Thực hiện Nghị quyết 105/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19, Liên minh HTX Việt Nam đã triển khai chương trình hành động tới toàn hệ thống liên minh cả nước, trong đó có Phú Yên trên tinh thần “Hợp tác vì cộng đồng thịnh vượng, dân chủ, không có đói nghèo”. Báo Phú Yên phỏng vấn ông Lê Thanh Lam, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh về vấn đề này.
Thông qua các chương trình kết nối tiêu thụ, các HTX có thêm cơ hội hợp tác ở tầm quốc gia với các đối tác lớn nếu kịp thời chuyển mình để nắm bắt. |
* Trong điều kiện dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, Nghị quyết 105 hỗ trợ gì cho các HTX, và Liên minh HTX Việt Nam triển khai như thế nào đến hệ thống liên minh cả nước, thưa ông?
- Nghị quyết 105 tạo điều kiện thuận lợi cho HTX phục hồi, duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch; hỗ trợ ổn định sản xuất, lưu thông hàng hóa, khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng… Nghị quyết cũng yêu cầu các địa phương huy động tối đa các nguồn lực hiện có, nhất là hợp tác công tư để hỗ trợ cho người lao động tại HTX góp phần bảo đảm an sinh xã hội, an toàn cho người lao động; không tạo ra các loại giấy phép “con” cản trở lưu thông hàng hóa…
Liên minh HTX Việt Nam ban hành Quyết định 630 về triển khai thực hiện Nghị quyết 105 của Chính phủ. Trong đó nhấn mạnh tới việc phối hợp giữa các đơn vị trực thuộc Liên minh HTX Việt Nam (gồm quỹ hỗ trợ phát triển HTX, trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư, trung tâm phát triển thương mại và đầu tư, trung tâm khoa học, công nghệ và môi trường, trung tâm các chương trình kinh tế - xã hội, các trường đào tạo...) với các đơn vị Saigon-Coop, Ngân hàng HTX Việt Nam và doanh nghiệp thành viên, để tạo ra liên kết cấp quốc gia hỗ trợ và cung ứng các dịch vụ cho HTX toàn quốc. Sự phối hợp được cụ thể hóa bằng các hoạt động như đẩy mạnh kết nối cung cấp, chia sẻ thông tin thị trường và xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm cho HTX đang được thực hiện có hiệu quả từ tháng 8/2021 theo Văn bản 503 của Liên minh HTX Việt Nam (gọi tắt Chương trình 503); cung ứng các yếu tố đầu vào, liên kết chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị; hỗ trợ vay vốn tín dụng từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX Việt Nam, quỹ hỗ trợ phát triển HTX cấp tỉnh, đồng thời tư vấn xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh, dự án đầu tư và hồ sơ vay vốn; xúc tiến công nghệ và triển khai đầu tư dự án nhằm khôi phục phát triển sản xuất, kinh doanh HTX; đào tạo nguồn nhân lực, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản trị hoạt động…
Từ đây cho thấy, Nghị quyết 105 đã tạo cơ chế và hành lang pháp lý thuận lợi để Liên minh HTX Việt Nam cụ thể hóa tới các liên minh HTX các tỉnh trong cả nước, tạo thành khối đoàn kết, thống nhất hành động vì một mục tiêu là góp phần cùng cộng đồng vượt qua khó khăn do dịch COVID-19 gây ra.
Ông Lê Thanh Lam |
* Vậy Liên minh HTX tỉnh đồng hành thế nào và các HTX trên địa bàn tỉnh đã được thụ hưởng những gì?
- Để hỗ trợ các HTX gặp khó khăn, Liên minh HTX tỉnh đã kết nối với Liên minh HTX Việt Nam cũng như bám sát các chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh để kịp thời tháo gỡ vướng mắc. Trong đó, đơn vị chú trọng tới thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm cho HTX, thành viên HTX. Kết quả, sau chưa đầy 1 tháng triển khai, đến nay 7 HTX trên địa bàn tỉnh với 18 sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh đã tham gia kết nối cung cầu tiêu thụ, được xúc tiến thương mại trên cổng thông tin điện tử của Liên minh HTX Việt Nam. Nhiều đơn vị tiêu thụ hàng hóa như Coopmart, Vinmart… đã tiếp nhận hồ sơ nông sản của HTX. Cùng với đó, Liên minh HTX tỉnh xúc tiến việc thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX của tỉnh. Khi quỹ này đi vào hoạt động sẽ tạo cơ hội để các HTX được tiếp cận vốn hỗ trợ một cách kịp thời trong mọi hoàn cảnh khó khăn không riêng dịch COVID-19.
Thời gian qua, các HTX cũng được địa phương tạo mọi điều kiện duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ. Điển hình như nhiều HTX vận tải được cấp thẻ xanh thực hiện vận chuyển lưu thông hàng hóa.
* Ông đánh giá như thế nào về những cơ hội lớn hơn cho phát triển HTX trong và sau dịch?
- Nhìn một cách tích cực, dịch COVID-19 cũng là một phép thử để các HTX nhìn lại và thay đổi quan niệm trong định hướng phát triển kinh tế, xóa bỏ hẳn tư duy ỷ lại để chủ động tự lực tự cường vượt qua khó khăn. Đặc biệt, trong điều kiện như hiện nay, một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của công nghệ số với phát triển kinh tế. Các HTX đã nhìn thấy cánh cửa để bước vào thị trường chính là công nghệ. Từ đây, các HTX sẽ có những điều chỉnh phù hợp trong định hướng phát triển của mình. Trong đó, các HTX nông nghiệp muốn có chỗ đứng trên thị trường phải tiến tới sản xuất theo hướng hàng hóa; muốn vậy buộc phải đầu tư công nghệ hiện đại. Các HTX phi nông nghiệp không hiện đại hóa để nâng cao chất lượng dịch vụ cũng sẽ bị đào thải. Cuối cùng, thông qua các chương trình kết nối tiêu thụ này, các HTX có thêm cơ hội hợp tác ở tầm quốc gia với các đối tác lớn nếu các HTX kịp thời chuyển mình để nắm bắt.
* Xin cảm ơn ông!
MINH DUYÊN (thực hiện)