc NHCSXH Phú Yên, từ nay đến cuối năm, chỉ tiêu kế hoạch dư nợ còn thực hiện hơn 30,7 tỉ đồng. Trong đó, 3 chương trình cho vay hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo hơn 8,4 tỉ đồng; nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn gần 3,7 tỉ đồng; hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn hơn 4 tỉ đồng; hỗ trợ tạo việc làm vốn trung ương hơn 6,1 tỉ đồng; nhà ở xã hội gần 5 tỉ đồng; hỗ trợ tạo việc làm vốn địa phương hơn 3,1 tỉ đồng. Ngân hàng sẽ phối hợp với địa phương rà soát đối tượng vay, tích cực giải ngân vốn để người dân có điều kiện phục hồi sản xuất, kinh doanh, vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.
“Chi nhánh đã lập tờ trình xin NHCSXH bổ sung 103 tỉ đồng để kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh, cải thiện đời sống của người dân trên địa bàn tỉnh. Trong đó có 20 tỉ đồng vốn chương trình cho vay học sinh sinh viên, 15 tỉ đồng cho vay hộ mới thoát nghèo, 8 tỉ đồng cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, 60 tỉ đồng cho vay hỗ trợ tạo việc làm. Dự kiến dư nợ tín dụng chính sách ở Phú Yên đến cuối năm 2021 khoảng 3.360 tỉ đồng”, ông Thục cho biết thêm.
Từ nay đến cuối năm, NHCSXH Phú Yên sẽ phối hợp với địa phương rà soát đối tượng vay, tích cực giải ngân vốn để người dân có điều kiện phục hồi sản xuất, kinh doanh, vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.
Ông Hồ Văn Thục, Giám đốc NHCSXH Phú Yên |
LÊ HẢO